Tổng cầu thế giới suy giảm chưa đáng lo bằng ‘barie’ tiêu chuẩn xanh
Những khó khăn về nhu cầu suy giảm do lạm phát tăng nóng ở các thị trường lớn như Mỹ, EU không đáng sợ bằng việc hàng xuất khẩu của Việt Nam không đáp ứng được, hoặc không vượt qua được hàng rào về tiêu chuẩn xanh gắn với bảo vệ môi trường. Đây cũng là thách thức mới đòi hỏi các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước có chiến lược bài bản để thích ứng.
Theo báo cáo của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trong năm 2020, khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Việt Nam đã vượt Bangladesh trở thành quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 2 trên thế giới chỉ sau Trung Quốc. Đến năm 2021, khi các quốc gia tiêu thụ dệt may lớn như Mỹ, EU bao phủ được vắc xin thì nhu cầu trở lại rất nhanh.
Nguy cơ bị phạt, mất chỗ đứng trong chuỗi cung ứng
Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu của hàng dệt may Việt Nam cũng có sự cải thiện. Trong năm 2021, ngành dệt may xuất khẩu 40 tỷ USD, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) trong năm 2021 cũng đạt được lợi nhuận cao nhất trong lịch sử 26 năm hình thành với gần 1.500 tỷ đồng lợi nhuận.
|
Ngành dệt may Việt Nam lo ngại trước các quy định mới về môi trường, giảm khí thải nhà kính (Ảnh: Int).
|
Tiếp đà của năm 2021, đến năm 2022, giai đoạn 6 tháng đầu năm, thị trường vẫn có nhu cầu, lợi nhuận Vinatex đạt 981 tỷ và vượt kế hoạch 3%. Doanh thu xuất khẩu đạt hơn 10.000 tỷ và tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, về 6 tháng cuối năm 2022, ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Vinatex đề cập tới nỗi lo về lạm phát cao ở Mỹ hay EU có thể khiến tăng trưởng xuất khẩu dệt may chậm lại. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, Vinatex cũng nhìn thấy tốc tăng trưởng việc làm của Mỹ vẫn rất tốt, trong tháng 7 vừa qua vẫn tạo ra hơn 500.000 việc làm, trong khi bình quân duy trì tăng thêm 300.000 - 400.000 việc làm/tháng.
“Cũng do lạm phát nên người dân Mỹ khi tham gia khảo sát các ý kiến đều muốn cắt giảm chi tiêu, nhưng thực tế theo dõi đến các chỉ số khác như doanh thu bán lẻ hay sức mua hàng tiêu dùng của người dân Mỹ thì chưa thực sự như vậy”, ông Đức Anh chia sẻ.
Với tình hình lạm phát, ông Đức Anh cho rằng cần phải nhìn vào thực tế, người dân họ có giảm tiêu dùng thực thực sự hay không, bởi vì chúng ta sẽ đánh giá về câu chuyện tồn kho trong tiêu thụ hàng hoá của các thị trường xuất khẩu lớn đối với các mặt hàng tiêu dùng, trong đó có mặt hàng may mặc trong 6 tháng cuối năm.
Mặt khác, Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Vinatex đặt ra mối lo còn lớn hơn cả lạm phát, đó chính là sản phẩm may mặc phải đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh. Cụ thể, tháng 3 vừa qua, Uỷ ban châu Âu đã thông qua Chiến lược phát triển bền vững và tuần hoàn dệt may của EU. Các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của họ trong chuỗi giá trị, kể cả khi chúng trở thành chất thải; và đây cũng là một khó khăn, thách thức cho ngành dệt may khi những yêu cầu được luật hoá.
“Đây là khó khăn thách thức còn hơn cả lạm phát, một khi đã kinh doanh, doanh nghiệp phải chấp nhận đối mặt với những biến động, thách thức về thị trường ngay cả thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, có lúc nhu cầu về 0. Tuy nhiên, đối với tiêu chuẩn xanh – đây là điểm mới, trước kia tiêu chí này được đánh giá là điểm cộng của nhà cung ứng, nhưng sắp tới khi được luật hóa nếu không đáp ứng được thì doanh nghiệp sẽ bị phạt và chính các đối tác mua hàng của mình cũng sẽ bị phạt”, ông Đức Anh chia sẻ.
Trước thực tế trên, đại diện Vinatex kiến nghị đối với hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu dệt may nói riêng, dù có Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 về Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, nhưng chiến lược đó vẫn chưa quy định cụ thể mục tiêu mà 2 ngành dệt may và da giày cần phải hướng tới trong thời gian tới.
