Không còn tư tưởng “Tháng Giêng là tháng ăn chơi,” nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may đã bắt tay vào sản xuất-kinh doanh ngay sau kỳ Tết Nguyên đán Quý Mão, tạo một không khí hứng khởi, vui vẻ từ ngày làm việc đầu tiên.
Tăng tốc ngay tháng đầu năm
Tổng Công ty May 10, một trong những đơn vị chủ lực của Tập đoàn Dệt may Việt Nam với khoảng 12.000 cán bộ, công nhân viên trải dài trên 9 tỉnh, thành cả nước, song theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty May 10, ngay từ ngày 27/1 (tức mùng 6 Tết Nguyên đán) đơn vị đã khẩn trương bắt tay vào sản xuất-kinh doanh.
Ông Giang chia sẻ, trong năm 2022, May 10 đã để lại dấu ấn lớn về tầm nhìn chiến lược kinh doanh và nét đẹp văn hóa. Đây là năm doanh nghiệp vượt mọi chỉ tiêu đặt ra, đa dạng hóa các dòng sản phẩm của May 10, thể hiện lối đi riêng sáng tạo, trong bối cảnh doanh nghiệp trong ngành còn gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, trong xu thế toàn cầu hóa, May 10 luôn thể hiện sự khác biệt, chủ động tiếp cận những nền tảng về công nghệ, tự động hóa và quản trị số, tạo ra nền tảng cho sự phát triển bền vững. Điều quan trọng nhất, đội ngũ người lao động của May 10 chính là tài sản, là vốn quý của doanh nghiệp, với tinh thần đoàn kết, luôn coi “May 10 là ngôi nhà thứ 2” để tận tâm cống hiến.
“Trong năm 2023, May 10 xác định mục tiêu tiếp tục tăng trưởng doanh thu cao hơn. Xây dựng và đào tạo nguồn lực con người đáp ứng được xu thế phát triển của ngành dệt may toàn cầu; tiếp tục đa dạng hóa các dòng sản phẩm và xây dựng liên kết chuỗi chặt chẽ để phát triển bền vững…,” ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh.
[Vinatex: Thị phần dệt may của Việt Nam giữ vị trí thứ 3 thế giới]
Cũng trong dịp này, các doanh nghiệp dệt may miền Nam, miền Trung đã bắt tay vào sản xuất ngay từ đầu năm với khí thế đầy hứng khởi, khẩn trương. Theo đại diện Nhà máy Sợi Vinatex Phú Cường, ngay từ sáng sớm 27/1, toàn thể cán bộ, nhân viên của Nhà máy đã có mặt đầy đủ, bắt nhịp ngay vào công việc để kịp tiến độ cho những đơn đặt hàng trong năm 2023.
Bà Lê Hoàng Anh, Giám đốc Nhà máy Sợi Vinatex Phú Cường cho biết sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Nhà máy đã bắt tay ngay vào sản xuất. Đáng chú ý, ngay từ đầu năm, số lao động quay trở lại làm việc sau Tết của Nhà máy đã đạt trên 95%, người lao động đã bắt tay vào công việc một cách hứng khởi. Đặc biệt, ngay trong ngày làm việc đầu năm đã có khách hàng liên hệ tới nhà máy để đặt hàng, điều này cho thấy tín hiệu tốt từ nhu cầu trở lại của thị trường.
Giám đốc Nhà máy Sợi Vinatex Phú Cường thông tin thêm, đến nay Phú Cường đã có đơn hàng ký đến hết quý 1/2023. Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm Quý Mão, Phú Cường phát động phong trào thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn lao động, tiết kiệm chi phí… thông qua các đề tài sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất.
“Năm 2023, Phú Cường phấn đấu đạt trên 5 tỷ đồng lợi nhuận, tiếp tục đảm bảo và nâng cao đời sống, việc làm cho người lao động,” đại diện Sợi Vinatex Phú Cường cho hay.
Còn tại Công ty cổ phần May và Dịch vụ Hưng Long, ông Phí Quang Đức, Tổng Giám đốc doanh nghiệp này cho biết năm 2022, mặc dù trải qua nhiều khó khăn nhưng Hưng Long vẫn có sự tăng trưởng ở mức 6,3% về doanh thu, lợi nhuận trước thuế đạt 105 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 12,59 triệu đồng/người/tháng.
