Ông Võ Mạnh Hùng - đại diện Hiệp hội Bông Mỹ tại Việt Nam cho biết, việc Cơ quan Hải quan Hoa Kỳ giữ hàng có thể kéo dài đến 30 ngày chờ xác minh nguồn gốc sợi vải. Hiện chưa thống kê được trong số đó có bao nhiêu lô hàng nhập khẩu từ Việt Nam, nhưng do chuỗi cung ứng dệt may của Việt Nam có sự gắn bó rất chặt chẽ với Trung Quốc, nên ông Hùng đánh giá việc này ảnh hưởng khá lớn đến các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu vào Hoa Kỳ.

Hiện nay Hiệp hội Bông Hoa Kỳ đã xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên nền tảng platform, cho phép truy xuất bất cứ công đoạn nào của sản phẩm dệt may nhập khẩu vào thị trường nước này. Rất nhiều nhãn hàng lớn trên thế giới đã tham gia vào hệ thống truy xuất trên, cùng với gần 1.000 nhà sản xuất toàn cầu, trong đó có gần 70 doanh nghiệp từ Việt Nam.

Thậm chí, công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm dệt may vào Hoa Kỳ đã phát triển đến mức có thể xác định được chính xác vùng trồng bông của sợi vải từ một mẫu vật quần áo cũ dựa trên phân tích khoáng chất của sợ vải.

Do vậy để giữ được thị trường Hoa Kỳ, theo ông Võ Mạnh Hùng, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải minh bạch chuỗi cung ứng của mình.

Việt Nam hiện là thị trường nhập khẩu số 1 mặt hàng bông của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, những tháng gần đây thị trường bông toàn cầu biến động đến mức “đột biến” về giá cả khiến cho doanh nghiệp Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Ông Hùng cho biết, từ tháng 8, giá bông biến động “lên, xuống” đến 30%.

Sự bất thường của thị trường bông toàn cầu và những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Hoa Kỳ về nguồn gốc sản phẩm may mặc sẽ là một trong những nội dung chính được thảo luận tại Ngày hội Bông Việt Nam - Cotton Day Việt Nam 2022 được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 4/10/2022.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, để đáp ứng nhu cầu sản xuất của ngành dệt may, Việt Nam phải nhập khẩu toàn bộ bông từ nước ngoài với lượng nhập khẩu mỗi năm ở mức khoảng 4 tỷ USD. Trong 8 tháng năm 2022, lượng bông nhập khẩu đã đạt khoảng 3 tỷ USD. Trong đó, bông Mỹ được lựa chọn nhiều nhất, chiếm trên 50% tổng nhu cầu nhập bông của Việt Nam.

Theo ông Vũ Đức Giang, nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may Việt Nam đang phải thay đổi theo hướng xanh để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng và các nước nhập khẩu. Và nguyên liệu đầu vào là then chốt của việc chuyển đổi xanh này.

Nguồn:Thoibaotaichinh.vn