Nnh dệt may đóng góp 44 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu của toàn nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022, hiện đang đứng trước nguy cơ khó giữ được vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu nếu doanh nghiệp trong ngành này không nhanh chân đầu tư chuyển đổi nhằm tạo ra quy trình sản xuất, cắt giảm mức tiêu hao điện năng, giảm phát thải ra môi trường, tiết kiệm nguồn nước…
Nguy cơ này đã gần hơn, bởi giờ đây không chỉ các nhà mua hàng châu Âu đặt ra yêu cầu về các nhãn hàng xanh, mà những doanh nghiệp mua hàng lớn tại Mỹ, Nhật Bản… đều có chung đòi hỏi này.
Nhiều thương hiệu may mặc lớn trên thế giới, đối tác đặt đơn hàng của dệt may Việt Nam đang chuyển sang ưu tiên các doanh nghiệp xanh. Những doanh nghiệp gây ô nhiễm trong quá trình sản xuất, không áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên… có nguy cơ bị giảm đáng kể lượng đơn hàng.
Ông Masahiro Morofuji, Chủ tịch Công ty Dệt may (Tập đoàn Itochu), cổ đông lớn của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, chuyển hướng đầu tư xanh, sản phẩm có tính bền vững, giảm thiểu ô nhiễm sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam có tương lai.
Trong bối cảnh các thị trường tiêu dùng lớn như châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ... đều gia tăng các tiêu chuẩn về hàng dệt may nhập khẩu, áp các tiêu chí về quá trình sản xuất xanh, bền vững, thì việc đầu tư theo hướng này sẽ giúp hàng dệt may Việt Nam có nhiều lợi thế, có giá bán cao và được nhà nhập khẩu lựa chọn.
Hàng năm, Vinatex xuất khẩu khoảng 4 tỷ USD hàng hóa dệt may, xơ sợi. Từ 2 năm nay, Tập đoàn đã thực hiện đầu tư chuyển đổi, đáp ứng nhu cầu của nhà mua hàng toàn cầu.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex cho biết:“Vinatex đã và đang làm việc với một số tỉnh, thành phố tại 3 miền Bắc, Trung, Nam, xin chủ trương đầu tư, quỹ đất xây dựng các khu công nghiệp có đầu tư ngành dệt nhuộm với tiêu chuẩn xanh nhằm khép kín chuỗi cung ứng.
“Trong tương lai gần, nếu doanh nghiệp dệt may không có chiến lược phát triển bền vững, sản xuất xanh, sẽ không thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các hãng và sẽ không có đơn hàng”, ông Hiếu khẳng định.
Được biết, Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1643/QĐ-TT ngày 29/12/2022 đã đề cập: dệt may, da giày phải đầu tư theo hướng đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững, quản lý lao động và bảo vệ môi trường theo chuẩn mực quốc tế.
Đến nay, đã có hơn 250 nhãn hàng may mặc thời trang trên thế giới đưa ra các tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử có trách nhiệm với môi trường, áp dụng cho các nhà cung cấp. Bên cạnh đó, hành vi của người tiêu dùng cũng đã khác, họ yêu cầu cao hơn về hàng dệt may bền vững.
Theo kết quả điều tra người tiêu dùng ở quy mô toàn cầu của Tập đoàn McKinsey, trong dài hạn, 65% người tiêu dùng chuyển từ thời trang nhanh sang thời trang cơ bản và lâu bền; 67% quan tâm nhiều về tính bền vững môi trường và xã hội của các nhãn hàng thời trang.
Sức ép này đã sát sườn với doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Với mục tiêu “xanh hóa”, hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đã tự đầu tư hoặc hợp tác với các quỹ đầu tư, nhà phát triển để lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên nóc nhà máy, sử dụng năng lượng sạch phục vụ sản xuất.
Vinatex cho biết, sẽ tập trung phấn đấu giảm 30% lượng nước thải sau nhuộm bằng công nghệ mới; sử dụng lại 30% nước thải sau xử lý cho các công đoạn giặt, rửa, vệ sinh. Đối với ngành sợi, sẽ sử dụng ít nhất 20% xơ polyester tái chế, 15% bông organic để giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đầu tư điện mặt trời tại các nhà máy, phấn đấu 10% lượng điện sử dụng có nguồn gốc từ năng lượng tái tạo.
Khu công nghiệp Bảo Minh (Nam Định), một khu công nghiệp chuyên biệt về dệt may tại phía Bắc cũng đang chuyển đổi để quá trình sản xuất vải tại đây giảm thiểu tối đa ô nhiễm, nước thải được xử lý được đưa vào sử dụng trở lại.
Khi các doanh nghiệp sản xuất ý thức đầu tư sản xuất xanh hơn, sẽ góp phần vào thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Nguồn:Baodautu.vn