Dệt may Việt Nam hướng đến nguồn nguyên liệu và thị trường bền vững
Ngành dệt may Việt Nam đang định hướng phát triển bền vững, đảm bảo tiêu chí xanh - sạch.
Theo đó, doanh nghiệp dệt may đã cho thấy sự chủ động thay đổi nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào, trong đó có bông để đáp ứng yêu cầu của ngành, thị trường và người tiêu dùng toàn cầu.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) chia sẻ, ngành dệt may Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu bông các loại hơn 4 tỷ USD hàng năm (tính giá bình quân). Trên thực tế, từ đầu năm 2022 đến nay ngành dệt may Việt Nam đã nhập khẩu nguyên liệu bông vượt hơn 3 tỷ USD.
Hiện nay, nguyên liệu đầu vào ngành dệt may Việt Nam đã và đang có sự chuyển dịch cơ cấu và thay đổi theo thị hiếu tiêu dùng cũng như xu hướng nguồn cung cấp nguyên liệu trên thị trường toàn cầu; trong đó, có thể kể đến xu hướng mới của ngành dệt may toàn cầu là hướng ưu tiêu sử dụng nguyên liệu tái chế, thân thiện môi trường...
Cũng như nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác, đối với ngành dệt may thì nguyên liệu đầu vào là khâu then chốt và đóng vai trò quan trọng về năng lực cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường. Đặc biệt, với bối cảnh hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam tham gia đòi hỏi ngành dệt may đảm bảo quy định cam kết trong toàn chuỗi cung ứng từ khâu nguyên liệu đầu vào cho đến thành phẩn đưa ra thị trường.
Theo ông Vũ Đức Giang, Việt Nam ưa chuộng nguồn nguyên liệu bông Mỹ và hiện chiếm hơn 50% trong cơ cấu thị trường nhập khẩu nguyên liệu bông của Việt Nam. Nguyên nhân dẫn đến nguồn nguyên liệu bông từ thị trường này có lợi thế cạnh tranh và hấp dẫn nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh tại Việt Nam là do được đánh giá chỉ số kiểm soát trong phần mềm hiện đại đảm bảo minh bạch thông tin sản xuất từ khâu đầu đến khâu cuối.
Những nhà cung cấp nguồn nguyên liệu bông Mỹ cung cấp thông tin và cập nhật thị trường thường xuyên đến đơn vị sản xuất và người mua hàng. Cùng với đó, là có cơ chế chăm sóc khách hàng tốt và kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu bông như giới thiệu mô hình trồng trọt, quản lý, giải pháp sử dụng bông hiệu quả...
Ngoài ra, hoạt động mua bán nguyên liệu bông Mỹ cũng thông qua các thị trường chứng khoán một cách minh bạch. Hơn nữa, nhà cung cấp nguồn nguyên liệu bông Hoa Kỳ hầu như đảm bảo sự ổn định chất lượng và nguồn cung nên xây dựng được thương, uy tín với người mua hàng.
Ông Võ Mạnh Hùng, Đại diện Hiệp hội Bông Mỹ (CCI) tại Việt Nam cho hay, trong năm 2022 đã có hàng ngàn lô hàng dệt may của các nước nhập khẩu thị trường này đã bị Cơ quan Hải quan nước này giữ lại để kiểm tra nguồn gốc xuất xứ theo Đạo luật chống lao động cướng bức người Ngô Duy Nhĩ (UFLPA). Ngoài ra theo Đạo luật này, bắt đầu từ quý I/2022, một số nhãn hàng của Mỹ đã yêu cầu dừng những đơn hàng của doanh nghiệp Việt Nam khi nguồn gốc xuất xứ của vải được sản xuất từ phía Trung Quốc.
