Tuy vậy, trao đổi với phóng viên, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, 6 tháng cuối năm, ngành dệt may sẽ đối diện với nhiều khó khăn mới, nhất là những biến động từ thị trường. Song ngành dệt may vẫn quyết tâm hướng tới mục tiêu xuất khẩu cả năm đạt 43 tỷ USD.
Xuất siêu 8,86 tỷ USD trong 6 tháng
|
Ông Vũ Đức Giang. |
Phóng viên (PV): Các số liệu nửa đầu năm 2022 của ngành dệt may cho thấy những nét lạc quan. Ông đánh giá thế nào về các kết quả trên?
Ông Vũ Đức Giang: 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu dệt may đã trải qua những cung bậc khá khác biệt. 3 tháng đầu năm triển vọng xuất khẩu rất khả quan; 2 tháng tiếp theo, tình hình vẫn tương đối tốt nhưng tới tháng 6 bắt đầu xuất hiện khó khăn khi nhu cầu tiêu thụ dệt may trên toàn cầu sụt giảm. Cụ thể, nửa đầu năm 2022, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc là 5 thị trường xuất khẩu hàng đầu của dệt may Việt Nam; trong đó Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm 40% thị phần. Kinh tế Mỹ suy giảm, lượng tồn kho lớn; sức mua của thị trường EU, Nhật Bản cũng giảm, gây ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu dệt may Việt Nam trong cuối quý II, đầu quý III. Một vấn đề đáng lưu ý là thị trường EU đã đưa ra chính sách sử dụng sản phẩm tái chế. Yếu tố đáng chú ý nữa là giá nguyên liệu, nhiên liệu, phụ liệu liên tục tăng cao làm cho chi phí của DN dệt may tăng khoảng 20-25%.
Kết quả, nửa đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt khoảng 22,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là hàng may mặc, vải, xơ sợi, phụ liệu dệt may, vải không dệt. Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu, phụ liệu dệt may 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 13,4 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2021. Với kết quả trên, toàn ngành dệt may xuất siêu 8,86 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, đây là nỗ lực lớn của các DN dệt may Việt Nam.
|
Sản xuất tại Nhà máy Sợi Yên Mỹ, Công ty TNHH MTV Dệt 8-3 tại tỉnh Hưng Yên. Ảnh: QUANG NAM |
PV: Ngoài những kết quả sản xuất, kinh doanh thì thời gian qua, việc đổi mới công nghệ, xanh hóa của ngành dệt may đã đạt được những kết quả bước đầu. Vậy ngành dệt may đang ở đâu trong tiến trình này, thưa ông?
Ông Vũ Đức Giang: Xanh hóa ngành dệt may là xu thế toàn cầu, bắt buộc DN phải triển khai để đạt mục tiêu phát triển bền vững và gia tăng xuất khẩu vào các thị trường lớn đã ký hiệp định thương mại tự do. Nhận thức rõ vấn đề này, chương trình xanh hóa ngành dệt may Việt Nam cũng đang được các DN đẩy mạnh. DN đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm đạt chuẩn mực theo yêu cầu khách hàng; tạo môi trường làm việc xanh; đầu tư sử dụng nguồn năng lượng tái tạo... Các DN cũng tập trung ứng dụng các giải pháp tự động hóa, quản trị số. Đây là xu thế tất yếu, tạo nên sự khác biệt và nền tảng cực tốt để thích ứng nhanh, đáp ứng đòi hỏi của thị trường, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững cho ngành. Như trong lĩnh vực sợi, đã có nhà máy đầu tư tự động hóa toàn bộ từ khâu đầu đến khâu cuối; trong công đoạn may, nhiều DN áp dụng tự động hóa ở nhiều công đoạn, một công nhân có thể đứng 3-4 máy; trong quản trị số, có khoảng 60% DN trong ngành đã quan tâm đầu tư.
Những thách thức từ thị trường giảm cầu
PV: Năm 2022, toàn ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đạt 43 tỷ USD. Như vậy, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm cũng còn rất nhiều thách thức, thưa ông?
Ông Vũ Đức Giang: Đây đúng là nhiệm vụ khá nặng nề. Như đã nói ở trên, tổng cầu hàng dệt may toàn cầu đã có những dấu hiệu sụt giảm, nhất là tại thị trường lớn là Mỹ và EU. Khảo sát, đánh giá của các nhà bán hàng, tổ chức quốc tế cho thấy, tại thị trường Mỹ, lạm phát cao khiến người dân hạn chế chi tiêu đáng kể, trong đó may mặc là mặt hàng được cắt giảm chi tiêu nhiều nhất. Đặc biệt, việc đồng euro mất giá sẽ làm giá thành hàng hóa lên cao. Trong bối cảnh người dân EU đang thắt chặt chi tiêu đã gây khó khăn cho các nước xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường này, chứ không riêng với ngành dệt may Việt Nam.
Ngoài ra, nguy cơ tái bùng phát dịch vẫn hiện hữu. Nhiều thị trường là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)... vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch, ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm dệt may của Việt Nam. Cùng với đó là tình trạng thiếu lao động sau đại dịch, yêu cầu truy xuất nguồn gốc bông, vải, sợi hay xanh hóa dệt may từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng là những thách thức mà DN dệt may Việt Nam đang phải đối mặt.
PV: Mục tiêu đặt ra rất lớn, đâu là những khuyến nghị dành cho các DN dệt may, thưa ông?
Ông Vũ Đức Giang: Để ổn định sản xuất, hướng tới mục tiêu bền vững trong thời gian tới, các DN cần bắt kịp xu thế thị trường, tiếp tục đầu tư thay đổi thiết bị công nghệ nhằm thích ứng được với yêu cầu từ các nước nhập khẩu, điển hình như yêu cầu về sản phẩm may mặc tái chế vào thị trường EU hiện nay. Đặc biệt, tăng cường giải pháp xây dựng đào tạo nguồn lực thích ứng với tình hình khó khăn của thị trường, nhất là chú trọng tới nguồn nhân lực thiết kế cho ngành công nghiệp thời trang. DN cũng cần mở rộng thêm thị trường để không quá phụ thuộc vào một vài thị trường xuất khẩu, dễ bị rủi ro, đứt gãy khi tình hình thế giới đang nhiều biến động và dịch Covid-19 vẫn diễn biến nguy hiểm, khó lường. Ví dụ, trong 6 tháng đầu năm, ngoài 5 thị trường truyền thống, các DN đã bắt đầu chuyển sang khai thác thị trường Trung Đông và châu Phi, điều này góp phần quan trọng để DN dệt may vượt qua khó khăn.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
KHÁNH AN (thực hiện)