Gặp rủi ro vì nhập nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc
Doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng khá tốt thế mạnh của các hiệp định thương mại tự do để xuất khẩu, song lại chưa tận dụng tốt cơ hội nhập khẩu từ EU.
Bộ Công Thương cho biết từ năm 2017 đến nay, Trung Quốc (TQ) luôn ở vị trí dẫn đầu về kim ngạch nhập khẩu vào Việt Nam (VN) trong tổng số thị trường nhập khẩu. Trong bảy tháng đầu năm nay, TQ tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của VN với kim ngạch ước tính đạt 72,45 tỉ USD, tăng hơn 14,5% so với cùng kỳ năm trước.
Hàng hóa nhập từ TQ chủ yếu là nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất như máy móc, thiết bị, điện tử và linh kiện; nguyên phụ liệu dệt may, da giày; linh kiện, phụ tùng ô tô; phân bón các loại...
Có thời điểm không có nguyên liệu sản xuất
Từ nhiều năm nay các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp… thường xuyên kêu gọi phải gia tăng tỉ lệ nội địa hóa, chủ động nguồn nguyên vật liệu trong nước để giảm thiểu rủi ro. Thế nhưng thực tế, việc sản xuất, kinh doanh trong nước vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là từ thị trường TQ.
|
Dệt may là một trong những ngành phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập từ Trung Quốc. Ảnh: AH
|
Chính sự bất cập, hạn chế này đã gây ra không ít khó khăn cho các công ty Việt mà rõ nhất là trong hai năm đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp vừa qua. Có thời điểm hàng loạt công ty ngành dệt may, da giày, điện tử… của VN trong tình trạng gần như không đủ nguyên liệu để sản xuất do TQ áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt trong phòng chống dịch, dẫn đến nguồn cung bị đứt gãy.
Ông Vũ Văn Tuyến, Giám đốc Công ty Tuấn Nam VP (Hà Nội), chuyên nhập khẩu phụ tùng ô tô từ TQ, cho biết đã từng trải qua những thời điểm khó khăn chồng chất vì việc nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu từ TQ.
“Thông thường nhập khẩu một lô hàng mất khoảng 45 ngày thì trong thời gian dịch COVID-19 kéo dài đến ba, bốn tháng. Thời gian nhập hàng kéo dài đã gây thiệt hại rất lớn cho công ty. Tiền bị tồn đọng vì khi đặt hàng đã phải đặt trước 50% giá trị hợp đồng, trong khi đó phần lớn là tiền đi vay, phải tính lãi suất. Rồi hàng không về kịp, không có để giao cho khách, đối thủ đã nhảy vào giành mất thị phần” - ông Tuyến nói.
Chủ động nguyên liệu
Bộ Công Thương cho biết từ nay đến cuối năm, bộ sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các địa phương; tháo gỡ các nút thắt nhằm đẩy mạnh sản xuất, nhất là các nguyên vật liệu đầu vào, kiểm soát nhập khẩu và chủ động nguồn cung trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu.
Thấy được những hạn chế khi chỉ tập trung nhập hàng từ một thị trường, Công ty Tuấn Nam VP buộc phải mở rộng mạng lưới nhập khẩu sang Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan để bảo đảm nguồn cung hàng hóa luôn dồi dào, không bị đứt gãy trong các tình huống bất ngờ. Cùng với đó, công ty định hướng tự sản xuất phụ tùng để cung ứng cho thị trường, giảm bớt nhập khẩu.
Bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa VN, cũng cho hay đối với ngành nhựa, nguyên liệu nhập khẩu nhiều nhất từ Hàn Quốc, Thái Lan, các nước Trung Đông và TQ. Riêng nhựa bán thành phẩm thì TQ là thị trường cung cấp lớn nhất cho VN.
“Trong giai đoạn dịch COVID-19 căng thẳng, các công ty nhập nhựa bán thành phẩm từ TQ gặp khó khăn tương tự như nhiều ngành nghề khác, hàng về đứt quãng. Chính vì vậy, các công ty đang nỗ lực tìm các thị trường khác để bổ sung như Thái Lan, Malaysia…” - bà Mỹ cho hay.
Thị trường TQ vẫn còn là ẩn số
Đại diện một công ty ngành dệt may thừa nhận việc phụ thuộc vào vài thị trường gặp rất nhiều rủi ro nhưng TQ ở gần VN, chi phí logistics, vận chuyển hàng hóa rẻ hơn so với các thị trường khác. Tuy nhiên, nếu phụ thuộc quá nhiều vào vài thị trường thì các công ty Việt sẽ gặp nhiều khó khăn nếu chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải đa dạng hóa nguồn cung. Chính phủ cần có chính sách tài khóa hoặc hỗ trợ tín dụng để nhà sản xuất, kinh doanh đa dạng hóa các thị trường tiếp cận. Thị trường TQ vẫn là ẩn số, chưa biết thế nào, trong khi đại dịch vẫn bùng phát ở một số nơi”.
Tiếp tục chia sẻ, nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay từ sau đại dịch, trong các diễn đàn kinh tế thế giới, các chuyên gia đều nhấn mạnh rằng cần phải xem xét lại một số hoạt động của chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là địa chính trị, địa kinh tế. Bối cảnh đặt ra phải xây dựng các chuỗi cung ứng khu vực, cụ thể là xây dựng những chuỗi cung ứng có quan hệ thương mại, chính trị chặt chẽ với nhau. Bên cạnh đó cần đẩy nhanh công nghiệp hỗ trợ, giảm thiểu tính gia công, lắp ráp để giảm phụ thuộc nhập khẩu.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày, túi xách VN, cũng cho rằng VN đã tận dụng tốt thế mạnh của các hiệp định thương mại tự do để xuất khẩu, song lại chưa tận dụng tốt cơ hội nhập khẩu từ các thị trường này, đặc biệt là EU. “EU có những nguồn nguyên phụ liệu có giá trị cao để sản xuất các mặt hàng giày dép ở mức cao hơn; hay như việc nhập khẩu các thiết bị, công nghệ mới vì trong bối cảnh hiện nay cả thế giới đang hướng tới sản xuất bền vững và sử dụng công nghệ xanh, sạch” - bà Xuân nói.•
Nhập khẩu từ Trung Quốc ngày càng nhiều
Bộ Công Thương cho biết năm 2017 kim ngạch nhập khẩu từ TQ đạt 58,23 tỉ USD, trong đó nhập siêu từ thị trường này 22,76 tỉ USD. Con số này của năm 2020 tăng lên mức 84,2 tỉ USD, chiếm 32% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của VN.
Bước sang năm 2021, TQ vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của VN với kim ngạch đạt 109,9 tỉ USD, chiếm 33,1% trong tổng nhập khẩu của VN từ thế giới. Nhập siêu từ TQ có giá trị 53,9 tỉ USD.
Còn theo số liệu của Tổng cục Hải quan, sáu tháng đầu năm nay, nhập khẩumáy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 43 tỉ USD thì thị trường TQ chiếm tỉ trọng lớn nhất với 12,5 tỉ USD.
Nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu cho ngành dệt may da giày đạt 14,71 tỉ USD, tăng 8,7% (tương ứng tăng 1,17 tỉ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, TQ tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho VN, chiếm tỉ trọng 53%, với 7,76 tỉ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngân hàng HSBC mới đây lưu ý gián đoạn chuỗi cung ứng ở TQ khiến các công ty sản xuất VN gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho hoạt động xuất khẩu trong tương lai.
AN HIỀN
Nguồn: Plo.vn