Ngành dệt may: Xanh hóa chuỗi sản xuất
Đầu tư nâng cấp các nhà máy, sản xuất vải tái chế theo kinh tế tuần hoàn, sử dụng năng lượng xanh đang là hướng đi của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Xanh hóa chuỗi sản xuất trong ngành dệt may là xu thế toàn cầu mà doanh nghiệp bắt buộc phải triển khai để đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Đây là yêu cầu tất yếu với các nhà cung ứng nếu không muốn lùi lại phía sau do EU - thị trường nhập khẩu trên 4 tỷ USD/năm hàng dệt may Việt Nam - đã đề xuất áp dụng một số quy định sinh thái đối với hàng dệt may tiêu thụ tại thị trường châu Âu.
Theo đề xuất, hàng dệt may vào thị trường EU phải có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng và tái chế được. Cùng với đó, các thương hiệu may mặc lớn trên thế giới đối tác đặt đơn hàng của dệt may Việt Nam cũng đang dần chuyển sang ưu tiên đặt hàng từ doanh nghiệp xanh.
|
Xanh hóa chuỗi sản xuất trong ngành dệt may là xu thế toàn cầu |
Nhiều khách hàng là các nhãn hàng lớn trên thế giới đã yêu cầu nhà cung cấp hàng dệt may phải thực hiện quy trình về sản xuất xanh. Do đó, việc bố trí ngân sách đầu tư các thiết bị thay thế cho nhân công, thiết bị tiết liệm năng lượng, tuần hoàn nguồn nước để đảm bảo sản xuất xanh, sạch, thân thiện với môi trường… là con đường tất yếu của doanh nghiệp.
Trước những thách thức và yêu cầu khắt khe của thị trường, nhiều doanh nghiệp trong nước đã thay đổi và hướng đến sản xuất xanh. Đơn cử, Tổng công ty Cổ phần (CP) Dệt may Hà Nội (Hanosimex) và Tập đoàn Hansae (Hàn Quốc) hợp tác triển khai dự án sản xuất vải tái chế tại Việt Nam.
Ông K.Kim - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hansae - cho biết, Hanosimex và Hansae sẽ là những đơn vị đầu tiên trong ngành dệt may Việt Nam tạo ra bước ngoặt mang tính lịch sử với việc xây dựng chuỗi cung ứng hoàn thiện từ sợi - dệt - nhuộm - may dành riêng cho các sản phẩm tái chế.
Hai bên sẽ thực hiện dự án sản xuất sợi và vải từ xơ tái chế tại Việt Nam, toàn bộ sản phẩm từ nhà máy sẽ được may hàng xuất khẩu. Dự kiến, khoảng 4.000 tấn vải tái chế dành cho thị trường EU sẽ được đưa vào sản xuất trong thời gian tới.
|
4.000 tấn vải tái chế dành cho thị trường EU dự kiến được đưa vào sản xuất trong thời gian tới |
Dự án cũng sẽ hướng đến làm các mẫu sản phẩm sợi, vải, phát triển thành công các thị trường khác như: Mỹ, Nhật Bản… với dệt kim và dệt thoi, nhằm đưa doanh số của cả hai bên đạt 500 triệu USD vào năm 2025 và 1 tỷ USD năm 2030.
Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam - cho rằng, nền kinh tế tuần hoàn và các sản phẩm quần áo thân thiện với môi trường đang là một trong những xu hướng của thị trường dệt may thế giới.
Từ nay đến năm 2050, EU sẽ có những quy định mới về sản phẩm dệt may, trọng tâm là các sản phẩm xanh. Việc ký kết hợp tác chiến lược giữa Hanosimex và Hansae sẽ giúp hai bên tăng khối lượng và tỷ trọng các sản phẩm mặt hàng dệt kim có nguồn tái chế, sản phẩm thời trang xanh thân thiện với môi trường.
Trong khi đó, tại khu vực phía Nam, Nhà máy May Spectre với 100% vốn Đan Mạch chuyên sản xuất quần áo thể thao ngoài trời xuất khẩu sẽ vận hành một phần bằng năng lượng tái tạo. Đây là nhà máy thứ 3 của Spectre tại Việt Nam và là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài của Đan Mạch tại An Giang với tổng vốn đầu tư 17 triệu USD. Nhà máy được xây dựng gắn với tiêu chuẩn cao về trách nhiệm xã hội (CSR) và được cấp giấy chứng nhận vàng của LEED - chứng nhận thiết kế đạt chuẩn hàng đầu về năng lượng và môi trường. Bằng việc sử dụng năng lượng mặt trời và thiết kế hiện đại, nhà máy có thể giảm thiểu phát thải khoảng 1.600 tấn CO2 mỗi năm.
Nguồn: Congthuong.vn