Xuất khẩu ngày 14-16/10: Australia chuộng đồ gỗ Việt; xuất khẩu dệt may 'giảm tốc'

Australia chuộng đồ gỗ Việt; xuất khẩu dệt may "giảm tốc"; gần 19 tỷ USD hàng Việt sang EU được cấp C/O mẫu EUR1... là những vấn đề nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 14-16/10.

Australia chuộng đồ gỗ Việt

Theo tính toán từ số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), Australia nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ trong tháng 7/2022 đạt 138,7 triệu USD, tăng 2,1% so với tháng 7/2021. Trong 7 tháng đầu năm 2022, Australia nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ đạt 1,02 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, Australia nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc, nhưng trị giá nhập khẩu từ thị trường này giảm so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, Australia tăng nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ thị trường cung cấp lớn thứ 2 là Việt Nam, đạt 125,5 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021.

Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 12,5%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021, vẫn còn thấp so với nhu cầu nhập khẩu của thị trường. Ngoài ra, Australia còn tăng mạnh nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ các thị trường khác như Malaysia, Indonesia, Ba Lan, Thái Lan và Đan Mạch.

Mặt hàng nhập khẩu, trong cơ cấu mặt hàng nhập khẩu, Australia nhập khẩu ghế khung gỗ và đồ nội thất phòng khách và phòng ăn với trị giá chiếm tỷ trong cao nhất trong 7 tháng đầu năm 2022. Đây cũng là các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, tuy nhiên trị giá nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn thấp, do đó còn nhiều tiềm năng để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác ngành hàng này trong thời gian tới.

Năm nay, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ USD. Theo thông lệ, những tháng cuối năm xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thường cao hơn so với đầu năm do nhu cầu hoàn thiện, sửa sang, trang trí lại nội thất tăng cao vào cuối năm tại nhiều thị trường xuất khẩu chính.

Tuy nhiên, lạm phát vẫn đang gia tăng tại các thị trường xuất khẩu chính của nhóm hàng là Hoa Kỳ và các nước EU khiến cho người dân ở các quốc gia này có xu hướng duy trì việc thắt chặt chi tiêu. Khi đó, nhu cầu đối với các mặt hàng không thiết yếu như sản phẩm gỗ sẽ khó tăng mạnh như trước kia, đồng nghĩa việc ký kết và thực hiện đơn hàng của các doanh nghiệp cũng bị tác động trực tiếp.

Xuất khẩu dệt may "giảm tốc"

Trong 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 31,3 tỷ USD tăng 16,4% so với cùng kỳ. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc khá tích cực, đạt 24,3 tỷ USD (+24,6% YoY); kim ngạch xuất khẩu sợi kém khả quan hơn, đạt 3,5 tỷ USD (-5,3 YoY).

Mỹ tiếp tục là thị trường dệt may lớn nhất của Việt Nam trong 8T2022 với giá trị xuất khẩu là 12,9 tỷ USD, tiếp theo đó là Nhật Bản và Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu lần lượt là 2,5 tỷ USD và 2,1 tỷ USD.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của may mặc chỉ đạt 1,2 tỷ USD trong nửa đầu tháng 9, giảm 48% so với nửa đầu tháng 8 năm nay. Đây cũng là dấu hiệu cho việc các đơn đặt hàng của khách hàng giảm đi đáng kể, và quý IV năm nay có lẽ không còn là mùa cao điểm của các doanh nghiệp dệt may dưới tác động tiêu cực của vĩ mô. Ngoài việc nhu cầu giảm có thể tiếp diễn sang 2023 thì nỗi lo về hàng tồn kho cao từ phía khách hàng cũng đè nặng lên các doanh nghiệp dệt may trong cuối năm nay.

