Giải “bài toán” thiếu nguyên liệu cho doanh nghiệp xuất khẩu

Dệt may, thủy sản, da giày, điện tử, gỗ và các sản phẩm từ gỗ… đang là các ngành có mức độ thiếu nguyên liệu lớn phục vụ cho sản xuất tại khu vực phía nam.

 
Doanh nghiệp thủy sản đang phải đối diện với bài toán thiếu nguyên liệu.
Doanh nghiệp thủy sản đang phải đối diện với bài toán thiếu nguyên liệu.

Doanh nghiệp lao đao do thiếu nguyên liệu

Công ty Cổ phần Thủy sản Lộc Kim Chi đang tất bật chuẩn bị các bước để có thể khai thác tối đa cơ hội vàng, là 1 trong 6 nhà máy vừa được hưởng mức thuế 0% khi xuất khẩu cá tra vào Mỹ. Tuy nhiên, do thiếu nguyên liệu nên chế biến được 100 tấn cá mỗi ngày, chỉ đạt 50% công suất.

Bà Ngô Thị Diệu Trinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Lộc Kim Chi, cho biết: "Nguồn nguyên liệu cá tra đang giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh. Giá thức ăn tăng nên bà con giảm lượng nuôi. Hai yếu tố này cộng hưởng khiến doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn”.

Số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, trong 6 tháng năm 2022, xuất khẩu tôm đạt 2,3 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vậy, xuất khẩu tôm đã ghi nhận mức giảm 1% sau khi liên tục tăng trưởng dương 2 con số trong 5 tháng trước đó. Thậm chí sang đến tháng 7/2022, thị trường còn tiếp tục khó hơn khi nhu cầu nhập khẩu của đối tác đang chững lại và doanh nghiệp bị “khủng hoảng” thiếu nguyên liệu trầm trọng.

Giải “bài toán” thiếu nguyên liệu cho doanh nghiệp xuất khẩu ảnh 1

Giá nguyên liệu cá tra khan hiếm và tăng cao.

Không chỉ thủy sản mà nhiều ngành xuất khẩu khác cũng đang đối diện với nhiều khó khăn. Đơn cử với dệt may, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh thông tin, dù sản xuất của nhiều doanh nghiệp dệt may khá khả quan, đơn hàng đã được ký đến hết quý III/2022, song nguồn cung ứng nguyên phụ liệu bị gián đoạn khiến doanh nghiệp dè dặt không dám mở rộng sản xuất. Cộng thêm áp lực chí phí đầu vào tăng cao, doanh nghiệp cũng phải tính toán căn cơ hơn.

Hiện nay, nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may và da giày nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, chiếm tỷ trọng khoảng 50-52%. Trong khi đó, các biện pháp chống dịch mạnh mẽ của phía bạn khiến việc nhập khẩu nguyên liệu không dễ dàng. Nhiều đối tác không chỉ giao hàng thiếu mà thời gian giao hàng cũng phải kéo dài do việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế tương đối khó khăn.

Không chỉ vậy, đứt gãy chuỗi nguyên liệu còn kéo theo đứt gãy chuỗi cung ứng cung cầu đang tạo áp lực rất lớn đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp. Chẳng hạn, ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm nay, nhưng con số này đang có nguy cơ không hoàn thành bởi giá thành sản phẩm khó cạnh tranh…

Giải pháp nào cho bài toán nguyên liệu?

Để đối phó tình trạng thiếu nguyên liệu, ngoài đẩy mạnh công nghệ vào sản xuất để hạ giá thành sản xuất thì mỗi doanh nghiệp cũng đang tìm hướng đi riêng nhằm tìm kiếm nguyên liệu như: Đàm phán với đối tác, giảm lợi nhuận để có thời gian luân chuyển nguyên liệu, từ đó linh hoạt thời hạn giao hàng.

Bà Trương Thị Thanh Bình, Giám đốc khối Kế hoạch kinh doanh, Công ty Cổ phần May Sài Gòn 3 chia sẻ, hiện công ty đang có hai thị trường lớn là Mỹ và Nhật Bản, tỷ lệ 60-40. Trong tình huống có sự cố đứt gãy nguồn cung ứng, doanh nghiệp cân đối bằng cách sẽ phải “thắt lưng buộc bụng” hơn để cân đối chi phí cùng với khách hàng. Đồng thời, chấp nhận lùi thời hạn giao hàng.

 

Với ngành dệt may, Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chia sẻ, việc xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh là không đơn giản. Dù vậy, ngành dệt may Việt Nam đang nỗ lực và cần tiếp tục tích cực hoàn thiện các khâu sản xuất đầu chuỗi, từng bước phát triển các mắt xích nguyên liệu (sợi, vải) để đáp ứng nhu cầu cho khâu may, bảo đảm khép kín chuỗi cung ứng.

Vinatex cũng liên tục cập nhật biến động nguyên phụ liệu đầu vào cho các doanh nghiệp thành viên. Song song với đó, nhập khẩu một lượng bông dự trữ nhất định cho các doanh nghiệp sợi với giá tốt, tránh những rủi ro về tăng giá.

Ngoài ra, với doanh nghiệp may mặc có làm hàng FOB, Vinatex cũng lưu ý việc nắm bắt tình hình thị trường, không nhận đơn hàng quá sớm, tránh những rủi ro về đơn giá thấp không theo kịp sự tăng giá của nguyên phụ liệu đầu vào.

Giải “bài toán” thiếu nguyên liệu cho doanh nghiệp xuất khẩu ảnh 2

Doanh nghiệp dệt may nỗ lực hoàn thiện chuỗi cung ứng.

Tương tự với ngành da giày, nhiều doanh nghiệp đã tăng đầu tư phát triển nguyên phụ liệu, cùng đó là liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp khác để mở rộng quy mô, tự chủ sản xuất, tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nhập khẩu.

Nhờ sự thay đổi tích cực đó, hiện tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu đạt 55% toàn ngành, cá biệt có những loại nguyên liệu nội địa, như giày vải đạt tỷ lệ nội địa hóa 100%, giày thể thao là 80%.

Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công thương đã và đang tích cực vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể như với vấn đề giá nhiên liệu, Bộ Công thương và các đơn vị liên quan đã rà soát và báo cáo Chính phủ đề xuất, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các loại xăng dầu.

Về nguyên liệu sản xuất, Bộ Công thương đã chỉ đạo các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tích cực tìm kiếm, cung cấp và cập nhật thường xuyên danh sách các nhà phân phối, sản xuất xuất khẩu nguyên phụ liệu cho các ngành dệt may, da giày, máy tính...

Trong dài hạn, Bộ Công thương đang tìm giải pháp để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng để khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu.

Nguồn:Nhandan.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/