Mới đây, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030; trong đó nhấn mạnh quan điểm phát triển xuất nhập khẩu gắn với thương mại xanh và thương mại công bằng, với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Việc "xanh hóa", ngành dệt may được cho là sẽ có lợi thế hơn khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh tư liệu: TTXVN
Vậy doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã có chuẩn bị gì, những khó khăn nào đang chờ đợi doanh nghiệp khi thực hiện quá trình “xanh hóa? Để giải đáp vấn đề này phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam.
Ông đánh giá thế nào về thực trạng "xanh hóa" của các doanh nghiệp ngành dệt may hiện nay?
Tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng của phát triển bền vững và vấn đề xanh hóa ngành dệt may đã được doanh nghiệp ngành dệt may quan tâm.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam từ năm 2017 đã thành lập Ủy ban Phát triển bền vững đồng thời triển khai rất nhiều hoạt động và đã có tác động lan tỏa đến các doanh nghiệp ngành dệt may. Nhiều doanh nghiệp dệt may đã triển khai chương trình xanh hóa như thay thế lò hơi đốt than, đốt dầu bằng lò hơi điện, lắp đặt điện mặt trời áp mái, xử lý nước cũng như tái sử dụng nước thải…. và đã đạt được những kết quả nhất định.
Hiện nay, các tiêu chuẩn để hàng Việt Nam vào được thị trường EU là rất khắt khe; trong đó có yêu cầu về hàng tái chế, đảm bảo môi trường. Vậy thực hiện chuyển đổi sản xuất xanh, sạch hơn có tác động thế nào tới xuất khẩu của doanh nghiệp dệt may, thưa ông?
Việc xanh hóa ngành dệt may không chỉ góp phần vào việc thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh mà còn thực hiện yêu cầu cũng như quy định của các thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn trên thế giới.
Cụ thể như Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra chiến lược về dệt may; trong đó yêu cầu ngay từ khâu thiết kế phải đảm bảo là thiết kế sinh thái và quá trình sản xuất cũng như tiêu dùng phải đảm bảo là tiêu dùng bền vững.
Cùng với đó, sản xuất tiêu dùng nhanh sẽ được thay thế bằng sản xuất tiêu dùng bền vững. Sau khi tiêu dùng xong, sản phẩm có thể có khả năng tái chế lại và tái sử dụng để đảm bảo ít gây ô nhiễm môi trường.
Các quy chuẩn này sẽ ngày càng cao dựa trên mức độ tuân thủ của các doanh nghiệp về trách nhiệm đối với người lao động, môi trường, xã hội và người tiêu dùng trước khi các sản phẩm được đưa ra tiêu thụ trên thị trường. Các quy chuẩn này sẽ không cố định mà liên tục thay đổi, đòi hỏi các doanh nghiệp phải linh hoạt thích ứng.
Vì vậy, nếu doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu sẽ gặp khó khi xuất khẩu vào những thị trường này. Đây là vấn đề mà doanh nghiệp phải tập trung triển khai nhanh nếu như muốn khai thác tốt những thị trường như Mỹ hay EU và các thị trường lớn khác.
Ông nhìn nhận thế nào về những khó khăn mà các doanh nghiệp dệt may đang gặp phải trong tiến trình "xanh hóa", rào cản ở đây là gì?
Có ba vấn đề được cho là khó khăn và rào cản đối với doanh nghiệp trong quá trình xanh hóa.
Thứ nhất, không phải doanh nghiệp nào cũng có nhận thức đúng về vấn đề này để chuẩn bị tốt nhất cho vấn đề xanh hóa.
Thứ hai là vấn đề về tài chính, bởi liên quan đến xanh hóa thì nhu cầu về vốn rất lớn mà không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ tiềm lực về tài chính để thực hiện vấn đề này, nhất là doanh nghiệp dệt may phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thứ ba, đó là nguồn lực về con người, bởi vấn đề đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng xanh hóa cũng như đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư rất quan trọng và cần thiết nhưng các doanh nghiệp vẫn còn yếu.
Để thực hiện xanh hóa ngành dệt may, bên cạnh việc đầu tư về thiết bị, môi trường thì việc sử dụng nguyên liệu tái chế, nguyên liệu "sạch" là quan trọng. Tuy nhiên, ở Việt Nam đây còn là lĩnh vực mới và chưa có sự quan tâm đầu tư thích đáng, cản trở quá trình "xanh hóa". Vậy ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Ngoài việc đầu tư thiết bị công nghệ thì vấn đề sử dụng nguyên liệu là vấn đề quan trọng bởi với Việt Nam hiện nay nguyên liệu đang phải nhập khẩu rất lớn.
Khi nhập khẩu nguyên liệu doanh nghiệp cần biết rõ làm thế nào để sử dụng nguyên liệu sạch và truy xuất được nguồn gốc, biết rõ lai lịch. Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp phải hết sức quan tâm.
Thứ hai, nếu các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu trong nước cần tính đến chuyện nguyên liệu, phụ liệu đó có tái chế được không. Và với yêu cầu nguyên liệu, phụ liệu có thể tái chế được đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều.
Hiện nay đã có doanh nghiệp tập trung vào phát triển nguồn nguyên liệu tự nhiên như tơ tằm, sợi gai, sợi đay, sơ chuối, sơ dứa cũng như nguyên liệu từ vỏ sò hoặc bã cà phê, tuy nhiên quy mô còn nhỏ cho nên cần đầu tư nhiều hơn nữa.
Cần nhấn mạnh, ngành dệt may phát triển rất nhanh nhưng vẫn yếu khâu nguyên liệu đầu vào. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, ngành dệt may hy vọng Nhà nước có cơ chế hỗ trợ đặc thù, chính sách cụ thể để khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, bao gồm quy hoạch tổng thể, phân bổ thu hút đầu tư, các quỹ khuyến khích xuất khẩu, hỗ trợ tài chính... để giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Xin cảm ơn ông!