Khó chồng khó
Trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành da giày đã vượt kế hoạch đặt ra, tăng trưởng 14% và theo số liệu mới nhất 7 tháng là tăng trưởng 13%, đạt trên 14 tỷ USD. Mức tăng trưởng này là tăng đều các thị trường trọng điểm như thị trường Bắc Mỹ tăng trưởng 24%; thị trường EU tăng 17,5%...
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chia sẻ về những khó khăn của ngành dệt may, da giày, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, thị trường EU và Hoa Kỳ đang giảm sút về nhu cầu tiêu dùng. Đây là những thị trường xuất khẩu chủ lực của da giày Việt Nam nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức mua trong những tháng cuối năm.
“Ngoài ra da giày đang tồn kho khá lớn, hiện tồn kho do gián đoạn chuỗi cung ứng tác động đến tồn kho tiêu thụ hàng hoá khiến đơn hàng cuối năm có phần chững lại. Đặc biệt các đơn hàng từ nay đến quý I/2023 của các doanh nghiệp da giày đã gần như bị suy giảm”, bà Phan Thị Thanh Xuân cho hay.
Tương tự, ngành dệt may - một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cũng đối diện nhiều khó khăn. Ông Vương Đức Anh - Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, Tập đoàn cũng đã có đánh giá chung cho 6 tháng cuối năm. “Chúng ta có thể nhìn thấy những rủi ro, tình hình lạm phát và những căng thẳng trên thế giới khiến nhu cầu tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng”, ông Vương Đức Anh đánh giá.
Đại diện Tập đoàn dệt may Việt Nam cho biết, đối với ngành may, những khó khăn xuất hiện khi nhu cầu 6 tháng cuối năm có thể sụt giảm khi tình trạng quá mua ở các thị trường còn tồn tại. Đơn cử như tháng 3 vừa qua Uỷ ban châu Âu đã thông qua một Chiến lược phát triển bền vững và tuần hoàn dệt may của EU. Các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của họ trong chuỗi giá trị, kể cả khi chúng trở thành chất thải. Đây cũng là một khó khăn, thách thức cho ngành dệt may khi những yêu cầu được luật hoá.
Ngành dệt may đối diện nhiều thách thức trong nửa cuối năm 2022.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, ngành dệt may Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức trước mắt khi nguy cơ tái bùng phát bởi các biến chủng COVID-19 mới vẫn đang hiện hữu. Nhiều thị trường là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch, ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm dệt may của Việt Nam.
Bên cạnh đó, lạm phát cao tại các thị trường tiêu thụ dệt may lớn của Việt Nam như Mỹ, EU… và diễn biến phức tạp của xung đột Nga - Ukraine khiến giá nguyên, nhiên phụ liệu tăng cao liên tục từ đầu năm đến nay. Cụ thể, giá bông tăng 19,1%; giá dầu thô tăng 40%; giá xăng trong nước tăng 67%; chi phí vận tải cao gấp 3 lần so với bình quân 5 năm trở lại đây… làm cho chi phí của doanh nghiệp tăng khoảng 20 - 25%.
“Cũng phải nói thêm rằng, bất lợi về tỷ giá với các đối thủ cạnh tranh, tình trạng thiếu lao động sau đại dịch, yêu cầu truy soát nguồn gốc bông, vải, sợi hay xanh hóa dệt may từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới cũng là những thách thức mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt”, ông Vũ Đức Giang cho hay.
Đa dạng thị trường xuất khẩu, tận dụng FTA
Để cứu vãn tình trạng suy giảm đơn hàng, giới chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất không nên tập trung tại một số thị trường, mà cần đa dạng hoá thị trường từ nguồn cung cho đến các thị trường xuất khẩu.
Theo ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), doanh nghiệp cần khai thác tốt các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết để hưởng ưu đãi về thuế quan, nhằm tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Ông Lê Hoàng Tài nhấn mạnh, hiện nhiều nước đang triển khai các gói kích thích kinh tế, kích cầu tiêu dùng, qua đó gia tăng nhu cầu hàng nhập khẩu. “Chính vì vậy, thời gian tới xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường đã có hiệp định thương mại tự do được dự báo sẽ khả quan, xuất khẩu tiếp tục được kỳ vọng là điểm sáng của nền kinh tế, đảm bảo việc làm cho người lao động và giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, đại diện Cục Xúc tiến thương mại cho hay.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam đề xuất, các doanh nghiệp sản xuất không nên tập trung một số thị trường mà cần đa dạng hoá thị trường từ nguồn cung cho đến các thị trường xuất khẩu.
Cũng theo bà Phan Thị Thanh Xuân, cần có chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Ngành da giày mới chỉ sản xuất được các dòng sản phẩm có chất lượng mới ở mức trung bình của thế giới, nếu chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng, tay nghề của đội ngũ lao động được nâng lên thì sẽ đem lại giá trị cao hơn cho sản phẩm.
“Chúng ta cũng cần tập trung phát triển dòng nguyên phụ liệu hướng tới phát triển bền vững, như môi trường xanh, sạch để bắt kịp với xu hướng của thế giới, vừa đảm bảo ổn định cho ngành sản xuất, vừa gia tăng cơ hội tiếp cận chuỗi cung ứng một cách bền vững”, đại diện Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam đề xuất.
Ông Vương Đức Anh - Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay, đối với hoạt động xuất khẩu nói chúng và xuất khẩu dệt may nói riêng, có Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 về Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, chiến lược đó vẫn chưa quy định cụ thể mục tiêu mà 2 ngành dệt may và da giày cần phải hướng tới trong thời gian tới.
“Chúng tôi mong muốn có 1 chiến lược trong giai đoạn 2025 đến 2030 cho ngành dệt may và da giày theo định hướng của Chính phủ để 2 ngành này phát triển theo hướng nào, phát triển ở đâu, ngành dệt may Việt Nam phát triển như thế nào để duy trì tính bền vững của xuất khẩu”, đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam kiến nghị.