TPHCM: Thiếu nguyên liệu, doanh nghiệp dệt may phải chấp nhận mua với giá cao
Đây là chia sẻ của ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, khi nói về nguồn nguyên liệu của ngành dệt may trong nước trong và sau thời gian ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19.
Ngày 29/8, trao đổi với PV báo Tiền Phong bên lề triển lãm China Homelife Vietnam 2022 vừa khai mạc tại TPHCM, ông Phạm Xuân Hồng cho biết, do tình hình dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga – Ukraine, đường cung ứng nguyên phụ liệu của thế giới có nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn cung ứng từ Trung Quốc, đã ảnh hưởng đến ngành dệt may Việt Nam.
|
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM
|
“60% nguyên liệu dệt may trong nước nhập từ Trung Quốc, còn lại nhập từ các thị trường khác. Phần lớn giá cả từ Trung Quốc tương đối phù hợp vì họ sản xuất sản lượng lớn nên giá thành rẻ hơn, còn nếu mình đặt hàng ở nơi khác với sản lượng nhỏ thì giá sẽ cao hơn” – ông Hồng nói.
Theo ông Hồng, trước khó khăn về nguyên liệu của ngành dệt may, doanh nghiệp (DN) đã tìm cách để vượt khó như tìm thị trường mới là Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ để bổ sung sự thiếu hụt. Các DN trong nước kết nối với nhà sản xuất nguyên phụ liệu trong nước. Có lúc DN chấp nhận mua nguyên liệu với giá cao để đảm bảo sản xuất liên tục, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo đời sống cho người lao động.
|
Doanh nghiệp tìm hiểu vải nhập từ Trung Quốc
|
Tại triển lãm China Homelife Vietnam 2022, hơn 160 nhà sản xuất, cung ứng hàng đầu Trung Quốc đã trưng bày sản phẩm thuộc 4 ngành hàng chính: Gia dụng; điện tử tiêu dùng; dệt may; vật liệu xây dựng - nội thất.
Ông Nguyễn Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Công Thương kỳ vọng, triển lãm tạo cơ hội cho DN hai nước Việt Nam - Trung Quốc tăng cơ hội hợp tác, đặc biệt là giúp DN Việt Nam kết nối chuỗi cung ứng hiệu quả hơn sau dịch.
Theo số liệu từ Vụ thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), Trung Quốc là đối tác thương mại số một của Việt Nam trong vòng 20 năm nay. Kim ngạch năm 2021 đạt 166,46 tỷ USD. Đây cũng là thị trường xuất khẩu số hai của Việt Nam sau Mỹ và là thị trường trọng điểm của nhiều mặt hàng như vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng... cũng như là thị trường nhập khẩu nhiều nhóm hàng quan trọng, phục vụ sản xuất và tiêu dùng của Việt Nam.
Nguồn:Tienphong.vn