Nhân công rẻ không còn, doanh nghiệp dệt may Nhật Bản tại Việt Nam lo đi ngược xu thế
Giá nhân công tăng trong khi tỷ lệ nội địa hóa vẫn thấp buộc một số doanh nghiệp dệt may Nhật Bản tính tới câu chuyện thu hẹp sản xuất tại Việt Nam.
Khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm tài chính 2022, do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) vừa công bố đã cho thấy, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hàng đầu Đông Nam Á khi tính đến bài toán mở rộng sản xuất.
Khoảng 60% doanh nghiệp Nhật Bản cho biết họ có kế hoạch mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới, cao hơn tỷ lệ trung bình của ASEAN (46,9%) và cũng vượt xa các nước khác trong khu vực.
Tuy nhiên, nếu xét riêng từng nhóm ngành, có một ngành đang phần nào đi ngược xu thế chung này, đó chính là dệt may.
Theo khảo sát, 8,3% doanh nghiệp dệt may Nhật Bản dự định thu hẹp sản xuất tại Việt Nam, trong khi tại các nhóm ngành khác, đa phần các doanh nghiệp đều muốn mở rộng hoặc duy trì tình trạng sản xuất hiện tại.
|
8,3% doanh nghiệp dệt may Nhật Bản tính chuyện thu hẹp sản xuất tại Việt Nam trong 1-2 năm tới. Nguồn: Jetro. |
Ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Jetro Hà Nội, lý giải nguyên nhân là do ngành dệt may Việt Nam chủ yếu thực hiện khâu gia công, trong khi chi phí gia công hiện tại đã tăng cao.
Theo khảo sát của Jetro, tỷ lệ tăng lương của Việt Nam trong năm 2022 là 5,8% (tăng nhẹ so với khảo sát 2021 là 5,4%). Xét theo quốc gia/khu vực, tỷ lệ tăng lương của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất tại ASEAN. Điều này khiến khoảng chênh lệch lương giữa Việt Nam và một số quốc gia như Thái Lan, Malaysia không còn quá lớn.
Ông Nakajima Takeo cho rằng lúc này có thể chia thành 2 nhóm: nhóm 1 là các quốc gia có mức lương trung bình khá, ví dụ Thái Lan, Malaysia, Phillipines, Việt Nam,..Còn nhóm 2 là các quốc gia có mức lương thấp hơn như Lào, Myanmar, Campuchia.
|
Lương tháng cơ bản các nhóm ngành tại Việt Nam trong tương quan với khu vực và thế giới. Đơn vị: USD |
Đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, lợi thế chi phí nhân công rẻ không còn là yếu tố hấp dẫn hàng đầu của Việt Nam. Thay vào đó là quy mô thị trường hiện tại cũng như tính tăng trưởng của thị trường.
|
Lợi thế kinh doanh hàng đầu tại thị trường Việt Nam. Nguồn: Jetro. |
Ngoài ra, để giảm chi phí sản xuất, tỷ lệ nội địa hóa là một yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, với ngành dệt may Việt Nam, dù có cải thiện nhưng tỷ lệ nội địa hóa không cao.
Các doanh nghiệp dệt may Nhật Bản tham gia khảo sát cho biết tỷ lệ nguyên vật liệu mua tại chỗ chỉ chiếm 23%; trong khi nhập trực tiếp từ Nhật Bản là 46,2%; nhập từ Trung Quốc là 27%, còn lại là nguồn đến từ các quốc gia khác.
|
Tỷ lệ thu mua tại chỗ với một số nhóm ngành như dệt may, máy móc vận chuyển, máy móc y tế đều chưa tới 30%. Nguồn: Jetro. |
“Khi tỷ lệ nội địa hóa thấp, mức lương nhân công cao, doanh nghiệp dệt may Nhật Bản phải tính tới hiệu quả kinh doanh bằng cách đầu tư vào các nước có mức tiền lương thấp hơn, ví dụ như Bangladesh. Các doanh nghiệp thu hẹp sản xuất tại Việt Nam để chuyển sang nước khác là câu chuyện hiển nhiên”, đại diện Jetro khẳng định.
Tuy nhiên, nhìn trên bình diện rộng hơn, chi phí nhân công gia tăng không chỉ là vấn đề riêng của Việt Nam mà các quốc gia khác trong ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Malaysia,… đều đang phải đối mặt. Vấn đề tiền công và tăng lương nhân viên luôn nằm trong top 5 thách thức hàng đầu với môi trường kinh doanh của hầu khắp các quốc gia trong khu vực. Ngoài ra, đó còn là vấn đề về chi phí thu mua gia tăng và biến động tỷ giá.
“Trong khu vực ASEAN nói chung, tất cả các quốc gia gặp đều gặp vấn đề chi phí gia tăng. Như vậy, chi phí thấp không còn là lợi thế nữa”, ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Jetro Hà Nội, kết luận.
Nguồn: Baodautu.vn