Để tránh Đạo luật UFLPA, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần sớm minh bạch chuỗi cung ứng từ khâu nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm đầu ra; trong đó, nguồn cung nguyên liệu bông Mỹ là một trong những lựa chọn thay thế cho bông có xuất xứ từ quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
"Hiện tại, Hiệp hội Bông Mỹ đã xây dựng được hệ thống truy xuất nguồn gốc và công nghệ hiện đại hỗ trợ cho việc truy xuất nguồn gốc rõ ràng ở tất cả chuỗi cung ứng. Ở bất cứ công đoạn nào, doanh nghiệp cũng có thể truy xuất nguồn gốc đến tận từng nhà cung cấp bông một cách minh bạch và rõ ràng", ông Võ Mạnh Hùng cho biết thêm.
Mặc dù giá nguyên liệu đầu vào ngành dệt may tốt hơn sẽ tác động tích cực đến tỷ suất lợi nhuận gộp, nhưng giá bán bình quân đang chịu áp lực giảm giá từ các nhà bán lẻ. Dự báo đơn đặt hàng của ngành dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về lạm phát và suy thoái cho đến nửa đầu năm 2023.
Cụ thể, hầu hết doanh nghiệp dệt may đều ghi nhận doanh thu bằng USD nhưng nhiều chi phí của họ cũng được tính bằng USD như chi phí nguyên vật liệu, logistics, lãi vay... Vì vậy, khi triển vọng bán hàng trở nên ảm đạm, trong khi tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm 2022, điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có chi phí bằng USD cao.
Trên thực tế, bất cứ ngành sản xuất công nghiệp nào cũng phải chấp nhận luật chơi trên thị trường như khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp FDI, tìm kiếm nguồn nguyên liệu tốt, tư duy nghiên cứu đổi mới trong tổ chức sản xuất sản phẩm xanh - sạch... Doanh nghiệp trong từng ngành nghề, lĩnh vực bắt buộc phải điều chỉnh hoạt động theo xu thế thị trường và thúc đẩy ngành phát triển bền vững theo thị hiếu tiêu dùng trên thị trường.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong quý III/2022 ngành dệt may gặp không ít khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2022 tăng khoảng 21% so với cùng kỳ năm trước và đạt khoảng 35 tỷ USD. Điều này cho thấy, ngành dệt may Việt Nam có sự thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường toàn cầu và linh hoạt điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh.
Một số chuyên gia chỉ ra rằng, ngành dệt may Việt Nam đã kịp thời chuyển dịch thị trường xuất khẩu truyền thống sang thị trường mới như từ Mỹ, châu Âu... sang Nga, Mexico và một số nước khác. Điển hình, nếu trước đây tại thị trường châu Âu thì dệt may Việt Nam chỉ tập trung vào một số nước lớn như Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Anh... thì hiện nay đã mở rộng xuất khẩu vào 26/27 quốc gia trong khu vực này.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng thích ứng rất nhanh khi chuyển dịch đầu tư vào công nghệ và tự động hóa và thích ứng được khi cơ cấu mặt hàng có thay đổi. Cụ thể, doanh nghiệp có xu hướng chuyển dịch từ dệt kim sang dệt thoi.
Nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng thể hiện quyết tâm đầu tư vào công nghệ đáp ứng yêu cầu thay đổi nhu cầu thị trường và sản phẩm. Song song đó, doanh nghiệp không ngừng nỗ lực tái cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh, triển khai mô hình hoạt động đa quốc tế, nhất là tìm kiếm cơ hội ở những thị trường mới.
Đánh giá về ngành trong thời gia tới, các doanh nghiệp cho rằng, ngành dệt may Việt Nam vẫn ứng phó được dù dự báo quý IV/2022 sẽ nhiều thách thức hơn và thậm chí kéo dài sang quý I/2023. Ngoài ra, doanh nghiệp kỳ vọng vào triển vọng của ngành bởi những tín hiệu tích cực như khi bước sang năm 2023 sẽ có nhiều sản phẩm dệt may sẽ được giảm thuế xuất khẩu vào thị trường EU vào năm 2023 nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)./.
Nguồn: Bnews.vn