Nhiều ngành thiếu lao động những tháng cuối năm

Thiếu đơn hàng trong những tháng cuối năm, thiếu công nhân kỹ thuật lành nghề, lao động có tay nghề cao… đang là những khó khăn của nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, chế biến…

Đối với ngành Dệt may, mặc dù trong 8 tháng năm 2022 kim ngạch xuất khẩu (XK) đạt 30,1 tỷ USD, nhưng thực tế việc tăng trưởng chủ yếu rơi vào các tháng đầu năm, còn từ tháng 7 tới nay các DN đang hết sức khó khăn.

Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều DN dệt may đang sụt giảm đơn hàng mạnh tập trung ở các thị trường Mỹ, EU do sức ép lạm phát từ các quốc gia này lớn, buộc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, trong khi đó dệt may không phải là hàng thiết yếu. Việc thiếu đơn hàng tại các DN dệt may đã buộc DN trong ngành phải cắt giảm công suất, giảm số ngày làm việc, nhiều công nhân thiếu việc làm đã phải tìm công việc khác.

Nhiều ngành thiếu lao động những tháng cuối năm -0Đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài luôn cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh minh họa

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực TP Hồ Chí Minh (FALMI), sau dịch COVID-19, nhu cầu sử dụng lao động của ngành Dệt may tại TP Hồ Chí Minh tăng rất cao, song khả năng đáp ứng còn hạn chế. Tính bình quân, các DN dệt may ở TP Hồ Chí Minh trong năm nay cần thêm 20.000 - 22.000 lao động, nhưng chỉ khoảng 1.000 người có nhu cầu tìm việc trong lĩnh vực này.

Tương tự với ngành Da giày, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày TP Hồ Chí Minh cho biết, các DN trong ngành cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động. Hiện nay, lượng lao động tại các DN đã giảm 20 - 30% so với thời điểm trước dịch COVID-19, đặc biệt là lượng lao động có tay nghề; hay ngành Thủy sản, với đặc thù là sản xuất theo mùa vụ và cao điểm sản xuất thường rơi vào các tháng từ giữa năm trở đi. Trong khi đó, XK thủy sản đang có xu hướng chững lại do nhu cầu ở một số thị trường chậm hơn so với thời điểm những tháng đầu năm, nên việc làm cho người lao động không ổn định đã tác động tới nhu cầu tuyển dụng của các DN.

Đặc biệt, với ngành gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành này hiện không thiếu nhiều lao động phổ thông, mà thiếu nhất là lao động chất lượng cao, có kỹ năng, chẳng hạn như kỹ năng thiết kế mẫu mã sản phẩm.

Trước tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, một số DN cũng đã linh động, đưa ra những chính sách để “giữ chân” người lao động ở lại làm việc. Ông Nguyễn Thành Nam, Giám đốc DN sản xuất thực phẩm (quận Tân Phú) cho biết, ngành lương thực thực phẩm sản xuất và tiêu thụ mạnh nhất trong những tháng cuối năm. Vì vậy, để người lao động yên tâm làm việc thì DN hỗ trợ chi phí tiền trọ cho họ, xét thưởng 6 tháng một lần thay vì xét thưởng cuối năm như trước đây. Bên cạnh đó, thì DN cũng thưởng thêm đối với những người lao động đi làm đủ ngày công.

“Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt, để đảm bảo nguồn lao động ổn định lâu dài thì ngoài nỗ lực của DN, cũng rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của cơ quan chức năng, thiết thực nhất đối với DN là hỗ trợ về vốn”, ông Nam nói.

Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) vừa có một cuộc khảo sát về những vướng mắc trong cộng đồng DN sau những khó khăn từ đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine. Kết quả cho thấy, có đến 53% DN cho biết là họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực phù hợp.

Trước vấn đề thiếu hụt lao động, HUBA kiến nghị Nhà nước sửa đổi, ban hành các chính sách pháp luật mang nhiều lợi ích cụ thể, hiện hữu cho DN. Đơn cử như các chính sách về tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội, công đoàn, chính sách cho vay nhà ở… Nhất là cần quan tâm kịp thời xét duyệt các đề án xây dựng nhà ở xã hội, khu nhà ở công nhân để người lao động không lo chỗ ăn nghỉ.

Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký HUBA cho biết, phía Hiệp hội có đề nghị thành phố cần dành nguồn ngân sách cho đào tạo nghề, khuyến khích mở các trường nghề sơ cấp và trung cấp, tránh tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” gây khó cho thị trường lao động.

Để nguồn lao động ổn định cả về số lượng và chất lượng, theo các DN cần phát triển mô hình đào tạo gắn kết giữa nhà trường với DN. Mối liên kết này sẽ trở thành chiến lược tạo thế mạnh cạnh tranh trong tuyển sinh, đào tạo, đảm bảo đáp ứng được nguồn nhân lực trình độ cao cho thị trường lao động. Đặc biệt, đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) luôn cần nguồn nhân lực chất lượng cao để ứng dụng công nghệ mới. Do đó, nguồn lực chất lượng cao nếu không được chú trọng cải thiện trong thời gian tới, Việt Nam sẽ mất dần sức hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài.

Nguồn: Cand.com.vn

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/