Việt Nam hiện đã ký kết 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó 15 hiệp định đã có hiệu lực và đây là cơ hội lớn cho những doanh nghiệp đầu tư vào phần cung thiếu hụt của ngành dệt may Việt Nam.
Tuy nhiên, theo VITAS, từ những cơ hội và thách thức đan xen trên thị trường toàn cầu, cộng đồng doanh nghiệp trong khối AFTEX phải tiếp tục xây dựng kênh thông tin kết nối chặt chẽ hơn. Đồng thời, giới thiệu về thế mạnh của các nước, cùng với những giải pháp chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau để kết hợp, tận dụng cơ hội, thế mạnh của mỗi nước.
Trong thời gian tới, các nước thành viên cần phối hợp xây dựng chương trình liên kết chuỗi trong nội khối AFTEX về sợi, dệt, nhuộm, may; kết nối hoạt động chia sẻ kinh nghiệm giữa doanh nghiệp các nước thành viên. Qua đó, mở rộng thị trường nội khối AFTEX về sản phẩm dệt may; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chương trình phát triển bền vững, chương trình xanh hóa ngành dệt may khối AFTEX...
Theo Phó Tổng thư ký Hiệp hội dệt may, da giày và đồ dùng du lịch Campuchia (TAFTAC), ngành công nghiệp may mặc, giày dép và hàng du lịch là xương sống của nền kinh tế Campuchia trong hơn hai thập kỷ qua. Ngành này, sử dụng hơn 800.000 công nhân chiếm 10% tổng số lao động có việc làm chính thức và không chính thức của nền kinh tế.
Chính phủ Campuchia có định hướng phát triển ngành công nghiệp may mặc, giày dép và hàng du lịch trở thành ngành bền vững với môi trường, có khả năng phục hồi và có giá trị gia tăng cao. Chính phủ Campuchia cũng tập trung vào các sản phẩm cao cấp và độc đáo, có tính cạnh tranh cao và hỗ trợ đa dạng hóa kinh tế trước cuối năm 2027 – chiến lược ngành.
Bên cạnh giá cả cạnh tranh, chất lượng và giao hàng, vấn đề “tính bền vững” cũng được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của TAFTAC. Bởi TAFTAC cần đảm bảo cho thành viên các nước có những nguồn lực cần thiết để hiểu và tuân thủ Luật Thẩm định mới của EU, bên cạnh các luật và tiêu chuẩn hiện hành của địa phương và quốc tế.
Đối với nỗ lực chung thúc đẩy hội nhập ASEAN nhanh hơn và sâu hơn, nhất là trong lĩnh vực giao nhận và cung ứng nguyên phụ liệu, TAFTAC tham gia đa dạng hoạt động chung nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư nội khối ASEAN.
Song song đó, TAFTAC tăng cường quan hệ đối tác giữa cộng đồng nhà đầu tư để tạo ra một mạng lưới sản xuất theo chiều dọc; cũng như hợp tác giữa AFTEX và Ban thư ký ASEAN, Campuchia và Việt Nam nói riêng có thể hợp tác trong lĩnh vực tái chế dệt may…
Theo Giám đốc điều hành Liên đoàn may mặc xuất khẩu Phillipin (CONWEP), ngành dệt may và ngành thời trang ở nước này được xem là những ngành riêng biệt, dù hai ngành có mối liên hệ sâu sắc. Đồng thời, việc thiếu đi mối liên kết phía trước và sau trong chuỗi đã cản trở sự phát triển của cả hai ngành này. Hơn thế nữa, trên thị trường dệt may thì tận dụng xu thế toàn cầu đang chuyển dịch nhu cầu từ “thời trang nhanh” sang “thời trang bền vững hoặc chuyên dụng. Mặt khác, đối với hội nhập, kết hợp dệt may và may mặc đang trở thành cầu nối tương hỗ tăng trưởng và phát triển bền vững.