“Chúng tôi mong muốn có một chiến lược trong giai đoạn 2025 - 2030 cho ngành dệt may và da giày theo định hướng của Chính phủ để 2 ngành này phát triển theo hướng nào, phát triển ở đâu, ngành dệt may Việt Nam phát triển như thế nào để duy trì tính bền vững của xuất khẩu”, ông Đức Anh nói và lấy ví dụ như Trung Quốc có mục tiêu chiến lược trong từng giai đoạn cụ thể để các doanh nghiệp bám theo và phát triển.
Tương tự với ngành da giày, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam, nhận định vấn đề tồn kho của ngành đang khá lớn. Hiện, tồn kho do gián đoạn chuỗi cung ứng tác động đến tồn kho tiêu thụ hàng hoá khiến đơn hàng cuối năm sẽ có phần chững lại. Các đơn hàng từ nay đến quý I/2023 của các doanh nghiệp da giày đã gần như bị suy giảm.
Tuy nhiên, bà Xuân kỳ vọng, với lợi thế của các FTA thì khi tổng cầu của thế giới giảm nhưng các đơn hàng dịch chuyển cho Việt Nam sẽ vẫn được duy trì tốt như giai đoạn chúng ta chống dịch COVID-19 tốt thì các đơn hàng suy giảm không đáng kể.
Và khó khăn, thách thức lớn nhất của ngành da giày cũng chính là phát triển bền vững, khi tham gia các FTA thế hệ mới đó là bắt buộc chúng ta phải tuân thủ các quy định về môi trường, lao động. Đây là những yêu cầu được đưa ra rất ngặt nghèo, khắt khe.
Chiến lược thích ứng của doanh nghiệp và Chính phủ
Bà Xuân giải thích thêm: Nghĩa là khi thực hiện các cam kết FTA, các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, nhưng các hàng rào phi thuế quan sẽ được dựng lên. Như Vinatex đã chia sẻ, Đức sẽ đưa ra các đạo luật mới về thẩm định trách nhiệm của các chuỗi cung ứng; hay EU sẽ áp dụng việc đánh thuế đối với phát thải khí CO2 trên mỗi đơn vị sản phẩm.
“Trong thời gian tới, các thách thức trên sẽ đặt ra đối với các quốc gia tham gia chuỗi cung ứng, trong đó có Việt Nam. Vì thế, các doanh nghiệp phải nắm bắt được thông tin để có sự chuẩn bị và có chiến lược hoạt động sẵn sàng, phù hợp. Theo tôi, đây cũng là khó khăn lớn nhất, đặc biệt là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ”, bà Xuân chia sẻ.
Để giải quyết và ứng phó với các thách thức, về phía Hiệp hội, bà Xuân kiến nghị các doanh nghiệp sản xuất không nên tập trung một số thị trường mà cần đa dạng hoá thị trường từ nguồn cung cho đến các thị trường xuất khẩu.
Đặc biệt, đối với phát triển nguyên phụ liệu, ngành da giày cần tập trung phát triển dòng nguyên phụ liệu hướng tới phát triển bền vững như môi trường xanh, sạch để bắt kịp với xu hướng của thế giới, vừa đảm bảo ổn định cho ngành sản xuất, vừa gia tăng cơ hội tiếp cận chuỗi cung ứng một cách bền vững.
“Và tôi cũng đồng ý với đề xuất của Vinatex đó là về Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày đang được soạn thảo cần sớm được phê duyệt, qua đó có hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp hai ngành xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp trong giai đoạn tới đây”, bà Xuân nhấn mạnh.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương, bên cạnh thuận lợi khi cắt giảm thuế quan thì các FTA đặt ra nhiều tiêu chuẩn cao về hàng rào kỹ thuật cho các sản phẩm. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chuẩn cao của các thị trường đó thì mới có thể tham gia các "sân chơi" này.
Cụ thể như thị trường nông sản thì phải đáp ứng về an toàn thực phẩm. Hay các quy tắc xuất xứ trong lĩnh vực dệt may. Thêm một yêu cầu nữa mà các FTA đặt ra khó khăn cho các doanh nghiệp là tiêu chuẩn lao động, như không có lao động trẻ em, trong khi đâu đó chúng ta vẫn có lao động trẻ em. Rồi các sản phẩm phải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường như sản phẩm dệt may phải tái chế, tái sử dụng được. Ngoài ra, còn về vấn đề sở hữu trí tuệ…
“Tất cả những điều này khiến chi phí của doanh nghiệp tăng lên, đầu tư tăng lên nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp vươn lên, trưởng thành, nâng cao được năng lực cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng với điều kiện doanh nghiệp phải có chiến lược phát triển, biến thách thức thành cơ hội, nếu không ngược lại sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp trong thời gian tới", ông Phương nhấn mạnh.
Nhật Linh
Nguồn: Vnbusiness.vn