Ngành dệt may còn lúng túng tận dụng ưu đãi CPTPP

Đứng thứ 2 thế giới về kim ngạch xuất khẩu, nhưng dệt may Việt Nam lại đang lúng túng trong việc tận dụng các ưu đãi để gia tăng xuất khẩu vào các nước trong khối CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương).

Theo bà Đỗ Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tỷ lệ tận dụng C/O (chứng nhận xuất xứ hàng hóa) ưu đãi vào CPTPP chỉ đạt 6,7%. Tỉ lệ này thoạt nhìn có vẻ thấp nhưng tính trên tổng số kim ngạch ra toàn bộ khối 11 nước thành viên CPTPP và hiện mới có 6 nước thành viên thực thi CPTPP thì cũng không phải thấp. Tận dụng CPTPP rõ nhất là kỳ vọng vào kim ngạch xuất khẩu (XK) vào 3 nước chưa ký hiệp định song phương với Việt Nam gồm Canada, Mexico và Peru.

Khả năng đáp ứng tiêu chí xuất xứ CPTPP là như nhau nhưng tỷ lệ sử dụng C/O CPTPP sang Mexico và Canada khác nhau khá lớn (40% và 10%). Lý giải về điều này, bà Hương cho biết là do liên quan đến thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN). Hiện Canada là thị trường tự do hóa thương mại cao, bản thân khi chưa có FTA thì trên 50% kim ngạch XK của Việt Nam sang thị trường Canada đã được hưởng thuế 0%.

Cho nên khi có CPTPP DN Việt cũng không có nhu cầu để sử dụng C/O để mà được hưởng thuế ưu đãi hơn nữa vì không có thuế ưu đãi hơn hơn 0%. Còn Mexico cũng giống Việt Nam, áp dụng thuế MFN khá cao nên khi có CPTPP thì các DN Việt sẽ chọn CO ưu đãi để XK.

Lấy ví dụ ngành dệt may – mặt hàng XK thế mạnh của Việt Nam, đứng thứ 2 kim ngạch XK trên thế giới nhưng lại có tỷ lệ tận dụng xuất xứ sang CPTPP rất thấp và không tăng trong 3 năm thực thi hiệp định.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT May Hưng Yên cho biết, tỉ lệ xin xuất xứ ưu đãi thuế quan vào CPTPP rất thấp ngoài lý do một số thị trường đã có FTA song phương thì một số nước như Mexico là cường quốc dệt may. Bên cạnh đó, dệt may yêu cầu xuất xứ từ sợi trong khi hiện tại ngành dệt Việt Nam chưa thể cung cấp được nguyên phụ liệu theo xuất xứ để hưởng được ưu đãi này vì hầu hết đều lấy nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.

 

Để tận dụng ưu đãi của CPTPP cho dệt may, ông Dương đề xuất, Nhà nước cần có chính sách để “kéo” các đối tác lớn làm về vải vào Việt Nam. Dẫn câu chuyện khá nhiều DN nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam nhưng lại không đến do chi phí xử lý nước thải của Việt Nam cao hơn chi phí mua nước sạch, ông Dương cho rằng, cần có một khu công nghiệp dệt may, ở đấy Nhà nước chấp nhận bù lỗ cho việc xử lý nước xả thải, để kéo các DN nước ngoài vào sản xuất.

“Phải xác định tiếp tục bỏ vốn kéo DN có năng lực làm vải nước ngoài vào để chúng ta có thể tự chủ được 70% nguyên vật liệu, qua đó tận dụng tốt ưu đãi trong các FTA. Ban đầu chúng ta sẽ chấp nhận lỗ nhưng về lâu dài sẽ có lợi thế nhiều hơn” - ông Dương khẳng định.

Hiện Tập đoàn Dệt may Việt Nam đang từng bước tìm kiếm các đối tác thuộc các lĩnh vực mà DN Việt vẫn thiếu hụt; Tận dụng mọi khả năng để có thể hợp tác kể cả sẵn sàng hợp tác với các đối tác ở các thị trường trong khối CPTPP, sẵn sàng xin làm cổ đông, mua nguyên liệu của các đối tác trong khối để nâng cao tỷ lệ xuất xứ. Ngoài ra, theo ông Dương, cần cố gắng tận dụng công nghệ của họ, ngay cả công nghệ xử lý nước thải để nâng cao sự cạnh tranh.

Ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhận định, tỉ lệ tận dụng CO ưu đãi trên dưới 20 - 24% rõ ràng là thấp. Việt Nam chưa nên hài lòng và cần hướng đến các tỉ lệ cao hơn; Trong khi dệt may đang gặp nhiều khó khăn khi tận dụng thị trường này thì cần tăng kim ngạch XK ở các mặt hàng tận dụng tốt như gạo, rau quả, thủy sản; các mặt hàng có lợi thế đáp ứng tốt quy tắc xuất xứ; Ví dụ như DN Việt có thể tận dụng thị trường Canada trong các mặt hàng chế biến từ gạo. Bình thường Canada đánh thuế các mặt hàng này có thể lên đến mấy trăm phần trăm, trong khi Việt Nam có ưu đãi CPTPP nên có lộ trình giảm thuế rất cao.

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/