Dệt may Việt Nam: Trở lại đường đua quốc tế

Sau khi trải qua những tháng đầu năm 2023 đầy ảm đạm với sự sụt giảm đơn hàng từ nước ngoài, ngành dệt may Việt Nam đang dần trở lại đường đua quốc tế trong bối cảnh mới.

 
Dệt may Việt Nam: Trở lại đường đua quốc tế
Dệt may là ngành công nghiệp mang lại giá trị xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam

Với vai trò là nguyên liệu đầu vào tối quan trọng, những biến động của giá bông đóng vai trò không nhỏ đến tương lai của ngành công nghiệp dệt may.

Giá bông được giao dịch trên Sàn giao dịch liên lục địa (ICE) đã trải qua năm 2022 với những rung lắc mạnh mẽ. Có thời điểm giá bông bật tăng lên mức cao kỷ lục với 157,00 cent/pound (cao nhất kể từ mức đỉnh lịch sử vào năm 2011) rồi ngay sau đó lại tụt xuống mốc 70,00 cent/pound, thấp nhất kể từ tháng 11-2020 khi giá đồng USD ở mức cao nhất trong 20 năm sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất liên tục.

Cũng trong thời gian này, Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu bông hàng đầu thế giới, đang nghiêm ngặt thực hiện chính sách Zero Covid, khiến nhu cầu về bông trên toàn cầu rơi vào tình trạng thâm hụt nghiêm trọng, đã kéo giá bông lao dốc thảm hại.

Bước sang năm 2023, tình hình dịch bệnh cũng như lạm phát được kiểm soát phần nào. Trung Quốc đã mở cửa giao thương lại với thế giới, trong khi tốc độ tăng lãi suất của Fed cũng giảm dần từ mức 75 điểm cơ bản năm 2022 xuống còn 25 điểm cơ bản trong lần điều chỉnh mới nhất vào gần cuối tháng 3-2023. Điều đó thúc đẩy nhu cầu bông được khôi phục và bảo đảm sự ổn định về giá. Từ đầu năm 2023 đến nay, giá bông chủ yếu dao động trong khoảng 76,00-90,00 cent/pound.

Dệt may Việt Nam: Trở lại đường đua quốc tế
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 44 tỉ USD

Cung - cầu là yếu tố quan trọng hàng đầu ảnh hưởng đến diễn biến giá bông. Do đó, những diễn biến trong cán cân cung - cầu thời gian tới có vai trò quan trọng với sự phát triển của ngành công nghiệp bông.

Nhu cầu về bông từ các nước nhập khẩu chính như Trung Quốc và Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục phục hồi trong những tháng tiếp theo của năm 2023. Sau khi gỡ bỏ chính sách Zero Covid, Trung Quốc tập trung hơn vào việc hỗ trợ kinh tế hồi phục, giúp ngành dệt may Trung Quốc có cơ hội sôi động trở lại, kéo theo nhu cầu nhập khẩu bông gia tăng.

Tại Việt Nam, các chuyên gia trong ngành dệt may nhận định, tình hình quốc tế ổn định, cùng với lo ngại về suy thoái kinh tế trên toàn cầu giảm bớt, các đơn hàng dệt may sẽ sớm quay trở lại từ quý II/2023.

Sự hồi phục cũng được thể hiện từ phía nguồn cung. Sau những đợt giảm mạnh dự đoán sản lượng bông tại Mỹ do ảnh hưởng từ thời tiết khô hạn kéo dài tại vùng Texas hồi giữa năm 2022, những dự đoán gần đây dần ổn định hơn. Theo số liệu mới nhất trong báo cáo cung - cầu nông sản tháng 3-2023, sản lượng bông tại Mỹ đã thoát khỏi mức thấp nhất trong 7 năm qua và duy trì mức trên 14,5 triệu kiện trong những tháng gần đây, giúp xua tan những lo ngại về nguồn cung thiếu hụt trên thị trường bông, tạo bước đệm đi đến sự cân bằng cán cân cung - cầu.

Các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, cung - cầu bông trên toàn cầu sẽ duy trì trạng thái cân bằng, tạo môi trường thuận lợi để giá bông đang giao dịch trên ICE và thị trường hàng thực được ổn định, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành dệt may.

Dệt may là ngành công nghiệp mang lại giá trị xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch đạt 44 tỉ USD trong năm 2022, chiếm giữ vị trí ngành công nghiệp lớn thứ 5 của cả nước. Trong giai đoạn 5 năm (2015-2020), ngành dệt may liên tục tăng trưởng với tốc độ bình quân 17%/năm, cho thấy tiềm năng phát triển vẫn còn rất lớn và là cơ sở để tiếp tục phát triển trong năm 2023 và những năm tới.

Tuy vậy, thách thức là điều không thể tránh khỏi. Một trong những thách thức hàng đầu đối với dệt may trong nước chính là việc phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu đầu vào là bông tự nhiên từ nước ngoài, thêm nữa, phụ thuộc vào nguồn cung từ 1 nước. Thực tế đó đã để lại bài học lớn cho các doanh nghiệp trong năm 2022 khi nguồn nhập khẩu bông lớn nhất của Việt Nam là Mỹ rơi vào tình trạng sụt giảm mạnh. Tại thời điểm đó, các doanh nghiệp Việt Nam phải loay hoay duy trì nguồn nguyên liệu đầu vào để bảo đảm hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Đó cũng là hồi chuông cảnh báo về việc không chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào.

Việc xác định rõ những khó khăn, thách thức trước mắt sẽ giúp doanh nghiệp dệt may Việt Nam có bước đi chủ động, không bị hoang mang trước những bất ổn thị trường và sẵn sàng triển khai các giải pháp ứng phó phù hợp với diễn biến mới, nhằm tăng tốc xuất khẩu; tập trung nghiên cứu, xác định sản phẩm chủ lực, thích hợp nhất tại từng thời điểm để hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín; làm tốt công tác dự báo thị trường, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời để có cơ sở cân nhắc, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp trong từng giai đoạn; tích cực mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng mới; tăng cường kết nối chuỗi sản xuất dệt, may để đẩy mạnh tiêu thụ, cân đối lượng tồn kho và tiêu thụ để bảo đảm dòng tiền, bố trí sản xuất linh hoạt để duy trì tính tối ưu; tận dụng tối đa các đơn hàng, kể cả các đơn hàng ngắn hạn, để bảo đảm duy trì sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.

Nhận thấy tầm quan trọng của ngành dệt may, cuối năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1643/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035” với mục tiêu phấn đấu tỷ lệ nội địa hóa ngành dệt may giai đoạn 2021-2025 đạt 51-55% và giai đoạn 2026-2030 đạt 56-60%.

Có thể thấy, sau khi trải qua những thăng trầm trong quá khứ, ngành dệt may Việt Nam đã sẵn sàng và chủ động hồi phục với hỗ trợ kép từ sự bình ổn của thị trường cũng như sự quan tâm của Chính phủ.

Nguồn: Petrolimex.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/