Tin liên quan
Đơn hàng tỷ USD dồn dập, doanh nghiệp dệt may vẫn kêu khóĐơn hàng tỷ USD dồn dập, doanh nghiệp dệt may vẫn kêu khó

Đánh giá về triển vọng xuất khẩu dệt may những tháng cuối năm 2022 và cả năm 2023, theo các chuyên gia phân tích của Rồng Việt, thách thức trước mắt với nguy cơ đơn đặt hàng bị cắt giảm.

Đơn đặt hàng hàng may mặc có thể chậm lại trong Quý 3/2022 do tác động tiêu cực của thị trường do lạm phát cao ở các thị trường tiêu thụ dệt may lớn như Mỹ và EU, kết hợp với lượng hàng tồn kho cao phía khách hàng.

Cùng với đó, FIFA World Cup 2022 tại Qatar được cho là sẽ không tạo lên khởi sắc nào cho các doanh nghiệp sản xuất đồ thể thao hay giày dép trong 2H22 do đây kỳ World Cup đầu tiên không được tổ chức trong kỳ nghỉ hè bình thường và dự kiến diễn ra trong thời gian ngắn. Trong khi nhu cầu chậm lại, hàng tồn kho bán lẻ vẫn tăng. Do vậy, nhu cầu giảm và chu kỳ tồn kho kéo dài sẽ làm lu mờ triển vọng đơn đặt hàng may mặc trong năm 2023, hoặc sẽ có ảnh hưởng từ Quý 4/2022.

Tỷ giá USD/VND leo thang cũng tác động đến các doanh nghiệp dệt may trong nước.

Dù tỷ giá USD/VND đang trong xu hướng tăng, nhưng tỷ lệ mất giá của đồng VND so với đồng USD vẫn đang thấp trong xu hướng mất giá chung. Vậy nên tác động đầu tiên là giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trên thị trường xuất khẩu so với các nước khác như Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia...

Thứ hai, mặc dù nhiều doanh nghiệp dệt may có doanh thu bằng USD, tuy nhiên họ cũng phải chịu chi phí mua nguyên vật liệu đầu vào cũng bằng USD, chi phí logistic, và chi phí lãi vay (đặc biệt là vay ngắn hạn bằng đồng USD trong thời kỳ lãi suất tăng cao và nhiều biến động).

Do vậy, khi doanh thu bằng đồng USD không đủ để bù đắp phần chi phí, các doanh nghiệp dệt may sẽ chịu tác động tiêu cực khi tỷ giá USD/VND leo thang.

Bên cạnh ảnh hưởng tỷ giá USD/VND, một số doanh nghiệp dệt may có thị trường tiêu thụ tại châu Âu cũng bị ảnh hưởng khi sức mua của khách hàng châu Âu suy yếu với một phần nguyên nhân là do đồng EUR đã suy giảm đáng kể.

Gần 19 tỷ USD hàng Việt sang EU được cấp C/O mẫu EUR1

Từ 1/8/2020-31/7/2022, các cơ quan, tổ chức được uỷ quyển cấp C/O mẫu EUR.1 đã 18,7 tỷ USD đi 27 nước EU, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU.

Chính phủ vừa gửi tới Quốc hội báo cáo về việc thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Từ khi EVFTA có hiệu lực đến nay, Việt Nam liên tục xuất siêu sang thị trường EU.

EVFTA được hai bên ký kết vào ngày 30/6/20219, và được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 08 tháng 6 năm 2020. Hiệp định chính thức có hiệu lực vào ngày 1/8/2020.

Số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2021 thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và EU vẫn ghi nhận sự tăng trưởng khả quan bất dịch bệnh diễn biến phức tạp, đạt 57 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2020, trong đó xuất khẩu tăng 14,2% so với năm 2020, đạt 40,12 tỷ USD, Việt Nam xuất siêu năm 2021 đạt 23,23 tỷ USD.

Trong đó, xuất khẩu hàng hóa sang hầu hết thị trường lớn trong khối EU đều ghi nhận sự tăng trưởng so với năm 2020, trừ xuất khẩu sang Pháp, Hungary, Romania, Litva và Estonia giảm.

