Xuất khẩu dệt may có mang về “đủ” 44 tỷ USD như mục tiêu đề ra?

Với tình hình đơn hàng gần đây bị sụt giảm và khả năng sẽ tiếp tục giảm sâu trong các tháng còn lại của năm, liệu xuất khẩu dệt may có đạt 44 tỷ USD.

Đơn hàng sụt giảm, 9 tháng vẫn thực hiện gần 80% mục tiêu xuất khẩu dệt may

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Mã: TCM), cho biết không riêng gì Việt Nam, gần như các nước xuất khẩu dệt may sang thị trường Mỹ và châu Âu (EU) đều đang gặp tình trạng đơn hàng sụt giảm do lượng hàng tồn của khách hàng vẫn ở mức cao, trong khi lạm phát khiến nhu cầu tiêu dùng sản phẩm may mặc giảm sút.

Tuy nhiên, theo ông Tùng, với những doanh nghiệp chỉ tập trung vào hai thị trường này thì sự sụt giảm sẽ rất lớn, còn các doanh nghiệp có kế hoạch phân tán thị trường, cụ thể như với dệt may Thành Công, ngoài hai thị trường chính công ty còn có thêm thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc nên sự sụt giảm có phần ít hơn.

"Mặc dù lượng đơn hàng có giảm so với kỳ vọng nhưng không đến mức quá nhiều. Ước tính 9 tháng đầu năm, công ty đã thực hiện được 80% kế hoạch doanh thu và 85% kế hoạch lợi nhuận sau thuế", ông Tùng cho hay.

Không chỉ là câu chuyện của riêng doanh nghiệp, đây cũng là kết quả chung của toàn ngành dệt may khi số liệu của Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cho thấy 9 tháng đầu năm xuất khẩu của ngành hàng ước đạt 35,3 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, so với mục tiêu đề ra là 44 tỷ USD, ngành hàng đã thực hiện được 79,5% kế hoạch xuất khẩu của năm sau ba quý đầu năm.

Xuất khẩu dệt may có mang về “đủ” 44 tỷ USD như mục tiêu đề ra?
(Số liệu: Vitas. Tổng hợp: Minh Anh)

Chia sẻ tại buổi giới thiệu ngày hội Cotton Day 2022 mới đây, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho hay kết quả này có được là do doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã thích thích ứng nhanh với những thách thức của thị trường.

Cụ thể, nếu trước đây ngành dệt may Việt Nam chỉ tập trung vào 5 thị trường truyền thống gồm Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc thì bây giờ đã bắt đầu chuyển dịch sang một số thị trường mới như Canada, Hong Kong...

Số liệu của Vitas cho thấy trong tháng 8 xuất khẩu dệt may sang Hong Kong đạt 22,7 triệu USD, tăng 41,6% so với tháng 7, sang Canada đạt 150 triệu USD, tăng 38,8%... Tính chung 8 tháng đầu năm, tỷ trọng các thị trường xuất khẩu có sự thay đổi với đà sụt giảm của quốc gia tiêu thụ lớn nhất là Mỹ, thay vào đó là sự gia tăng thị phần tại một số thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản...

Xuất khẩu dệt may có mang về “đủ” 44 tỷ USD như mục tiêu đề ra?

Tỷ trọng các thị trường xuất khẩu dệt may có sự thay đổi trong 8 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm ngoái. (Nguồn: Vitas. Tổng hợp: Minh Anh)

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt cũng đã thích ứng trong bối cảnh nhiều đơn hàng có tính chuyên môn hóa cao như sản phẩm đồ jean, đồ kaki các loại, đồ thun… đều bị thiếu đơn hàng, có doanh nghiệp thiếu đến 35%, thì đến nay đã chuyển từ mặt hàng dệt kim sang dệt thoi một cách nhanh chóng.

Đồng thời, tập trung đầu tư vào công nghệ và tự động hóa để thích ứng với việc chuyển dịch cơ cấu mặt hàng nên đã tạo ra con số xuất nhập khẩu khả quan này.

“Và cuối cùng, các doanh nghiệp Việt đã mạnh dạn mở rộng thị trường, tiến tới mô hình đa quốc gia khi hiện nay chúng ta đã tập trung phát triển được 26/27 quốc gia trong khối EU”- ông Giang cho hay.

Xuất khẩu dệt may có mang về “đủ” 44 tỷ USD như mục tiêu đề ra?

(Nguồn: Vitas. Tổng hợp: Minh Anh)

Mục tiêu 44 tỷ USD có khả thi?

Năm nay, dệt may Việt Nam đặt kỳ vọng sẽ mang về 44 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, theo đó, ba tháng còn lại của năm, ngành hàng sẽ phải mang về thêm gần 9 tỷ USD, tương đương khoảng 3 tỷ USD/tháng.

Con số này được cho là sẽ không quá khó khăn với "lịch sử" xuất khẩu trung bình đều trên 3 tỷ USD/tháng trong những tháng qua, thậm chí có tháng đã vượt hơn 4 tỷ USD.

