Cùng với những khó khăn do thiếu hụt đơn hàng, doanh nghiệp dệt may đang chịu sức ép về quy định truy xuất nguồn gốc nguyên phụ liệu ở nhiều khâu trong chuỗi cung ứng ngành. Nếu như cách đây vài năm, cụm từ "xanh hoá" được nhắc đến như một xu hướng sản xuất mới thì nay đã trở thành một yêu cầu bắt buộc với ngành dệt may.
Các nước nhập khẩu ngày càng đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ của nguyên phụ liệu cấu thành sản phẩm, đáp ứng các quy định của Việt Nam và quy định về C/O của các Hiệp định Thương mại tự do hay yêu cầu của các quốc gia nhập khẩu. Cùng với đó, nhiều thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam như Mỹ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng đã có những quy định liên quan đến quy trình sản xuất thân thiện với môi trường.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên cho biết, doanh nghiệp chỉ có cách tiếp tục đầu tư, nâng cấp máy móc công nghệ tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước để đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu để tăng tính chủ động, giảm lệ thuộc vào nguyên liệu ở một vài thị trường.
Ảnh minh họa
Theo ông Dương: "Muốn cạnh tranh được thì không có con đường nào khác là doanh nghiệp phải đầu tư, đổi mới, làm thế nào có thể đưa được những công nghệ, quản trị công nghệ số và doanh nghiệp để tăng năng suất, giảm nhân công không cần thiết, phát triển các sản phẩm xanh, tiết kiệm năng lượng…".
Xu hướng lựa chọn hàng tái chế, sản phẩm xanh và sử dụng nguyên liệu bền vững ngày càng được khách hàng lựa chọn và chấp nhận giá thành cao hơn. Đây cũng là một lợi thế khi doanh nghiệp tham gia sớm các quy trình chuẩn quốc tế.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, các quy chuẩn và đánh giá sự phát triển bền vững của doanh nghiệp ngày càng cao dựa trên mức độ tuân thủ của các doanh nghiệp về trách nhiệm đối với người lao động, môi trường, xã hội và người tiêu dùng toàn cầu trước khi các sản phẩm được đưa ra tiêu thụ trên thị trường. Tuy nhiên, các quy chuẩn này sẽ không cố định mà liên tục thay đổi, đòi hỏi các doanh nghiệp phải linh hoạt thích ứng.
"Vấn đề đầu tiên là chúng ta phải hiểu và nâng cao nhận thức, đây là vấn đề tất yếu cho sự phát triển bởi vì nếu không vào cuộc ngay từ bây giờ thì có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chúng ta biết rằng, các thị trường xuất khẩu dệt may của Việt Nam, đặc biệt thị trường EU đã đưa ra chiến lược mới về dệt may. Đó là việc sản phẩm phải có vòng đời cao và có thể tái chế, thậm chí sản phẩm phải đảm bảo một tỷ lệ tái chế nhất định, có thể là tân trang, tái sử dụng để chống ô nhiễm môi trường. Các doanh nghiệp nếu không vào cuộc ngay từ bây giờ có thể sẽ chậm chân và gặp nhiều khó khăn" - ông Cẩm nhấn mạnh.
Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 đã cho thấy sự chuẩn bị kỹ càng cho sự phát triển dài hạn của ngành dệt may, da giày Việt Nam. Chiến lược phát triển đã đề ra mục tiêu đẩy mạnh phát triển chuỗi giá trị và phát triển thị trường, ngoài việc đáp ứng yêu cầu của các nhãn hàng, việc sử dụng nguồn nguyên liệu ít sử dụng carbon hơn, nguyên liệu sạch… cũng hết sức quan trọng. Điều này cho thấy khát vọng hướng tới sự phát triển mạnh mẽ và bền vững cho ngành dệt may, da giày Việt Nam trong giai đoạn mới./.