Xuất khẩu ngày
Cơ quan, tổ chức được uỷ quyển đã cấp C/O mẫu EUR.1 trị giá 18.7 tỷ USD đi 27 nước EU. (Nguồn: Báo Đầu tư)

8 tháng 2022, xuất khẩu vẫn có mức tăng trưởng khá so với nhiều thị trường có FTA khác, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều đạt 42,4 tỷ USD, tăng 14,9% so với 8 tháng năm 2021. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 32,077 tỷ USD, tăng 24,2%, xuất siêu sang thị trường EU 21,76 tỷ USD tăng 47,4% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như máy vi tính, sản phẩm điện tử, hàng dệt may, giày dép, thủy sản... sang thị trường EU tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm 2021 , trong khi xuất khẩu sắt thép các loại, hạt tiêu, cao su, chè, giấy và các sản phẩm từ giấy có tỷ lệ giảm.

Các doanh nghiệp cũng tăng tận dụng quy tắc xuất xứ hàng hóa (C/O) theo EVFTA để nâng cao cạnh tranh cho hàng hóa. Tính từ 1/8/2020 đến 31/8/2022, các cơ quan, tổ chức được uỷ quyển cấp C/O mẫu EUR.1 đã 18,7 tỷ USD đi 27 nước EU, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.

Về thị trường, nếu năm 2020, C/O được cấp chủ yếu cho hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như: Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp. Đến năm 2021 -2022, thị trường nhập khẩu đa dạng hơn, bao gồm toàn bộ các nước EU và tăng mạnh ở các thị trường truyền thống, có dung lượng thị trường lớn. Trong đó, các thị trường có kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O cao là Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, ..

Sau hơn 2 năm rưỡi thực thi EVFTA, giày dép là mặt hàng có trị giá cấp C/O cao nhất. Các mặt hàng có trị giá xuất khẩu đi EU được cấp C/O EUR.1 trên 300 triệu USD gồm: thủy sản, vali túi xách, chất dẻo, hàng dệt may.

Chính phủ đánh giá: "Việc triển khai thực hiện hiệp định EVFTA thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho Việt Nam, giúp ta mở rộng thị trưởng, thiết lập quan hệ đối tác thương mại với nhiều đối tác chưa có quan hệ FTA từ trước và còn dư địa hợp tác lớn (như EU), đưa chất lượng hợp tác kinh tế - thương mại đi vào chiều sâu,thúc đẩy các nỗ lực cải cách trong nước, cải thiện môi trường kinh doanh".

Tuy nhiên, nhìn nhận, phân tích tổng thể, Báo cáo đánh giá: xuất khẩu của Việt Nam sang các nước đối tác FTA được dự báo chỉ tăng mạnh trong giai đoạn 2019 – 2026 do giai đoạn này hàng hóa của Việt Nam có giá thấp hơn so với trước khi tham gia vào các FTA tại thị trường các nước thành viên.

Khi mức độ cắt giảm thuế quan trong FTA càng cao, nguy cơ các nước gia tăng hàng rào thuế quan và phi thuế quan (hàng rào kỹ thuật) để bảo hộ nền sản xuất trong nước trong thời gian tới thì doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với gia tăng các vụ kiện phòng vệ thương mại, chống trợ cấp, tự vệ, chống bán phá giá từ các nước đối tác, gây cản trở cơ hội tiếp cận và phát triển thị trường. Từ đó, kim ngạch xuất khẩu có nguy cơ giảm trong các giai đoạn tiếp theo.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam phải thực hiện cam kết miễn giảm thuế sâu theo EVFTA và các FTA khác như CPTPP, UKVFTA, RCEP, tuy nhiên hàng rào kỹ thuật của nước ta còn ít, chưa hiệu quả, chưa bảo vệ được nền sản xuất trong nước.

 

Nguồn: Baoquocte.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/