Do Tết Nguyên đán nằm trong tháng 1, nên các đơn vị sản xuất kinh doanh có thời gian nghỉ tết khá dài. Bước sang tháng 2 các đơn vị đã trở lại hoạt động bình thường nên khối lượng sản phẩm tăng cao so với tháng trước và cùng kỳ.
Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong các tháng gần đây gặp khó khăn ở một số ngành như chế biến các sản phẩm từ dừa; sản xuất các sản phẩm da; sản xuất xe có động cơ… Nguyên nhân chủ yếu do thiếu đơn đặt hàng, sức tiêu thụ trên thị trường chậm…
Dù vậy, tháng 2/2023, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp vẫn tăng 8,2% so tháng trước và tăng 6,97% so cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ năm trước, ngành sản xuất có mức tăng lớn nhất là dệt, tăng 43,87%. Kế đó là ngành sản xuất đồ uống và sản xuất trang phục, tăng lần lượt 40,32% và 37,66%.
Trong khi đó, mức giảm lớn nhất đến từ ngành sản xuất xe có động cơ, giảm 7,87%, ngành chế biến gỗ và sản xuất các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 5,12%...
Về các sản phẩm chủ yếu của tỉnh, so cùng kỳ năm trước chỉ số sản xuất tăng lớn nhất là ở sản phẩm quần áo thể thao, tăng mạnh 50,08%, mức giảm lớn nhất là của sản phẩm thùng hộp bằng bìa cứng, giảm 16,88%.
Lũy kế 2 tháng đầu năm, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 0,59% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp khai khoáng tăng 0,09%; ngành công nghiệp chế biến tăng 0,58%; ngành công nghiệp phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 0,88%; ngành công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,8%.
Chỉ số sử dụng lao động của khu vực doanh nghiệp giảm 2,4% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,98% so cùng kỳ năm trước; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 2,72%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 2,52%.
Theo Tổng cục Thống kê, doanh nghiệp ngoài Nhà nước gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động do các chế độ ưu đãi thu hút lao động làm việc trong khu vực này ít, không có tính cạnh tranh cao.
Trong tháng 2/2023, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,32% so với tháng trước, giảm 31,21% so cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,93% so tháng trước, so cùng kỳ năm trước tăng 67,91%.
Trong tháng 2 này, tỉnh còn chứng kiến sự hồi phục đến từ việc giảm số lượng doanh nghiệp giải thể và tăng số vốn cấp mới
Tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 40 doanh nghiệp và 25 đơn vị trực thuộc với vốn đăng ký ban đầu 251,25 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước số lượng doanh nghiệp đăng ký mới giảm 12 doanh nghiệp, tuy nhiên vốn đăng ký lại tăng mạnh bằng 166,5% tổng vốn đăng ký của cùng kỳ năm trước.
Đồng thời trong tháng, toàn tỉnh đã có 2 doanh nghiệp và 14 đơn vị trực thuộc làm thủ tục giải thể, giảm 8 doanh nghiệp và tăng 2 đơn vị trực thuộc so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 11 doanh nghiệp, tương đương so cùng kỳ.
Lũy kế 2 tháng đầu năm toàn tỉnh đã có 77 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký 357,08 tỷ đồng và có 10 doanh nghiệp giải thể, so cùng kỳ năm trước số lượng doanh nghiệp đăng ký mới giảm 24,51%, vốn đăng ký mới giảm 0,26%, số lượng doanh nghiệp giải thể giảm 64,29%. Lũy kế đến ngày 15/2/2023 toàn tỉnh đã có 5.767 doanh nghiệp đã đăng ký với vốn đăng ký 66.665 tỷ đồng.
Về đầu tư trong nước, từ đầu năm đến nay, chưa có dự án đầu tư được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư. Lũy kế đến 15/2/2023, toàn tỉnh có 265 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 61.005 tỷ đồng.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong tháng 2/2023, tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 1 dự án là nhà máy Công ty TNHH Genova Group của GTIG HUBO INDUSTRIAL CO., LTD có vốn đăng ký ban đầu là 4 triệu USD.
Lũy kế đến 15/02/2023, toàn tỉnh có 64 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 1,6 tỷ USD.