Tình trạng lạm phát tăng cao trên toàn cầu đã khiến nhu cầu tiêu dùng giảm sút, sức mua giảm tại nhiều thị trường xuất khẩu như Mỹ, EU đối với các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam đang gây không ít ảnh hưởng đến đơn hàng và đơn giá của các DN dệt may, da giày và đồ gỗ từ nay đến cuối năm.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho hay, kinh tế khó khăn, tỷ lệ lạm phát tăng cao tại các thị trường tiêu thụ dệt may lớn như Mỹ, EU… làm cho sức mua các mặt hàng tiêu dùng, trong đó có hàng dệt may giảm đáng kể. Bên cạnh đó, xung đột quân sự Nga - Ukraine chưa có hồi kết ảnh hưởng đến một số thị trường của dệt may Việt Nam tại Nga, Ukraine cũng như các nước khác trong khu vực.
Sau nửa đầu năm tương đối “thuận buồm xuôi gió”, nửa cuối năm ngành sản xuất, xuất khẩu da giày của Việt Nam cũng đối mặt không ít khó khăn khi tình trạng lạm phát tại các thị trường xuất khẩu lớn như EU, Mỹ tăng cao khiến đơn hàng giảm sút.
Sức mua tại nhiều thị trường giảm sút do ảnh hưởng của lạm phát tác động lớn đến đơn giá và đơn hàng của một số ngành hàng xuất khẩu Việt Nam.
Ông Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại giày dép Nguyên Nguyên Phước cho biết, tình hình thị trường nửa đầu năm khá khả quan, song nửa cuối năm thị trường sẽ chậm lại. Tháng 9, 10 sẽ là “vùng trũng” của đơn hàng.
“Trước đây DN có thể nhận đơn hàng trước từ 1 - 2 quý. Tuy nhiên, với những biến động thị trường như hiện nay, DN chỉ có thể nhận đơn hàng trước 2-3 tháng. Hiện nay DN cũng như nhiều DN khác trong ngành da giày đang phải ‘ăn đong’ đơn hàng xuất khẩu”, vị này nói.
Theo đánh giá của bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, những tháng cuối năm 2022, ngành da giày phải đối mặt với nhiều thách thức. Khảo sát từ các DN và các nhãn hàng cho thấy, từ nay đến quý 1/2023, tình hình đơn hàng sẽ có phần chững lại.
Tương tự với dệt may và da giày, thị trường Mỹ có sự biến động lớn nhất trong các thị trường xuất khẩu của DN gỗ trong thời gian gần đây. Tính từ đầu năm đến nay, các DN ngành gỗ có doanh thu từ thị trường Mỹ giảm trung bình 39,6%, có DN giảm cao nhất lên tới 80% doanh thu
Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trends thông tin, trên 90% số DN ngành gỗ được hỏi cho biết lượng đơn hàng đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Biến động mạnh tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt đã khiến nhiều DN chế biến và xuất khẩu gỗ phải đối mặt với rất nhiều sức ép, đặc biệt là vốn vay ngân hàng, chi trả người lao động và nguyên liệu đầu vào.
“Một số ít DN đã tìm cách dịch chuyển theo hướng đa dạng hóa thị trường và sản phẩm. DN lựa chọn giảm giá sản phẩm để kích cầu, mở rộng thị trường khách hàng khu vực EU, Australia, tập trung vào các sản phẩm mang tính giá trị cao hoặc có tính đặc thù để giảm cạnh tranh và chịu ít biến động của các diễn biến trên thị trường thế giới hơn”, ông Tô Xuân Phúc nói.
Trước thực trạng khó khăn trong xuất khẩu và thiếu hụt đơn hàng, đại diện các Hiệp hội đều có chung đề xuất đối với phí ngân hàng cần giãn nợ, giảm lãi suất, gia hạn các khoản vay đến hạn, cho vay thế chấp hàng tồn kho, vay tín chấp... Đồng thời đẩy nhanh chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ gói 40.000 tỷ đồng để DN có vốn cho sản xuất, kinh doanh. Cần thiết kế gói tín dụng riêng để hỗ trợ DN xuất khẩu.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị Chính phủ, các bộ có định hướng, khuyến cáo rủi ro, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến cơ chế thanh toán, vận chuyển hàng hóa, chứng từ… cho DN xuất nhập khẩu vào các nước khu vực và xung quanh khu vực có xung đột Nga - Ukraine.
Bên cạnh đó, làm việc với các nước và tỉnh bạn có chung đường biên nhưng đang có chính sách chống dịch khác nhau, phối hợp giải quyết các vấn đề về di chuyển người, phương tiện, hàng hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu, đáp ứng nguồn cung nguyên, phụ liệu cho sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.
Chuyển hướng thị trường, thay đổi mẫu mã sản phẩm là giải pháp của nhiều DN xuất khẩu
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân kiến nghị hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ DN tìm kiếm các đối tác xuất khẩu nguyên phụ liệu trong khối thị trường có FTA để tận dụng ưu đãi về thuế; cung cấp thông tin thị trường kịp thời cho các DN; đồng thời tiếp tục quảng bá năng lực, thông tin về những lợi thế của ngành da giày Việt Nam.
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, các thị trường chính xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ, EU, Anh đang lạm phát và trải qua sự sụt giảm về nhu cầu, tác động tiêu cực trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trong ngành.
“Bức tranh về thị trường rất ảm đạm khiến các DN hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, chi phí cho người lao động, nguyên liệu đầu vào. Nhiều DN ngành gỗ đang tiến hành các biện pháp khắc phục, bao gồm giảm quy mô sản xuất, chuyển đổi mặt hàng, chuyển đổi thị trường và một số biện pháp khác”, ông Lập nói./.