Ngành dệt may làm gì để tránh rào cản truy xuất nguồn gốc?
Năm 2022, ngành dệt may xuất khẩu 44,4 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021 và tiếp tục đặt mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu từ 45-47 tỷ USD trong năm 2023. Tuy nhiên, thị trường thế giới hiện tác động rất lớn đến ngành dệt may trong nước. Lũy kế quý I/2023, kết quả sản xuất kinh doanh toàn ngành giảm gần 19% so với cùng kỳ năm 2022.
Môi trường kinh doanh của dệt may cũng như nhiều ngành sản xuất xuất khẩu khác đang biến động phức tạp. Để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn hiện nay, chỉ có lựa chọn phát triển bền vững, linh hoạt thích ứng với yêu cầu của thị trường.
Minh bạch chuỗi cung ứng cho dệt may
Hiện vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang trở thành xu hướng bắt buộc của các thị trường nhập khẩu. Đơn cử, Mỹ yêu cầu tuân thủ đạo luật chống lao động cưỡng bức có hiệu lực từ tháng 6/2022, hay các nước thuộc khối EU cũng bắt đầu thực hiện các quy định truy xuất nguồn gốc với chuỗi cung ứng dệt may theo Luật tra soát chuỗi cung ứng. Đây là thách thức với ngành dệt may vì Việt Nam chủ yếu nhập nguyên phụ liệu, trong đó riêng mặt hàng bông, nhu cầu lên đến 1,6 triệu tấn mỗi năm và gần như nhập 100%.
Theo Giám đốc Phát triển bền vững, Hiệp hội Bông Mỹ, sản phẩm dệt may từ Việt Nam đang có lợi thế trong truy xuất nguồn gốc với mặt hàng bông nguyên liệu khi nguồn cung chủ yếu nhập từ Mỹ, chiếm từ 45-60% tổng lượng bông nhập khẩu. Tuy nhiên, nhiều quốc gia khu vực EU không chỉ xét đến bông nguyên liệu mà truy xuất nguồn gốc với tất cả nguyên phụ liệu khác hình thành một sản phẩm thời trang nhập khẩu. Đồng thời EU truy xuất nguồn gốc sản phẩm dệt may với các tiêu chí toàn diện cả về lao động và môi trường.
EU đưa ra các tiêu chuẩn phát triển bền vững trong chiến lược phát triển dệt may, theo đó, chuyển từ thời trang nhanh sang thời trang bền vững, sắp tới đây họ sẽ bổ sung tiêu chí sản phẩm có thể tái chế. Bất kỳ khi nào các tổ chức đánh giá cũng có thể yêu cầu tra soát, đòi hỏi doanh nghiệp phải sẵn sàng, tức là luôn minh bạch thông tin chuỗi cung ứng.
Để cập nhật các bộ công cụ của các tổ chức đánh giá quốc tế trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm dệt may, thời gian qua, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đã triển khai các chương trình tập huấn, hội thảo chia sẻ thông tin, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp hội viên. Trong đó, Vitas phối hợp với Hiệp hội Bông Mỹ triển khai chương trình hỗ trợ thị trường, có chuyên gia hướng dẫn các doanh nghiệp dệt may Việt Nam thực hiện các bộ công cụ đánh giá mà thị trường Mỹ và EU đang áp dụng.
Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia đều có những yêu cầu rất cao về tính minh bạch trong tuân thủ cam kết về lao động, môi trường và thực hiện truy xuất chuỗi cung ứng. Theo Vitas, nếu sản phẩm dệt may từ Việt Nam không tuân thủ thì các quốc gia sẽ áp dụng chế tài thương mại ngăn chặn nhập khẩu sản phẩm từ Việt Nam, khi đó sẽ thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp và thương hiệu ngành dệt may Việt Nam. Do đó, để tránh các rủi ro có thể xảy ra, các doanh nghiệp cần cập nhật blacklist - danh sách những doanh nghiệp vi phạm cam kết quốc tế, để tính toán khi hợp tác với các bên. Đồng thời, các doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ các điều khoản hợp đồng với đối tác. Đối với các doanh nghiệp làm hàng gia công, trách nhiệm tuân thủ truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng thuộc về các nhãn hàng, đối tác. Các doanh nghiệp sản xuất FOB hoặc ODM, được quyền mua nguyên liệu, bán thành phẩm thì doanh nghiệp yêu cầu nhà cung ứng minh bạch nguồn gốc nguyên phụ liệu theo các quy định truy xuất nguồn gốc của Việt Nam cũng như các nước nhập khẩu.
Chia sẻ thực tế từ nhãn hàng, Giám đốc Vận hành và quan hệ chính phủ của Adidas cho biết, nhãn hàng đưa ra yêu cầu cụ thể với các bên trong chuỗi cung ứng từ nguyên liệu, công nghệ, năng lượng sạch... Ví dụ, những nguyên liệu mới cấu thành sản phẩm của Adidas phải là nguyên liệu có hàm lượng phát triển bền vững và được sản xuất từ dây chuyền phát thải carbon thấp. Nhãn hàng này cũng đặt ra tiêu chí minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc xuất xứ nguyên vật liệu đầu vào và phải kết nối với hệ thống truy xuất của Adidas.
Bám sát chiến lược phát triển ngành dệt may
Theo Vitas, ngành dệt may Việt Nam đang có điều kiện thuận lợi thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững sau khi Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may - da giày từ nay đến 2030, tầm nhìn 2035. Theo đó, từ nay đến năm 2035, ngành dệt may sẽ chuyển từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững, tiến lên giai đoạn phát triển bền vững hiệu quả theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Tiến trình xanh hoá là mục tiêu và cũng là đòi hỏi tất yếu với ngành dệt may.
Tỷ trọng chương trình phát triển xanh hoá trong lĩnh vực này hiện đã chiếm trên 50%. Năm 2023, mục tiêu đặt ra đạt tỉ lệ trên 70%. Đến nay, các doanh nghiệp đã đầu tư vào hạ tầng, môi trường, năng lượng tái tạo… đặc biệt liên quan tới nước cấp, nước thải và xử lý nước. Hầu hết các doanh nghiệp thuộc ngành may, sợi, dệt, nhuộm… đã đạt được các chuẩn mực trong Luật Môi trường Việt Nam cũng như đánh giá của khách hàng. Song, quá trình chuyển đổi như vậy cần nguồn lực đầu tư lớn, là thách thức cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nêu cách làm của Bangladesh hỗ trợ ngành dệt may phát triển bền vững, đại diện Vitas cho hay với doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn xanh hoá, Chính phủ Bangladesh giảm 2% thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi các dự án chuyển đổi xanh hoá được ưu tiên vay vốn với lãi suất ưu đãi.
Vitas đang tích cực kết nối với các tổ chức tài chính để hướng đến xây dựng một chương trình tín dụng hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh, doanh nghiệp có dự án đầu tư phát triển bền vững. Trước mắt, doanh nghiệp cần tính toán lộ trình, lựa chọn hạng mục nào cần phải chuyển đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Nguồn: Bản tin TT- TM