Diễn biến của cổ phiếu các doanh nghiệp dệt may đều trong xu hướng giảm giá kể từ đầu năm 2022. Đơn cử như giá cổ phiếu MSH của May Sông Hồng từ đầu năm đến nay đã giảm 37% còn 33.100 đồng/cp; STK của Sợi Thế Kỷ giảm 16% còn 40.000 đồng/cp; TNG của Đầu tư Thương mại TNG giảm 46% còn 16.000 đồng/cp; GIL của CTCP XNK Bình Thạnh giảm 56% còn 27.900 đồng/cp;…
Trong số các doanh nghiệp, TNG đã công bố sơ bộ kết quả kinh doanh tháng 8 và 8 tháng đầu năm. Theo đó, doanh thu tháng 8 đạt 697 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước và vượt 3% so với kế hoạch tháng. Lợi nhuận sau thuế tháng 8 đạt 37,6 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 8 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 4.705 tỷ đồng và 204 tỷ đồng, tương ứng tăng 33% và 44% so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh các doanh nghiệp dệt may 6 tháng đầu năm nay, MSH đạt doanh thu 2.736 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận sau thuế lại giảm 22%, đạt 168,846 tỷ đồng. Giải trình về kết quả này, MSH cho biết 6 tháng đầu năm 2022 công ty đưa khu vực May Sông Hồng Nghĩa Hưng vào sản xuất nên đã gia tăng doanh thu cho công ty, đồng thời chi phí đầu vào gia tăng dẫn đến doanh thu tăng 27% nhưng lợi nhuận giảm 22%.
Với STK, doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm đạt 1.171 tỷ đồng, tăng 8,65% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 147 tỷ đồng, tăng 4,55%.
Với TCM, lợi nhuận sau thuế quý 2 giảm 15% so với cùng kỳ do chi phí nguyên vật liệu và chi phí xăng dầu đầu vào tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí này đã khiến giá vốn quý 2/2022 tăng 1% so với quý 1/2022. Hơn nữa, TCM cho hay do biến động tỷ giá nên chi phí tài chính quý 2 cũng bị đội thêm 2% so với cùng kỳ.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 31,3 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc đạt 24,3 tỷ USD (tăng 24,6%) và kim ngạch xuất khẩu sợi đạt 3,5 tỷ USD (giảm 5%).
Xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 12,9 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ và chiếm 41% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong tháng 8 năm 2022, xuất khẩu hàng may mặc đạt 3,7 tỷ USD, tăng 53% so với cùng kỳ.
Trong quý 3/2022, một số công ty như CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) và CTCP Dệt may Thành Công (TCM) vẫn nhận được một số lượng lớn đơn đặt hàng để giao cho mùa lễ hội.
Tuy nhiên, bức tranh trong quý 4/2022 không mấy tươi sáng đối với ngành dệt may khi triển vọng đơn hàng cho quý 4 và 6 tháng đầu năm 2023 không mấy khả quan, do lo ngại lạm phát và lượng hàng tồn kho ở mức cao của khách hàng. a
Trong nửa đầu tháng 9/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 1,2 tỷ USD, giảm 48% so với nửa đầu tháng 8/2022, cho thấy sự chậm lại đáng kể trong đơn đặt hàng.
Một số nhà sản xuất trong nước cho hay số lượng đơn đặt hàng trong quý 4/2022 thấp hơn 25-50% so với quý 2/2022 do lượng hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu hiện ở mức cao. Tác động sẽ nghiêm trọng hơn đối với những doanh nghiệp có khách hàng chủ yếu ở Hoa Kỳ và EU.
Xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có xu hướng giảm, nhưng ở mức độ thấp hơn nhiều. TCM có doanh thu xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm 40% tổng doanh thu. Do đó TCM và các doanh nghiệp như May Sông Hồng (MSH) và CTCP XNK Bình Thạnh (GIL) có thể ghi nhận mức giảm doanh thu thấp hơn những doanh nghiệp tập trung hơn vào thị trường Mỹ và EU.
Giá sợi bông và sợi polyester giảm gần đây đã tác động đến chi phí vải. Các công ty dự báo chi phí vải sẽ bắt đầu giảm trong quý 4/2022 khi nhu cầu vẫn chưa được phục hồi.
Bên cạnh đó, mặc dù hầu hết các công ty dệt may đều ghi nhận doanh thu bằng USD, nhưng nhiều chi phí của họ cũng được tính bằng USD, chẳng hạn như chi phí nguyên vật liệu, chi phí logistics và chi phí lãi vay. Do đó, trong quý 2/2022, nhiều công ty đã ghi nhận khoản lỗ tỷ giá đã thực hiện và chưa thực hiện tăng đáng kể, dẫn đến khoản lỗ hoạt động tài chính, do tỷ giá USD/VND giảm 2% trong quý.
Khi triển vọng bán hàng trở nên ảm đạm, trong khi tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm 2022, điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có chi phí bằng USD cao như CTCP Sợi Thế Kỷ (STK), Dệt may Thành Công (TCM), và TNG.
Hiền Anh
Nguồn: Infonet.vietnamnet.vn