Cần trợ lực để công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may phát triển

- Chủ Nhật, 27/11/2022, 07:09 Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, 10 tháng năm 2022, ngành dệt may Việt Nam đạt 37,9 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 17,2% so với cùng kỳ; xuất khẩu sang 66 quốc gia, vùng lãnh thổ với từ 47 - 50 các mặt hàng khác nhau.

Tự chủ nguồn cung, giảm phụ thuộc thị trường quốc tế

Về thị trường xuất khẩu, Mỹ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 42%, tiếp đến là Trung Quốc 11%, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng chiếm 9%, thị trường khu vực ASEAN chiếm 6%, Nga 1% và còn lại là các thị trường khác. Quần áo may mặc các loại vẫn là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành, tới 29,1 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu trọng tâm Mỹ với 13,9 tỷ USD; các nước trong khối Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương 4,733 tỷ USD; các nước EU 3,63 tỷ USD; Hàn Quốc 2,525 tỷ USD; Trung Quốc 925 triệu USD.

Ngoài quần áo, ngành dệt may Việt Nam cũng xuất khẩu vải với 2,13 tỷ USD, xơ sợi 4,083 tỷ USD, phụ liệu may 1,165 tỷ USD, vải địa 747 triệu USD.

Giai đoạn 6 tháng cuối năm, tình hình xuất nhập khẩu ngành dệt may chững lại do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ lạm phát, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc khi Việt Nam đang nhập khẩu trên 40% nguyên phụ liệu từ thị trường này cùng những yêu cầu khắt khe từ phía các quốc gia nhập khẩu về cam kết phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu... Giai đoạn 2023 - 2025, dự báo kinh tế thế giới vẫn còn có nhiều bất ổn, ngành dệt may cần có hướng đi mới, giảm phụ thuộc vào thị trường quốc tế, tự chủ nguồn cung nguyên phụ liệu, chuyển dần trọng tâm sang khai thác thị trường nội địa.

Sản xuất các sản phẩm may mặc xuất khẩu Sản xuất các sản phẩm may mặc xuất khẩu

Vẫn còn nhiều rào cản

Theo ông Vũ Tuấn Anh - Chủ tịch JCI Việt Nam 2022, việc phát triển công nghệ hỗ trợ ngành dệt may vẫn còn đang gặp khó khăn. Nguyên nhân bởi rất khó triển khai các dự án dệt, nhuộm, do các địa phương e ngại vấn đề ô nhiễm môi trường. Chưa kể đây là ngành đòi hỏi nguồn lực lớn, bao gồm vấn đề công nghệ, đất đai, nhân lực kỹ thuật cao… mà nhiều địa phương chưa có đủ nguồn lực.

Theo Bộ Công thương, mặc dù là ngành xuất khẩu (XK) có trị giá lớn, hàng năm mang về kim ngạch trên 40 tỷ USD, nhưng ngành dệt may đang chịu sức ép rất lớn từ các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là các quốc gia có nguồn nhân công và nguyên phụ liệu giá rẻ như Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ… Trong đó, đặc biệt là các nước thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Đại diện một công ty dệt may trên địa bàn tỉnh Nghệ An cho biết, doanh nghiệp đang phải nhập khẩu khoảng 70% nguyên phụ liệu, trong đó, phần lớn là nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc. Ngành dệt may cả nước nói chung và ngành dệt may Nghệ an nói riêng đều vướng phải tình trạng xuất sợi và nhập lại vải. Nguyên nhân của vấn đề này là bởi khâu dệt, nhuộm của chúng ta còn yếu, buộc phải nhập lượng lớn nguyên liệu vải để sản xuất. Ngành dệt may vẫn đang phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, giá trị gia tăng thấp, chưa chủ động trong sản xuất. Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may cần được ưu tiên, sớm thu hút được các tập đoàn đa quốc gia đầu tư công nghệ, vốn thúc đẩy hình thành hệ thống doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho ngành này.

Việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa mới bảo đảm cho doanh nghiệp làm chủ sản xuất, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện nay, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới CPTPP, EVFTA đặt ra yêu cầu về quy tắc xuất xứ, sợi và vải phải sản xuất tại Việt Nam, sử dụng tại Việt Nam hoặc ở các nước trong khối FTA thì mới được chứng nhận quy tắc xuất xứ và được hưởng thuế ưu đãi. Điều này đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp dệt may phải tập trung phát triển theo chuỗi; Kết nối với các doanh nghiệp may mặc trong nước, hình thành chuỗi liên kết trên toàn chuỗi giá trị…

 
Việt Anh
Nguồn: Daibieunhandan.vn

 

 
 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/