Yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường xuất khẩu giúp dệt may nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh minh họa.
Thời gian qua, với sự phát triển vượt trội của xã hội, ngành dệt may vẫn giữ được vai trò chủ đạo và được đầu tư để tiếp tục phát triển. Với những đóng góp mang tính bền vững, vai trò của ngành dệt may luôn được đề cao, đặc biệt là hiệu quả đối với nền kinh tế.
Theo thống kê, 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu ngành dệt may ước đạt 35,3 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2021, đạt gần 80% kế hoạch xuất khẩu cả năm. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhận định, dù tình hình đơn hàng sụt giảm nhưng với sự năng động của doanh nghiệp, khả năng cao kim ngạch xuất khẩu của ngành vẫn sẽ đạt được mục tiêu đề ra là 44 tỷ USD vào cuối năm 2022.
Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay ở thị trường xuất khẩu, các quốc gia yêu cầu ngày càng cao với hàng loạt tiêu chí từ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ, sản xuất và tiêu dùng theo chuỗi giá trị... Đây được đánh giá là thách thức nhưng cũng là cơ hội giúp ngành dệt may Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Trọng Phi, Chủ tịch Giovanni Group cho rằng những đòi hỏi ngày càng cao của thị trường tiêu thụ sẽ tạo động lực phát triển cho ngành dệt may Việt Nam. Nếu trước đây, Việt Nam là nơi đặt cơ sở sản xuất của các công xưởng gia công vốn chuyên làm những sản phẩm bình dân để tận dụng triệt để lợi thế chi phí nhân công giá rẻ cũng như tiêu chuẩn về kỹ thuật, môi trường chưa rõ ràng và chi tiết thì ngày nay, khi các thị trường tiêu thụ tại Nhật Bản, Tây Âu, Bắc Mỹ ngày càng khắt khe về sản phẩm họ tiêu dùng, đòi hỏi chính những quốc gia xuất khẩu cũng phải tự cải tiến để tồn tại trong bối cảnh thế giới mới.
Trung Quốc trong quá khứ đã thành công với định vị sản xuất nhiều, nhanh, rẻ nhưng họ nhanh chóng thoát khỏi vị thế một nước chỉ biết làm đồ rẻ, nhiều nhưng kém chất lượng. Việt Nam không nên tiếp tục là nơi các doanh nghiệp sản xuất quốc tế tìm đến chỉ vì chúng ta có giá nhân công rẻ và tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường ở mức còn thấp hơn Trung Quốc.
Doanh nghiệp Việt Nam cần cởi mở, cầu thị trước những đòi hỏi khắt khe của các thị trường Nhật Bản và Tây phương. Chúng ta cần mời các chuyên gia quốc tế tới tư vấn cũng như cử cán bộ sang tận nơi để tìm hiểu về đòi hỏi của khách hàng, đồng thời nghiên cứu những giải pháp khoa học kỹ thuật để đáp ứng được các yêu cầu đó một cách nhanh chóng và bền vững.
Việc đầu tư này đòi hỏi rất nhiều, cả tiền bạc lẫn con người. Đây là chiến lược phát triển của cả ngành, mang tầm quốc gia, nên các cơ quan quản lý cần có sự hỗ trợ, song hành cùng doanh nghiệp. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư công nghệ, cơ sở sản xuất hiện đại, xanh, an toàn môi trường cho doanh nghiệp. Ngoài việc sớm quy hoạch những vùng sản xuất, nhà nước cũng cần tạo ra chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư cho công nghệ dệt may hiện đại để nâng tầm ngành dệt may Việt Nam.
Thanh Tùng
Nguồn: Vietq.vn