Tra soát chuỗi cung ứng, cơ hội lẫn thách thức của dệt may da giày

Thẩm định chuỗi cung ứng có trách nhiệm về quyền con người và môi trường của OECD đang trở thành quy định bắt buộc ở nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Đây là cơ hội lẫn thách thức cho ngành dệt may và da giầy.

Chia sẻ công bằng

Trong khuôn khổ Diễn đàn về tra soát chuỗi cung ứng ngành dệt may và da giày của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) lần thứ 9 mới đây giữa hai nhóm chuyên gia tại Hà Nội và Paris với chủ đề “Thực hiện hiệu quả tra soát chuỗi cung ứng: Góc nhìn thực tiễn từ Việt Nam”, các cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp dệt may và da giày Việt Nam khi tham gia tra soát chuỗi cung ứng đã được bàn thảo.

Công nhân trong phân xưởng sản xuất của Tổng Công ty May 10. Ảnh: Khắc KiênCông nhân trong phân xưởng sản xuất của Tổng Công ty May 10. Ảnh: Khắc Kiên

Nội dung thảo luận về thách thức hiện hữu, các sáng kiến và tiềm năng hợp tác giữa các bên liên quan tại thị trường các quốc gia tiêu thụ (EU) và quốc gia sản xuất (Việt Nam) nhằm đạt được hiệu quả tối đa trong tra soát các vấn đề quyền con người trong chuỗi cung ứng (HRDD).

Xuất phát từ một quốc gia có số lượng lớn doanh nghiệp và lực lượng lao động sản xuất và gia công cho các nhãn hàng dệt may và da giày của châu Âu, các diễn giả phía Việt Nam bày tỏ sự quan tâm và những băn khoăn trước bối cảnh trách nhiệm tra soát ngày càng được yêu cầu chặt chẽ từ phía các quốc gia tiêu thụ.

Các chuyên gia đều đồng tình nếu được thực hiện hiệu quả và công bằng, việc đẩy mạnh tra soát sẽ giúp nâng tầm cho ngành dệt may và da giày của Việt Nam, giúp các doanh nghiệp trong nước nâng cao trình độ quản trị và cải thiện vị thế, quyền lợi của người lao động.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đặt ra nhiều vấn đề cơ bản cần được làm rõ. Với đặc điểm chuỗi cung ứng phức tạp và liên đới nhiều bên, liệu việc tra soát có thực hiện được một cách hiệu quả, giúp xử lý những vẫn đề gốc rễ của ngành hay không.

Trách nhiệm tra soát sẽ được chia sẻ công bằng giữa các bên trong chuỗi cung ứng hay rủi ro và trách nhiệm sẽ bị đẩy về phía các nhà sản xuất và gia công – vốn lâu nay là bên có tiếng nói yếu thế hơn các nhãn hàng, nguồn lực và năng lực còn nhiều hạn chế. Mối quan hệ giữa các bên sẽ đi theo chiều hướng hợp tác và chia sẻ để tất cả cùng có lợi hay sẽ theo hướng áp đặt thêm các thủ tục, hệ thống đánh giá, truy xuất mới từ các nhãn hàng đối với các doanh nghiệp cung ứng.

Trách nhiệm nâng cao năng lực

Đại diện cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, Phó Chủ tịch VITAS Lưu Tiến Chung đề xuất, để thực hiện HRDD hiệu quả, cần có cam kết rõ ràng của các bên, định rõ được trách nhiệm của từng bên và cách thức hợp tác, chia sẻ trách nhiệm.

Trong phân xưởng sản xuất của Nhà máy M2F Hải Phòng của Công ty CP M2 Việt Nam. Ảnh: Khắc KiênTrong phân xưởng sản xuất của Nhà máy M2F Hải Phòng của Công ty CP M2 Việt Nam. Ảnh: Khắc Kiên

Thực hiện tra soát chuỗi cung ứng áp dụng ở cấp độ doanh nghiệp cung ứng cần có lộ trình và nên bắt đầu với các doanh nghiệp tiên phong, những doanh nghiệp có mức độ cam kết, nhận thức cao hơn và có năng lực, nguồn lực để triển khai. 

