Thời trang ngoại cạnh tranh mạnh mẽ tại thị trường nội địa
Trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu (XK) dệt may ước đạt khoảng 22,3 tỷ USD (tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2021) và mục tiêu XK cả năm đạt 42 - 43 tỷ USD. Trong nhiều năm qua, XK dệt may Việt Nam luôn đứng ở vị trí cao, luôn nằm trong “top” đầu XK may mặc của thế giới, nhưng lại “bỏ quên” thị trường trong nước.
Trong khi đó, các tập đoàn nước ngoài lại đánh giá cao tiềm năng của thị trường nội địa, xem đây là “mảnh đất màu mỡ” nên đã có hàng loạt thương hiệu thời trang ngoại đổ bộ vào thị trường Việt Nam, khiến cán cân đang nghiêng về thời trang ngoại, thời trang Việt yếu thế hơn hẳn trên “sân nhà” …
Hàng may mặc của Việt Nam đã có mặt tại nhiều thị trường lớn và “khó tính” như: Các nước CPTPP, ASEAN, Hoa Kỳ, EU, Nga,… Đặc biệt, trong chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2022, Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương đã cùng với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tổ chức, kết nối cho các DN hàng thời trang trong nước, tìm kiếm đối tác, cơ hội kinh doanh và XK sang thị trường tiềm năng là các nước châu Phi và Nam Mỹ. Theo Cục Xúc tiến thương mại, thị trường châu Phi có nhu cầu tiêu dùng cao, trong khi ngành công nghiệp dệt may chưa phát triển dù có nguồn bông nguyên liệu dồi dào, thu nhập của người dân được cải thiện, gu thẩm mỹ và sở thích thời trang đa dạng... đã trở thành thị trường tiêu thụ đầy triển vọng cho mặt hàng dệt may Việt Nam.
Các nước châu Phi, nhất là Nam Phi, Nigeria, Kenya, là những nước có nhu cầu lớn về hàng dệt may, giày dép. Việt Nam là một trong 8 quốc gia XK hàng dệt may lớn trên thế giới, song giá trị XK của nhóm hàng này sang châu Phi còn khá khiêm tốn, trong khi Việt Nam hoàn toàn có thể gia tăng XK hàng dệt may vào châu Phi, bởi mặt hàng này có những lợi thế cạnh tranh như chi phí lao động thấp hơn so với nhiều nước châu Á, trong khi kỹ năng, tay nghề may tốt và năng suất, chất lượng cao.
Tương tự, khu vực Nam Mỹ, cũng được xem là thị trường tiềm năng cho XK nhiều loại hàng hóa của Việt Nam, trong đó có nhóm hàng thời trang, đặc biệt là Brazil và Chi Lê. Hiện, dệt may và giày dép là hai nhóm mặt hàng XK lớn của Việt Nam sang Chi Lê nhưng kim ngạch còn thấp, do “rào cản” lớn nhất chính là giá cả, phải cạnh tranh mạnh với hàng Trung Quốc…
Điều nghịch lý là hàng may mặc của Việt Nam đang rất được thị trường thế giới ưa chuộng, nhưng tại thị trường nội địa những thương hiệu lớn của DN Việt gần như vắng bóng. Trong khi đó, nhiều DN nước ngoài lại nhận ra rằng, Việt Nam chính là thị trường tiềm năng của hàng may mặc thời trang.
Để lấp khoảng trống của thị trường, trong thời gian qua, hàng loạt nhãn hàng thời trang ngoại như Zara, H&M, Uniqlo… đổ bộ mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam và cảnh khách hàng “rồng rắn” xếp hàng chờ tới lượt mua sắm trong ngày khai trương cho thấy sức hút ngày càng mạnh mẽ của thời trang ngoại với người tiêu dùng (NTD) Việt. “Làm mưa làm gió” trong thời gian gần đây nhất chính là thương hiệu thời trang Uniqlo, một liên doanh đến từ Nhật Bản.
Cửa hàng bán lẻ đầu tiên của Uniqlo Việt Nam được mở vào năm 2019 ở TP Hồ Chí Minh và đến nay sau 3 năm hệ thống phân phối bán lẻ của Uniqlo ở Việt Nam đã phát triển lên tới 12 cửa hàng tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng và dự kiến sẽ tiếp tục mở thêm một số cửa hàng trong thời gian tới. Nhiều NTD cho biết, họ thích mua sản phẩm thời trang của thương hiệu này là do chất liệu vải mềm - nhẹ - mát, đường may sắc nét, đặc biệt nhất là mẫu mã, kiểu dáng thiết kế thời trang rất đa dạng, phù hợp với thị hiếu của khách hàng, nhưng giá mới là điều bất ngờ. Giá sản phẩm chỉ cao hơn một chút so với mặt bằng chung của các sản phẩm may mặc sản xuất trong nước.
Tương tự, Zara một thương hiệu thời trang ngoại cũng được NTD Việt săn đón và ưu ái trong thời gian qua do sản phẩm có giá tương đương so với sản phẩm Việt cùng loại, nhưng sự khác biệt lớn nhất đó là phần lớn quần áo của Zara được mô phỏng từ các thiết kế của các nhãn hiệu cao cấp, mẫu mã thiết kế thời trang luôn được cập nhật và thay đổi liên tục, nên khách hàng cảm thấy lúc nào cũng có thể mua được những bộ trang phục hợp mốt, mà giá cả không hề đắt đỏ như những hãng thời trang khác.
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh nhìn nhận: Trước đây, một số DN ngoại như H&M, Zara… vào thị trường Việt Nam mức độ cạnh tranh chưa lớn lắm, nhưng gần đây thương hiệu Uniqlo cạnh tranh rất mạnh do chất lượng sản phẩm tốt, mẫu mã tương đối phù hợp với người Việt, đặc biệt là giá cả tương đối, vừa phải, nên NTD rất quan tâm. Trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của các thương hiệu ngoại tại thị trường nội địa, rất hy vọng các DN may mặc của Việt Nam cũng nhìn đó mà học hỏi, cải thiện mình để phát triển, cạnh tranh. Cụ thể, DN Việt Nam phải cải thiện chất lượng sản phẩm, thiết kế mẫu mã phù hợp và đặc biệt là giá cả vừa phải.
Nguồn: Cand.com.vn