Tại buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), ông Masahiro Morofuji, Chủ tịch Tập đoàn Itochu, cổ đông lớn của Vinatex khẳng định, nếu Việt Nam kịp thời bắt kịp xu hướng đầu tư xanh, sản xuất hàng dệt may bền vững, giảm thiểu ô nhiễm sẽ có tăng trưởng giá trị gia tăng đầy triển vọng trong tương lai.
Trong nhiều năm qua, Vinatex và Itochu đã có sự hợp tác toàn diện, trước hết là về mặt cổ đông khi Itochu là một cổ đông lớn của Vinatex. Với chính sách “zero covid” của Trung Quốc, chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, do đó xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các khu vực lân cận đang là một xu hướng của ngành dệt may toàn cầu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các thị trường tiêu dùng lớn như châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ...đều gia tăng các tiêu chuẩn về hàng dệt may nhập khẩu, áp các tiêu chí về quá trình sản xuất xanh, bền vững, thì việc đầu tư theo hướng này sẽ giúp hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu có nhiều lợi thế, có giá bán cao và được nhà nhập khẩu lưa chọn.
Thông tin về chiến lược đầu tư của Tập đoàn, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex cho biết: Vinatex đã và đang làm việc với một số tỉnh thành tại 3 miền Bắc – Trung – Nam, xin chủ trương đầu tư, quỹ đất xây dựng các khu công nghiệp có đầu tư ngành dệt nhuộm với tiêu chuẩn xanh nhằm khép kín chuỗi cung ứng, có thể cung ứng trọn gói các sản phẩm dệt may – thời trang xanh.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, kế hoạch trọng tâm của Tập đoàn là xây dựng chiến lược tài chính dài hạn cho chu kỳ mới của đầu tư chiều sâu, công nghệ để tạo ra một ngành dệt may tự động hóa theo 4.0 mới. Hình thành chuỗi liên kết Sợi – Dệt – May để tăng giá trị gia tăng, tiếp tục hình thành các năng lực cung ứng đủ lớn cho ngành hàng dệt kim, đáp ứng yêu cầu trọn gói của khách hàng trong các chuỗi quy mô lớn của thế giới.
Bên cạnh đó, Vinatex cũng sẽ chú trọng đầu tư và các dự án xanh, các sản phẩm xơ sợi tái chế, các sản phẩm đặc thù có tính chuyên biệt cao…
"Đầu tư xanh, cắt giảm phát thải trong quá trình sản xuất, tiết kiệm nguyên nhiên liệu là xu thế tất yếu mà ngành dệt may trong đó có Vinatex phải theo. Vinatex mong muốn Textile Company, Itochu nghiên cứu hợp tác đầu tư cùng Tập đoàn trong việc triển khai các dự án trọng điểm và chiến lược này", ông Hiếu cho hay.
Chủ tịch Tập đoàn Itochu chia sẻ, ngoài các thế mạnh về sản xuất dệt may, hạ tầng dệt may theo hướng xanh hóa, Itochu cũng đang hướng đến phát triển theo chiều ngang, mở rộng mô hình sản xuất kinh doanh vào một số mặt hàng mới như giày dép.
"Hiện đơn vị đang đẩy mạnh sản xuất mặt hàng xơ polyester tái chế, Vinatex và các đơn vị thành viên có ngành sợi có thể sử dụng mặt hàng này để sản xuất các mặt hàng sợi recycle. Với các dự án đầu tư, Itochu hiện có sẵn nguồn tài chính có thể tham gia ngay cùng với Vinatex trong việc đầu tư các dự án mới", ông Masahiro Morofuji cho biết.
6 tháng 2022, tổng doanh thu hợp nhất của Vinatex đạt 10.295 tỷ đồng, bằng 138,1% so với cùng kỳ, đạt 57% kế hoạch năm. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 980 tỷ đồng, bằng 155,6% cùng kỳ, đạt 103% kế hoạch năm.
Cùng với sự tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận, các nhóm ngành sản xuất của Vinatex cũng đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu ngành sợi tăng 31%, lợi nhuận tăng 49%; Với ngành may, doanh thu tăng 27%, lợi nhuận tăng 140%…
Trước những dự báo không lạc quan về thị trường cuối năm, nhiều thị trường giảm sức mua, lạm phát tăng cao tại Mỹ, châu Âu; lãi suất tăng mạnh; …, Vinatex cho biết sẽ tập trung giữ ổn định hệ thống sản xuất, linh hoạt trong điều hành sản xuất, xây dựng kế hoạch đầu tư đáp ứng mô hình kinh tế tuần hoàn trong doanh nghiệp dệt may.
Nguồn: Daidoanket.vn