“Trong không khí phấn khởi của đầu xuân năm mới, tập thể cán bộ nhân viên, người lao động May Hưng Long đã ra quân thi đua với quyết tâm hoàn thành các mục tiêu về hoạt động sản xuất-kinh doanh, đóng góp chung vào sự phát triển của Tập đoàn Dệt May Việt Nam,” ông Phí Quang Đức nhấn mạnh.
Đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất
Tại Việt Nam, ngành dệt may không những đóng góp cho phát triển kinh tế thông qua xuất khẩu hàng hóa mà còn đảm bảo an sinh xã hội. Xuất khẩu dệt may cả nước năm 2001 chỉ đạt 1,96 tỷ đồng, sau 20 năm (năm 2021) đã vượt lên 40,4 tỷ USD chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Đáng chú ý, năm 2022 dù chịu áp lực lớn về thị trường do tác động của đại dịch COVID-19, song xuất khẩu dệt may đã thu về 44 tỷ USD và tiếp tục giữ vị trí thứ 3 thế giới.
Nhìn lại những thành công trong năm vừa qua, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết mặc dù trải qua năm 2022 với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có trong tiền lệ nhưng Vinatex vẫn hoàn thành tất cả các nhiệm vụ đã đề ra.
Trong sự thành công ấy có sự đóng góp không nhỏ của các đơn vị thành viên với những nỗ lực vượt khó để tìm kiếm và phát triển thị trường, khách hàng. Cùng với đó là những định hướng, dự báo kịp thời của các cơ quan tham mưu tại Văn phòng Tập đoàn và công tác chăm lo cho người lao động của Công đoàn Dệt may Việt Nam và hệ thống các công đoàn cơ sở.
Cũng theo ông Lê Tiến Trường, năm 2022, Vinatex đã có sự thay đổi rất lớn trong chính sách, tập trung vào chăm lo hơn nữa cho người lao động, trong đó thu nhập bình quân của người lao động toàn tập đoàn đạt 9,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 17% so với 2021.
Hơn nữa, với việc điều chỉnh về thu nhập cho người lao động toàn hệ thống, biến động lao động của toàn Tập đoàn năm 2022 tương đối thấp, duy trì ổn định cho hơn 64.000 lao động cấp 1 và 150.000 lao động cấp 2.
“Đây là một trong những bước quan trọng nhằm thực hiện hóa chính sách phát triển ESG (kinh tế-xã hội-môi trường) và là tiền đề quan trọng nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của EU, trước mắt là áp dụng đối với các doanh nghiệp của EU từ 1/1/2024 và chắc chắn sẽ lan sang các nước xuất khẩu sang thị trường này. Đồng thời, cùng với ESG, Vinatex cũng sẽ tập trung vào năng lượng tái tạo, điều kiện làm việc của người lao động và quản trị, công bố thông tin minh bạch,” ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.
Chủ tịch Vitas chúc mừng các đơn vị trong ngày đầu ra quân sau Tết Nguyên đán. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyết "Chiến lược phát triển ngành dệt may-da giày giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2035." Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), đây sẽ là cơ sở quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của ngành. Từ đó, từng doanh nghiệp sẽ xây dựng giải pháp theo thực tế, để bắt kịp xu thế của các thị trường lớn như là châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.
Ngoài ra, Vitas đã kiến nghị với Chính phủ, cũng như nêu rõ trong chiến lược phát triển dệt may Việt Nam vấn đề tài chính để thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó có đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường cho các khu công nghiệp đạt chuẩn, đây là điều kiện đầu tiên nếu chúng ta kêu gọi đầu tư nước ngoài cho các dự án sản xuất nguyên phụ liệu dệt may./.
Tại “Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035” đề ra mục tiêu: Đến năm 2035, ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển được một số thương hiệu mang tầm khu vực và thế giới. Phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giầy cả nước năm 2025 đạt 77-80 tỷ USD và năm 2030 đạt 106-108 tỷ USD.
Cùng với đó, phấn đấu giai đoạn 2031-2035 Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may, da giầy đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững; thời trang Việt Nam được ghi danh trên bản đồ thời trang thế giới với các sự kiện về thời trang thu hút được sự quan tâm và tham gia của các hãng thời trang nổi tiếng thế giới.
|
Đức Duy (Vietnam+)