Chuỗi cung ứng dệt may dịch chuyển
Ngành dệt may Việt Nam có thể sẽ đối mặt với nhiều thách thức từ chiến lược thay đổi của các tập đoàn toàn cầu.
Những dấu hiệu không thuận
Không ít tập đoàn dệt may của Mỹ và châu Âu đang dịch chuyển nhà máy sang các vị trí địa lý gần hơn như Trung Mỹ, châu Phi để hạ giá thành vận chuyển cũng như chi phí nhân công.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2023, ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã chứng khoán MSH) đã phân tích về thực tế này.
Ông Quang cho biết, trước kia, 80% tỷ trọng hàng của các tập đoàn lớn sản xuất tại châu Á, bao gồm các thủ phủ như Việt Nam, Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc..., nhưng sau đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine, họ nhận thấy cơ cấu tập trung như vậy là rủi ro. Hơn nữa, những khó khăn về kinh tế khiến các tập đoàn này phải tối ưu hóa chi phí, giảm cước vận chuyển, giảm chi phí gia công. Trung Mỹ và châu Phi được lựa chọn thay thế. Hiện lương tối thiểu cho một công nhân may tại Việt Nam là 300 USD/tháng, trong khi ở các khu vực trên chỉ dao động từ 80 - 100 USD/tháng.
Dịch Covid-19 khiến nhiều tập đoàn dệt may quốc tế cảm thấy rủi ro khi bị phụ thuộc vào Trung Quốc và Việt Nam nên có động thái dịch chuyển một phần sản xuất sang các nước khác.
Các mặt hàng như áo sơ mi, quần áo dệt kim không đòi hỏi nhiều về sự khéo léo của nhân công, mức độ gia nhập dễ... sẽ là những sản phẩm được di chuyển nhiều.
Từ khi gia nhập WTO, hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam gia tăng mạnh mẽ. Nhưng hiện nay, xu hướng toàn cầu hóa đang chững lại, thậm chí bị đẩy lùi vì sự phân tách Mỹ - Trung, ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. Hơn nữa, sau 3 năm dịch bệnh Covid-19, nhiều khách hàng nhận thấy, họ bị phụ thuộc vào Trung Quốc, Việt Nam quá nhiều. Khi phải đóng cửa sản xuất nhằm phòng chống dịch, nhiều khách hàng bị thiệt hại lớn. Họ đã đánh giá lại chuỗi cung ứng và thực hiện san sẻ với nơi khác.
“Trong tương lai, tỷ trọng giữa hàng dệt may ở châu Á với các địa điểm sản xuất khác có thể giảm về 50 - 50, thay vì chiếm 2/3 như hiện nay”, ông Quang dự báo và chia sẻ, qua các cuộc làm việc với các tập đoàn lớn, ông thấy họ có xu hướng chuyển sang các nước Trung Mỹ như Nicaragua, Guatemala, Ai Cập, Jordan...
“Kinh tế suy thoái, lạm phát không phải là lý do chính, mà chỉ là cái cớ để họ chuyển dịch nhanh hơn”, ông Quang nói.
Đáng lưu ý, đặc thù của ngành dệt may Việt Nam là tháng hè làm hàng đông, tháng đông lại làm hàng hè, chênh lệch mùa vụ hàng năm rất lớn. Trong bối cảnh hàng dễ làm, hàng dệt kim chuyển dịch mạnh, các tháng thấp điểm sẽ rơi vào mùa đông, đơn hàng dự kiến khó khăn hơn.
“Khi làm việc với các khách hàng lớn, chúng tôi nhận thấy rõ rệt một thực tế là các tập đoàn trước đây tập trung ở châu Á thì giờ đã di chuyển nhiều, triển vọng đơn hàng dồi dào như trước sẽ không còn. Điều này sẽ ảnh hưởng mạnh đến các doanh nghiệp dệt may phía Nam”, một lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) bày tỏ nỗi lo ngại.
Tại Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (TNG), thực tế trên thể hiện khá rõ ở việc đơn giá gia công năm nay giảm mạnh, chỉ bằng 2/3 so với cùng kỳ. Khách hàng vừa nhìn thị trường vừa ra đơn, họ đặt hàng không mạnh tay như trước.
Doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh
Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam buộc phải điều chỉnh phương thức quản trị, cách thức trả lương công nhân, cách thức giao việc, huy động ca kíp để phù hợp với tình hình mới, yêu cầu mới, đặc biệt là yêu cầu về đầu tư bền vững.
Với khách hàng là các tập đoàn đề cao chất lượng, làm hàng khó, hàng phức tạp bán đến tay người tiêu dùng cuối cùng, họ rất coi trọng những yếu tố này. Có nhiều tập đoàn Mỹ không đặt hàng tại Bangladesh, do các yếu tố liên quan đến môi trường, bảo vệ người lao động... Thậm chí, nhà bán lẻ Target (Mỹ) đang yêu cầu các đối tác sản xuất thực hiện tiêu chí “no waste” (không rác thải).
Tập trung làm hàng khó, cao cấp, bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp là con đường dài hơi, nhưng buộc phải tự nâng cấp, làm mới mình nếu các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam muốn chiến thắng trên các trận chiến lớn.
Vitas kiến nghị, cơ quan quản lý cần tăng cường xúc tiến thương mại, chương trình làm việc giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới để mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua tham tán thương mại; trong đó, tập trung vào các nước thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và Liên minh châu Âu - những nước mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại song phương.
Bên cạnh đó, xây dựng gói vay ưu lãi suất 0% để trả lương cho người lao động như gói vay mà Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện trong giai đoạn dịch Covid-19, nhằm giúp doanh nghiệp phần nào giảm áp lực tài chính để trả lương, giữ chân lao động trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Đối tượng được vay là những doanh nghiệp có phương án trả nợ tốt, những doanh nghiệp chấp hành đúng quy định và hoàn trả xong khoản vay trước đó; mức vay có thể nâng lên 6 tháng lương cơ bản, thay vì 3 tháng lương như vừa qua.
Về trung và dài hạn, hỗ trợ một phần tài chính và chuyên gia trong việc thực hiện các dự án xanh hoá như giảm nước thải, chất thải, sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu tái chế, giảm sử dụng hoá chất, chuyển đổi số trong ngành dệt may để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu; tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển và sản xuất nguyên liệu, đặc biệt là khâu vải hoàn tất.
Đặc biệt, xây dựng và quảng bá thương hiệu về ngành dệt may Việt Nam; hợp tác với đối tác nước ngoài để đào tạo nguồn nhân lực về thiết kế thời trang, sản xuất nguyên phụ liệu.
Ngoài ra, Nhà nước nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 2% cho các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn xanh và hỗ trợ lãi suất cho các dự án chuyển đổi xanh (như trường hợp Bangladesh đang làm).
Nguồn:Tinnhanhchungkhoan.vn