TS Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế cho biết, 3 thị trường xuất khẩu dệt may chủ lực của Việt Nam là châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Đây cũng là 3 thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới, lần lượt là 34,1% thị phần toàn cầu, 16,8% và 5,3%.
Trên thực tế, ngành dệt may Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng của nền kinh tế. Nếu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 40,4 tỷ USD, chiếm 12% kim ngạch xuất khẩu cả nước, thì chỉ nửa đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt khoảng 23 tỷ USD, tăng 21,6 % so với cùng kỳ năm 2021.
Các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm vượt qua những rủi ro xuất khẩu dệt may trong bối cảnh thị trường diễn biến phức tạp
Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, ngành dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức. Ông Huỳnh Minh Vũ, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TPHCM cho biết, hiện nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường tiêu thụ dệt may lớn như Hoa Kỳ, EU giảm do ảnh hưởng của lạm phát. Diễn biến phức tạp của xung đột Nga – Ukraine khiến giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Ngoài ra, nguy cơ tái bùng phát dịch Covid-19 bởi các biến chủng mới vẫn đang hiện hữu. Điều này đã khiến cho nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm dệt may Việt Nam.
Ở góc độ khác, những ảnh hưởng do biến động tỷ giá trong hoạt động xuất nhập khẩu, tình trạng thiếu lao động sau đại dịch hay các yêu cầu truy xuất nguồn gốc bông, vải, sợi, yêu cầu xanh hóa dệt may từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới cũng tác động tiêu cực đáng kể đến hoạt động của ngành. Một yếu tố quan trong khác là doanh nghiệp dệt may nói riêng và doanh nghiệp xuất khẩu nói chung đối mặt nguy cơ bị điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Ông Phan Khánh An, Phó Trưởng phòng Pháp chế, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương nhấn mạnh, với việc hội nhập sâu rộng, Việt Nam đang tham gia và thực thi 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với khoảng 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Những ảnh hưởng từ việc gia tăng bảo hộ ngành sản xuất nội địa của các quốc gia nhập khẩu, cũng như tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế quan trong các FTA Việt Nam tham gia, sẽ làm gia tăng nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Tính đến nay, đã có hơn 210 vụ việc phòng vệ thương mại được điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường quốc tế. Riêng các sản phẩm dệt may, có 22 vụ việc, chủ yếu liên quan biện pháp chống bán phá giá và tự vệ, tập trung chính ở các quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ, Ấn Độ. Các vụ việc này đã phản ánh phần nào những khó khăn mà doanh nghiệp xuất khẩu dệt may Việt Nam đang gặp phải.
Không dừng lại đó, ngành dệt may của Việt Nam, đặc biệt là sợi tái chế chủ yếu xuất sang Trung Quốc (chiếm gần 60% kim ngạch xuất khẩu). Do đó, trong bối cảnh nước này vẫn đang thực hiện chính sách zero Covid nên có nguy cơ bị gián đoạn thị trường. Đại dịch Covid-19, ngành dệt may gặp nhiều khó khăn, có những lúc 60.000 công nhân phải tạm nghỉ việc. Ngoài ra, ngành dệt may vẫn chưa thoát được việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu đầu vào nhập khẩu. Hiện tỷ lệ nội địa hoá nguyên liệu đạt 55% toàn ngành.
Trên thực tế, hiện các doanh nghiệp chưa thể nhận đơn hàng dài hạn do dễ gặp rủi ro về đơn giá thấp không theo kịp sự tăng giá của nguyên phụ liệu đầu vào. Nhiều ý kiến doanh nghiệp cho rằng, cơ quan chức năng liên quan cần phải có chính sách khuyến khích đầu tư hoặc thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển nguyên phụ liệu. Riêng các doanh nghiệp trong nước vốn có nội lực yếu có thể liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp khác để mở rộng quy mô, tự chủ sản xuất, tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nhập khẩu.
MINH XUÂN