Ngành dệt may cần có chiến lược xây dựng các thương hiệu mạnh
Việt Nam đã vươn lên vị trí top 3 quốc gia xuất khẩu dệt may thế giới với chất lượng sản phẩm thời trang được các nhà nhập khẩu đánh giá có nhiều tiến bộ về kỹ thuật đường nét, giá cả phù hợp, đáp ứng yêu cầu của phân khúc người tiêu dùng ở các thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, chúng ta cần có chiến lược xây dựng các thương hiệu mạnh để nâng tầm thương hiệu Việt.
Theo thông tin công bố từ Bộ Công thương vào đầu tháng 7/2022, Việt Nam đã vươn lên vị trí top 3 quốc gia xuất khẩu dệt may thế giới. Cụ thể, thị phần xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam trên thế giới chiếm 6,4% thị phần toàn cầu, đứng sau Trung Quốc chiếm 31,6% và Châu Âu chiếm 27,9%.
Ngành dệt may đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng của nền kinh tế. Nếu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 40,4 tỷ USD, chiếm 12% kim ngạch xuất khẩu cả nước thì chỉ nửa đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt khoảng 23 tỷ USD, tăng 21,6 % so với cùng kỳ năm 2021. Về mặt chất lượng sản phẩm, thời trang của dệt may Việt Nam được các nhà nhập khẩu đánh giá có nhiều tiến bộ về kỹ thuật đường nét, giá cả phù hợp, đáp ứng yêu cầu của phân khúc người tiêu dùng ở các thị trường xuất khẩu.
Thời trang của dệt may Việt Nam được các nhà nhập khẩu đánh giá có nhiều tiến bộ về kỹ thuật. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, có một thực tế là dù xếp ở vị trí quốc gia xuất khẩu dệt may tương đối cao nhưng trên bản đồ thế giới hiện nay hầu như vắng bóng thương hiệu dệt may Việt Nam. Nguyên nhân được cho là phần lớn doanh nghiệp nước ta chủ yếu làm theo phương thức gia công. Do may gia công nên toàn bộ sản phẩm làm ra đều gắn mác, nhãn hiệu của nước ngoài khiến người tiêu dùng thế giới khi được hỏi đều không biết đến thương hiệu dệt may Việt Nam.
Tại thị trường trong nước, cuộc chiến giành thị phần của các thương hiệu nội địa và thương hiệu quốc tế cũng diễn ra hết sức khốc liệt. Ông Nguyễn Trọng Phi, Chủ tịch Givanni Group - lãnh đạo một doanh nghiệp mang thương hiệu Việt Nam chia sẻ: “Thương hiệu quốc tế luôn có lợi thế về hình ảnh và truyền thông. Họ đã có hàng chục năm và lâu hơn thế kinh nghiệm xây dựng thương hiệu, truyền thông quảng cáo trên quy mô toàn cầu. Các thương hiệu này đầu tư rất nhiều cho nghệ thuật và sáng tạo nên họ luôn duy trì được hình ảnh thương hiệu, cửa hàng rất long lanh và đẹp mắt.
Trong khi đó, các thương hiệu Việt Nam mới chỉ phát triển trong những năm trở lại đây. Dù đầu tư mạnh bạo đến thế nào, chúng ta vẫn là những người đi sau các thương hiệu quốc tế. Việt Nam cũng chưa có đủ đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản về lĩnh vực thời trang, chúng ta phải dùng nhân sự của những ngành khác cho nhu cầu của một công ty thời trang.
Chính vì thế, khi đứng cạnh những thương hiệu thời trang quốc tế được đầu tư bài bản và hùng hậu về kiến thức, kinh nghiệm, thương hiệu Việt Nam không khỏi lúng túng để tìm cho mình một lối đi vừa giữ được tinh thần của riêng mình, vừa đuổi kịp những thương hiệu quốc tế”.
Một vấn đề nữa để phát triển ngành dệt may nói chung và thương hiệu dệt may Việt Nam nói riêng là chúng ta phải chủ động được nguồn nguyên phụ liệu, đẩy mạnh khâu thiết kế chắc chắn sẽ tạo ra giá trị thặng dư cao. Vì vậy, đã đến lúcdoanh nghiệp cần có chiến lược xây dựng những thương hiệu mạnh cũng như phát triển các giá trị thương hiệu để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Ðồng thời, định hướng chiến lược để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, phát huy giá trị của thương hiệu nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Thanh Tùng
Nguồn: Vietq.vn