 

Đồng thời, phía nhãn hàng, bên mua hàng cũng cần tạo động lực để các doanh nghiệp cung ứng duy trì và nhân rộng các nỗ lực cải thiện trong ngành. “Trong các khía cạnh mà các bên có thể hợp tác và hỗ trợ, chúng tôi cho rằng cần ưu tiên cho các vấn đề về người lao động. Vì người lao động là yếu tố quan trọng nhất, là động lực mạnh mẽ nhất cho sự phát triển của ngành” – ông Lưu Tiến Chung nói.

Với chức năng xây dựng chính sách và góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho doanh nghiệp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTB&XH) Nguyễn Văn Bình chia sẻ, trong bối cảnh có rất nhiều bộ tiêu chuẩn, quy định khác nhau liên quan đến thực hành và tra soát kinh doanh có trách nhiệm của ngành, của các nhãn hàng quốc tế và của các quốc gia thị trường, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải đáp ứng yêu cầu của nhiều bên.

Do đó, cơ quan Nhà nước cần phát huy vai trò điều hành thông qua việc rà soát các tiêu chuẩn và quy định pháp luật trong nước để đảm bảo tinh thần của các yêu cầu này được phản ánh trong luật pháp, chính sách của quốc gia. Khi doanh nghiệp thực hiện tốt luật pháp trong nước là có thể đáp ứng ở mức căn bản được các yêu cầu.

Bên cạnh đó, các nhãn hàng và các nhà cung ứng cũng phải chủ động và tăng cường các đối thoại để cùng hợp tác thực hiện, hướng đến đồng bộ hóa các yêu cầu từ các bên khác nhau. Các nhãn hàng cần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất để họ có thêm nguồn lực thực hiện việc cải thiện một cách thực chất, nâng cao năng suất và đảm bảo quyền của người lao động.

Tính đến tháng 2/2023, Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu các sản phẩm dệt may và da giày lớn nhất thế giới. Trong giai đoạn 2015 - 2022, tốc độ tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu của hai ngành dệt may, da giày không ngừng gia tăng, đạt mức trung bình là 64,3%. Trong đó, sản lượng xuất khẩu sang thị trường châu Âu luôn chiếm một tỉ trọng lớn.

Theo số liệu báo cáo chính thức của ngành, kim ngạch xuất khẩu của dệt may sang các nước EU trong năm 2022 là 4,5 tỉ USD, chiếm tỉ trọng 12% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Con số tương ứng của ngành da giày là 6,9 tỉ USD và 24,5%.

Số liệu của VITAS cho thấy tỷ trọng xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào EU sau khi bị sụt giảm mạnh vào cuối năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19 đã có dấu hiệu phục hồi, tăng khoảng 8% vào năm 2021 và 28,6% vào năm 2022. Hoạt động kinh doanh của các công ty đa quốc gia và các chuỗi cung ứng dệt may, da giày toàn cầu đã mang lại tăng trưởng cao về mặt kinh tế và việc làm. Tuy nhiên, các thực hành mua hàng thiếu trách nhiệm, các vi phạm về quyền con người và môi trường trong chuỗi cung ứng dệt may, da giày còn diễn ra tương đối phổ biến.

Nghiên cứu “Covid-19 và ngành dệt may và da giày: Tác động và Giải pháp” của VITAS và LEFASO đối với các doanh nghiệp Việt Nam cuối năm 2020 cho thấy, 84,5% doanh nghiệp giày dép, túi xách và 53,3% doanh nghiệp dệt may tham gia nghiên cứu bị khách hàng hoãn hủy đơn hàng.

Thực trạng này đã góp phần đẩy nhanh các nỗ lực mạnh mẽ tại châu Âu trong việc ban hành các quy định mang tính bắt buộc để thúc đẩy các thực hành kinh doanh có trách nhiệm.

Nguồn: Kinhtedothi.vn

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/