Những yêu cầu mới đối với sản phẩm dệt may tại thị trường Bắc Âu

Theo quy định tại phiên bản mới nhất của Nhãn sinh thái thiên nga Bắc Âu, các sản phẩm dệt may phải tuân thủ nhiều yêu cầu hơn về thiết kế và hóa chất, với chất lượng và tuổi thọ cao hơn.

nhan sinh thai Bac Au

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cập nhật thông tin về những yêu cầu mới tại phiên bản mới nhất của Nhãn sinh thái thiên nga Bắc Âu đối với sản phẩm dệt may kinh doanh và tiêu dùng tại khu vực thị trường này.

Nhãn sinh thái thiên nga Bắc Âu là nhãn sinh thái chính thức của tất cả các nước Bắc Âu: Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan. Cơ quan Nhãn sinh thái Bắc Âu nỗ lực trong việc giảm tác động môi trường từ sản xuất và tiêu dùng, đồng thời giúp người tiêu dùng và người mua dễ dàng lựa chọn hàng hóa và dịch vụ tốt nhất cho môi trường.

Trung bình, mỗi người dân Bắc Âu mua 13–16 kg hàng dệt may mới mỗi năm.

Cơ quan Nhãn sinh thái Bắc Âu hiện đưa ra các yêu cầu tham vọng hơn nhằm thúc đẩy ngành dệt may thay đổi, phát triển theo hướng bền vững và tuần hoàn hơn nữa. Bà Cathrine Pia Lund, Giám đốc điều hành của Cơ quan Nhãn sinh thái ở Na Uy cho biết, hiện nay điều quan trọng là ngành công nghiệp phải chấp nhận thách thức và sử dụng các công cụ hiện có để làm cho quá trình thay đổi dễ dàng hơn. 

Dựa trên các tiêu chí của Chiến lược dệt may của EU, trong phiên bản 5.0 Nhãn sinh thái Bắc Âu, các sản phẩm phải tuân thủ nhiều yêu cầu hơn về thiết kế và hóa chất, các yêu cầu nghiêm ngặt về môi trường trong tất cả các công đoạn liên quan của vòng đời sản phẩm; trong đó có một số yêu cầu mới quan trọng nhất cần lưu ý.

Thiết kế để tái chế

Để đảm bảo rằng hàng dệt may được thiết kế để tái chế, nhãn sinh thái Bắc Âu đưa ra các yêu cầu nghiêm ngặt đối với các hóa chất không mong muốn và cấm sử dụng các bộ phận bằng nhựa và kim loại chỉ có mục đích trang trí. Ngoài ra, có thể sử dụng vải tái chế mà đáp ứng được một số yêu cầu cho việc thiết kế lại.

Cấm đốt quần áo không bán được

Để tránh sản xuất thừa, nhãn sinh thái Bắc Âu cấm đốt hoặc chôn lấp quần áo không bán được. Ngoài ra, các nhà sản xuất phải báo cáo Cơ quan Nhãn sinh thái Bắc Âu việc xử lý sản phẩm dư thừa.

Yêu cầu khắt khe hơn đối với sợi tự nhiên và sợi tổng hợp

Sợi dệt phải là sợi hữu cơ, tái chế hoặc có nguồn gốc sinh học. Bông được sử dụng trong quần áo dán nhãn sinh thái Bắc Âu không được làm từ sản phẩm biến đổi gien (GMO) và phải là 100% hữu cơ hoặc tái chế. Len phải được chứng nhận hữu cơ hoặc tái chế.

Đối với quần áo bảo hộ lao động, các yêu cầu riêng được áp dụng. Sợi tổng hợp phải được tái chế hoặc làm từ nguyên liệu thô tái tạo. Sợi cellulose phải được chứng nhận FSC (Hội đồng quản lý rừng) hoặc PEFC (Chứng nhận tiêu chuẩn rừng).

Độ bền và chất lượng cao hơn

Vải dệt phải được thử nghiệm để đảm bảo các tiêu chí mới về độ bền như độ mài mòn, độ phai màu, độ giãn đứt, độ bền đường may, cũng như độ bền màu khi tiếp xúc với mồ hôi và nước bọt. Các bài kiểm tra này dựa trên tiêu chuẩn ISO.

Ngoài ra, các yêu cầu khắt khe hơn về độ đàn hồi, độ co được đưa ra, cùng với độ bền màu khi tiếp xúc với ánh sáng được mở rộng cho một số nhóm sản phẩm (ví dụ: đồ bơi, quần áo ngoài trời) và độ vón kết (bao gồm cả lông cừu).

Hóa chất

Trong số các hóa chất sẽ bị cấm trong phiên bản mới có chất CMR (chất gây ung thư, đột biến, hoặc ảnh hưởng đến khả năng sinh sản) và hóa chất có chứa silicon. Ngoài ra, các yêu cầu cụ thể được đặt ra đối với VOCs (các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi) trong phôi tryp, PFA, chất diệt khuẩn và chất kháng khuẩn, thuốc nhuộm phức hợp kim loại và bột màu.

Thực hiện các kỹ thuật tốt nhất hiện có (BAT)

Nhà sản xuất sản phẩm dệt may phải chứng minh rằng năng lượng được sử dụng, ví dụ, giặt, sấy, tẩy trắng và bảo dưỡng liên quan đến nhuộm, in và hoàn thiện hàng dệt, được đo và so sánh với mức BAT hoặc các số liệu riêng, trước khi thực hiện các kỹ thuật cải thiện hiệu quả.

Điều này có nghĩa là lượng nước tiêu thụ liên quan đến các quy trình ướt, ví dụ như nhuộm, in và hoàn thiện hàng dệt, phải được đo lường. Ngoài ra, phải có tài liệu chứng minh rằng các cơ sở sản xuất đã thực hiện tối thiểu các kỹ thuật hoặc sáng kiến sử dụng nước và năng lượng hiệu quả BAT hoặc tự sản xuất năng lượng mặt trời.

Yêu cầu đối với vi nhựa

Các nhà sản xuất phải đo lường bao nhiêu vi nhựa được phát tán ra khi giặt hàng dệt tổng hợp. Điều này phải được đo lường bằng một phương pháp thử nghiệm tiêu chuẩn hóa và Cơ quan nhãn sinh thái Bắc Âu khuyến khích kết quả được báo cáo cho Tổ chức Microfibre với mục tiêu thiết lập giá trị giới hạn theo thời gian.

Môi trường làm việc phải tuân thủ các quy ước của ILO

Các cơ sở sản xuất hàng dệt may dán nhãn sinh thái Bắc Âu phải tuân thủ các công ước của ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên hợp quốc), trong đó, cấm lao động cưỡng bức, lao động trẻ em và phân biệt đối xử, đồng thời đặt ra các yêu cầu về tiền lương và giờ làm việc hợp lý. Cơ quan Nhãn sinh thái Bắc Âu cũng tổ chức kiểm tra thực tế tất cả các cơ sản sản xuất, bất kể chúng ở đâu trên thế giới.

Hiện, chúng tôi đang tăng cường các yêu cầu về thiết kế và quy trình sản xuất sản phẩm để tăng chất lượng và tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may”, Bà Anne-Grethe Henriksen, Giám đốc tiếp thị và truyền thông của Cơ quan nhãn sinh thái Bắc Âu ở Na Uy cho biết.

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/