Chủ tịch Vinatex: 'Làm dệt may 25 năm, chưa bao giờ thấy trong 1 tháng mà mọi tín hiệu thị trường khác biệt đến thế'
Nếu như đầu năm 2022, doanh nghiệp hừng hực khí thế thì cuối năm, thị trường đầu ra "đổi chiều nhanh chóng". Nhiều đơn vị dệt may giảm đơn hàng đến 70 - 80%.
Trao đổi về hoạt động sản xuất kinh doanh và phong trào công nhân lao động năm 2022 và định hướng năm 2023, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho biết Vinatex ghi nhận doanh thu và lợi nhuận hợp nhất năm 2022 lần lượt đạt 19.535 tỷ và 1.090 tỷ đồng, cùng tăng khoảng 15% so với năm 2021.
|
Triển vọng cho đầu năm 2023 là thấp, rủi ro vẫn là nguy cơ.
|
Lãnh đạo Vinatex nói, đây là kết quả tích cực trong bối cảnh thị trường khó khăn về đơn hàng, lao động và có dấu hiệu xấu đi từ tháng 9. Nếu như đầu năm hừng hực khí thế thì cuối năm "đổi chiều nhanh chóng". Nhiều đơn vị giảm đơn hàng đến 70 - 80%.
"Là người làm dệt may tròn 25 năm chưa bao giờ thấy chỉ trong 1 tháng mà mọi tín hiệu khác biệt đến thế", ông Trường chia sẻ sau thời gian đại dịch, người tiêu dùng mua nhiều hơn, khiến cho lượng đơn hàng của quý I/2022 tăng vọt. Tuy vậy, đến cuối tháng 6, tồn kho hàng hóa tăng lên tới 50 - 60%, cùng với các vấn đề ở các thị trường xuất khẩu như lãi suất tăng, lạm phát lên đỉnh, thất nghiệp...
"Nhiều nhà mua lớn trước đây đặt hàng chục nghìn sản phẩm, giờ còn khoảng 1.000, thậm chí chỉ vài trăm sản phẩm cho mỗi đơn hàng", ông Trường nêu ví dụ.
"Xu thế 6 tháng cuối năm xấu, chưa thấy con đường đi lên rõ ràng và triển vọng cho đầu năm 2023 là thấp, rủi ro vẫn là nguy cơ. Chưa kể đồng nội tệ Việt Nam trong tương quan với các nước xuất khẩu dệt may Việt Nam là cao hơn, nên hàng dệt may đắt hơn", ông Trường nói.
Theo ông Trường, trong bối cảnh cầu tiêu dùng thấp, các doanh nghiệp phải tranh nhau để có đơn hàng, nhưng giá bán của Việt Nam lại cao hơn nên doanh nghiệp phải chấp nhận kinh doanh không hiệu quả, mức lợi nhuận bình quân chỉ 5% vẫn phải giảm giá, không có lợi nhuận để duy trì đơn hàng.
Về giải pháp, Chủ tịch Vinatex cho hay sẽ tập trung giữ lao động lành nghề, giữ vị trí trong chuỗi, quyết định hy sinh lợi ích tài chính ngắn hạn trong điều kiện thị trường khó khăn để giữ ổn định cao hơn về lao động.
Về tổng thể của ngành, dù khó khăn, nhưng xuất khẩu dệt may Việt Nam năm nay vẫn tăng trưởng hai con số, tăng 10% so với năm ngoái, đạt khoảng 44 tỷ USD. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), Mỹ vẫn là nước nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất, với hơn 18 tỷ USD. Kế đến là Hàn Quốc 4,2 tỷ USD, Nhật Bản và Trung Quốc gần 4 tỷ USD...
Với mức tăng trưởng hai con số năm nay, dệt may Việt Nam đứng thứ 2 sau Bangladesh, nhưng xét về quy mô kim ngạch xuất khẩu thì đứng thứ 3, sau Trung Quốc và Bangladesh. Năm nay, Ấn Độ "tụt hạng" trên thị trường xuất khẩu dệt may thế giới do suy giảm từ tháng 7 và chưa có dấu hiệu hồi phục.
Thy Lê
Nguồn: Vnbuisness.vn