|
Các dự án FDI đã khiến năng lực sản xuất và quy mô xuất khẩu của ngành dệt may tăng nhanh |
Hơn 31 tỷ USD vốn FDI
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, lũy kế đến 18/5/2022, trong lĩnh vực dệt may có 2.787 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với vốn đăng ký 31,3 tỷ USD.
Sự đổ bộ của các dự án FDI đã khiến năng lực sản xuất và quy mô xuất khẩu của ngành dệt may tăng nhanh. Năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt trên 36 tỷ USD, năm 2021 là 40,3 tỷ USD, trong đó khối FDI nắm giữ khoảng trên 60% tổng giá trị xuất khẩu.
Quy mô ngành lớn, là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng cần nắn dòng vốn vào đúng khu vực “nút cổ chai” của ngành: sản xuất vải, sợi, phụ liệu để tận dụng ưu đãi thuế quan từ 15 FTA đang có hiệu lực.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, ngành dệt may đang thiếu tính liên kết theo chuỗi giá trị. Việt Nam đạt thặng dư thương mại đối với sợi và hàng may mặc, nhưng lại thâm hụt lớn đối với vải. Sợi sản xuất ra chủ yếu xuất khẩu, trong khi vải sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được gần 50% nhu cầu khiến mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu hơn 10 tỷ USD vải các loại.
“Phần thiếu hụt này chính là phân khúc thị trường tiềm năng để thu hút đầu tư nước ngoài vào sản xuất vải, sợi tại Việt Nam”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2021, nhập khẩu vải nguyên liệu đạt 14,3 tỷ USD, tăng 20,6% so với năm 2020, chiếm 60,0% tổng trị giá nhập khẩu nguyên phụ liệu của ngành dệt may. Trong đó, nhập khẩu từ các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan... tăng mạnh.
Hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước
Thực tế, các FTA thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA đều đặt ra yêu cầu về quy tắc xuất xứ, sợi và vải phải sản xuất, sử dụng tại Việt Nam hoặc ở các nước trong khối FTA thì mới được chứng nhận quy tắc xuất xứ và được hưởng thuế quan ưu đãi. Do đó, các doanh nghiệp dệt may buộc phải tập trung phát triển theo toàn bộ chuỗi, hình thành nên chuỗi giá trị trong nước.
Nhìn vào mức chi ngoại tệ để nhập khẩu nguyên phụ liệu thì thấy, dù kim ngạch xuất khẩu trên 40 tỷ USD, nhưng không tự chủ được nguyên liệu, từ bông, xơ sợi, vải, nên nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu dệt may trong năm 2021 lên tới 23,86 tỷ USD, tăng 21,3% so với năm 2020.
Tính riêng 4 khu vực thị trường lớn của ngành là Mỹ, EU, Hàn Quốc và Trung Quốc nhập khẩu hàng dệt may, xơ sợi từ Việt Nam mỗi năm gần 24 tỷ USD (năm 2021). Các thị trường này đang thực thi nhiều quy định mới liên quan đến hàng may mặc nhập khẩu như yêu cầu sản phẩm phải xanh, không chứa hóa chất, có thể tái chế được….
Do đó, nếu không nắn dòng đầu tư theo hướng này, xuất khẩu dệt may sẽ khó giữ được vị trí top 3.
“Ngành dệt may cần thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên các dự án đầu tư công nghệ dệt nhuộm tiên tiến, không gây tác động xấu đến môi trường, kết nối với các doanh nghiệp may mặc trong nước, hình thành chuỗi liên kết trên toàn chuỗi giá trị, giải pháp về khoa học công nghệ nhằm xanh hóa ngành dệt may”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Nhấn mạnh thêm về yêu cầu ngày càng cao của nhà nhập khẩu, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) lưu ý, công nghệ sản xuất của ngành sợi, dệt, nhuộm phải đáp ứng xanh, giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, tiêu hao nước, đảm bảo môi trường, kết nối minh bạch trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Hiện, đa số doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng ngành dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn đã tiếp nhận những yêu cầu “xanh hóa” trong sản xuất, như thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm phát thải… Các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia đều có cam kết về bảo vệ môi trường và phát thải thấp.
Do đó, tại Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp mới đây, thay mặt Vitas, ông Cẩm đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt Chiến lược Phát triển ngành dệt may, thành lập khu công nghiệp dệt may lớn để giải quyết vấn đề về vải, nhuộm, hoá chất… kéo doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất vải.
Nguồn: Baodautu.vn