Đánh giá về mục tiêu này, ông Trần Như Tùng cho rằng con số 44 tỷ USD của xuất khẩu dệt may sẽ khả thi vì kết thúc 9 tháng đầu năm hầu hết doanh nghiệp đều thực hiện khoảng 80% kế hoạch. Trong đó, với dệt may Thành Công, hiện công ty đã nhận khoảng hơn 90% đơn hàng cho kế hoạch doanh thu quý IV/2022 và bắt đầu nhận một số đơn hàng cho quý I/2023.

"Dự báo hết năm, công ty sẽ hoàn thàn mục tiêu đề ra là 185 triệu USD doanh thu và 10,5 triệu USD lợi nhuận sau thuế. Và với kế hoạch của toàn ngành, dự báo quý IV dù sụt giảm nhưng khả năng vẫn đạt tầm 95-97% mục tiêu đề ra", Chủ tịch HĐQT dệt may Thành Công cho hay.

Sự lạc quan này cũng là kỳ vọng của Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam khi cho rằng, với năng lực xuất khẩu trung bình mỗi tháng ở mức 3,8-4 tỷ USD, khả năng cao kim ngạch xuất khẩu của ngành sẽ đạt được kế hoạch đề ra vào cuối năm 2022.

Tuy nhiên, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh, lại cho hay các doanh nghiệp ngành dệt may đang rất khó khăn do đơn hàng sụt giảm. Trong tháng 8, nhiều doanh nghiệp còn đơn hàng tồn để xuất khẩu, nhưng sang tháng 9, tháng 10, lượng đơn hàng giảm rất nhiều. Do đó, mục tiêu của năm sẽ rất khó hoàn thành.

“Các doanh nghiệp hiện nay chỉ cố gắng duy trì đèn sáng trong xưởng. Khi đèn trong xưởng không còn sáng nữa thì đó là lúc doanh nghiệp không còn hàng để sản xuất, đồng nghĩa với việc người lao động sẽ không có việc làm và không có thu nhập”, ông Phạm Xuân Hồng chia sẻ.

Xuất khẩu dệt may có mang về “đủ” 44 tỷ USD như mục tiêu đề ra?

Đại diện Vitas dự báo khả năng cao kim ngạch xuất khẩu của ngành sẽ đạt được mục tiêu đề ra là 44 tỷ USD trong năm nay. (Ảnh: Minh Anh)

Loạt khó khăn vẫn còn đó

Các dự báo về khả năng hoàn thành mục tiêu xuất khẩu có sự không đồng nhất là bởi thực tế, bức tranh trong quý IV/2022 của ngành dệt may Việt Nam được cho là sẽ không mấy tươi sáng.

Báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng triển vọng đơn hàng cho quý IV và 6 tháng đầu năm 2023 sẽ không mấy khả quan, do lo ngại lạm phát và lượng hàng tồn kho ở mức cao của khách hàng.

Cụ thể, số lượng đơn đặt hàng trong quý IV/2022 thấp hơn 25-50% so với quý II vừa qua tương đương với mức giảm doanh thu 15-20% so với cùng kỳ theo ước tính. Nhiều công ty dù đã bắt đầu nhận đơn đặt hàng cho quý I/2023, tuy nhiên lượng đơn hàng nhận được vẫn còn rất xa so với công suất hoạt động của những công ty này.

Về giá bán, hầu hết các khách hàng đang đàm phán để giảm đơn đặt hàng. Ngay cả những đơn hàng CMT, đơn hàng mà khách hàng chỉ phải trả chi phí nhân công, hiện cũng đang bị ép giá. Các nhà sản xuất sợi đã chứng kiến giá bán bình quân giảm 8% so với cùng kỳ trong tháng 8.

Xuất khẩu dệt may có mang về “đủ” 44 tỷ USD như mục tiêu đề ra?
(Nguồn: SSI Research)

Bên cạnh đó, mặc dù hầu hết các công ty dệt may đều ghi nhận doanh thu bằng USD, nhưng nhiều chi phí của họ cũng được tính bằng USD chẳng hạn như chi phí nguyên vật liệu, chi phí logistics và chi phí lãi vay.

Do đó, khi triển vọng bán hàng trở nên ảm đạm, trong khi tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các tháng cuối năm 2022, điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.

Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh cho hay doanh nghiệp sản xuất phải nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu, do đó khi giá USD tăng khiến doanh thu bị bội chi về phí nhập khẩu, phí vận tải và phải gánh thêm khoản chênh lệch tỷ giá rất lớn nếu vay nợ bằng USD.

"Nhập khẩu nguyên phụ liệu cho ngành dệt may bị ảnh hưởng khi tỷ giá đồng USD biến động, chi phí nhập khẩu tăng cao, đầu ra không tăng, đơn hàng sụt giảm khiến một số doanh nghiệp đối mặt với thua lỗ", ông Hồng chia sẻ.

Khó khăn này được Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) chỉ ra rằng, chỉ được giải quyết khi Trung Quốc từng bước mở cửa nền kinh tế do hầu hết nguyên phụ liệu của ngành dệt may Việt Nam đều phải nhập khẩu từ nước này.

“Điều này sẽ giúp giảm dần chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và giúp tỷ suất lợi nhuận cải thiện trong các tháng cuối năm 2022. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn chưa thể phục hồi về mức bình thường vào năm 2023 do độ trễ trong việc phục hồi nguồn cung và giá nguyên liệu” VDSC nhận định.

Ngọc Thùy
 
Nguồn:Conghtuong.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/