Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may - thiết bị và nguyên phụ liệu 2022 (SaigonTex & SaigonFabric 2022) đã khai mạc sáng 27/7 tại TP.HCM. Đây là sự kiện quốc tế về ngành dệt may được tổ chức lại sau 2 năm gián đoạn do dịch Covid-19.
Triển lãm được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Sài Gòn (SECC) với quy mô diện tích gian hàng lên đến gần 10.000m2, thu hút sự tham dự của hơn 278 đơn vị triển lãm đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như: Đức, Hồng Kông, Đài Loan, Hồng Kông Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Pakistan, Singapore, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, và Việt Nam.
SaigonTex & SaigonFabric 2022 thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan trong ngày khai mạc.
Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), triển lãm năm nay quy tụ nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế, trong đó đa phần là các quốc gia có nền công nghiệp dệt may phát triển. Đây là cơ hội tốt giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp cận với những thế hệ công nghệ tiên tiến nhất, thiết bị hiện đại nhất, từ đó có thể xác định định hướng đầu tư trong thời gian tới.
Điểm mới của triển lãm năm nay là tập trung vào các loại máy may công nghiệp chất lượng cao, hệ thống công nghệ tự động hóa cao, cung cấp các giải pháp kỹ thuật số cho ngành may mặc. Các sản phẩm máy móc được trưng bày, giới thiệu tại triển lãm đều là những công nghệ mới, tiên tiến nhất trên thế giới; nguyên phụ liệu cũng đa dạng từ phụ kiện may mặc, vải, cho tới các nguyên phụ liệu khác.
Nhiều sản phẩm, máy móc được trưng bày, giới thiệu tại triển lãm đều là những công nghệ mới, tiên tiến.
Phát biểu khai mạc, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), cho biết: “Dệt may là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước. Trong định hướng phát triển ngành Công Thương, Bộ Công Thương luôn coi dệt may là một ngành quan trọng, không chỉ đóng vai trò là ngành sản xuất công nghiệp mang lại giá trị xuất khẩu cao, đứng thứ ba cả nước, mà còn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc ổn định an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm cho một lượng lớn người lao động với thu nhập cao hơn từ 2-3 lần so với lao động nông nghiệp. Ngành dệt may Việt Nam đang sử dụng khoảng 2,5 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 40 tỷ USD”.
Trong bối cảnh một số nước trên thế giới vẫn đang đóng cửa trong đó có Trung Quốc vẫn đang thực hiện chính sách zero Covid, thì SaigonTex & SaigonFabric 2022 thể hiện sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp ngành dệt may trên thế giới. Điều này được chứng minh qua số lượng khách tham quan lên đến hàng ngàn người ngay trong ngày khai mạc. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong ngành dệt may trong và ngoài nước gặp gỡ đối tác, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường.
Được biết, SaigonTex & SaigonFabric do Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) phối hợp cùng Công ty Triển lãm CP (Hong Kong) và Công ty TNHH Triển lãm CP Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Công Thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) và Hội Dệt May Thêu Đan TP. HCM (Agtek). Triển lãm sẽ mở cửa đón khách tham quan từ 27-30/07/2022.
Trong khuôn khổ triển lãm sẽ có một số hội thảo nhiều doanh nghiệp quan tâm như: Đánh giá tác động của chính sách kiểm soát phát thải khí carbon trên thế giới đến sản xuất và kinh doanh hàng dệt may; Giải pháp chuyển đổi số cho thách thức về nguồn nhân lực ngành dệt may; Truy xuất nguồn gốc nguyên liệu trước tác động của tình hình địa chính trị mới; Các biện pháp phòng vệ thương mại dệt may - da giày trong hiệp định thương mại tự do…
Nguồn: Vneconomy.vn