Kim ngạch xuất khẩu dệt may 6 tháng năm 2022 đạt hơn 22 tỷ USD cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành với mức tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này có được là do doanh nghiệp đã chủ động thích ứng, điều chỉnh phù hợp kế hoạch sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả. Cùng với đó, ngày càng tận dụng tốt các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và các Hiệp định thương mại tự do FTA, trong đó, một số hiệp định có ràng buộc về quy tắc xuất xứ đã thúc đẩy ngành công nghiệp dệt sợi trong nước phát triển.
Tuy nhiên, từ giữa quý 2, những biến động về thị trường, lạm phát trên thế giới đang khiến đà tăng trưởng này chậm lại. Theo đó, cầu dệt may đang có xu hướng giảm do lạm phát tăng, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu sau dịch ảnh hưởng lớn đến đơn hàng của các doanh nghiệp. Hiện tại, đa số doanh nghiệp mới ký đơn hàng đến hết quý 3, có đơn vị ký đến tháng 10. Một số ít các đơn vị đã đủ đơn hàng đến hết năm nhưng gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, 6 tháng đầu năm nay, kết quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty tương đối khả quan. Khách hàng ở thị trường Mỹ, Liên minh châu Âu có tốc độ phục hồi nhanh chóng, nhờ đó, số lượng đơn hàng tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nửa cuối năm, lạm phát tăng một số thị trường xuất khẩu quan trọng khiến sức mua hàng dệt may có xu hướng sẽ giảm.
Doanh nghiệp dệt may lo thiếu đơn hàng cuối năm?
Theo ông Thân Đức Việt, mặc dù Tổng công ty đã có đơn đặt hàng đến hết quý 3, một số mặt hàng thế mạnh đã có đơn hàng đến hết năm nhưng nếu thị trường tiêu thụ chậm, tỷ lệ tồn kho của các nhà nhập khẩu tăng thì khách hàng có thể điều chỉnh giảm hoặc hủy đơn đột ngột. Trong khi đó, ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch vẫn chưa được giải quyết, giá xăng dầu, chi phí nguyên liệu, nhiên liệu tăng khiến giá thành sản xuất tăng theo, biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp ngày càng thu hẹp.
“Chúng tôi đang phải đối mặt với một khó khăn lớn đó chính là câu chuyện giá nguyên nhiên, vật liệu đầu vào đều tăng cao. Cụ thể, giá than tăng, giá xăng dầu tăng và dịch vụ vận chuyển cũng tăng theo giá xăng sẽ ảnh hưởng khá lớn đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm 2022 cũng có thể là cho đến tận năm 2023” - ông Thân Đức Việt nói.
Kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng thấp do cuộc xung đột Nga – Ukraine kéo dài. Áp lực lạm phát đã dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng và chi tiêu cho mặt hàng may mặc giảm. Theo một khảo sát, có tới 40% người dân Mỹ cho biết sẽ cắt giảm chi tiêu cho mặt hàng quần áo, song điểm sáng lúc này chính là dịch bệnh về cơ bản đã được kiểm soát, các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch mở cửa trở lại. Trong bối cảnh đó, thách thức đối với ngành dệt may chính là nguyên liệu, nhiên liệu đều tăng giá.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty may Hưng Yên nhận định, các doanh nghiệp dệt may cần chủ động, đa dạng hóa nguồn hàng để ổn định sản xuất cũng như kết hợp với nhà cung cấp tìm các nguồn hàng thay thế nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Mặt khác, Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp mở rộng thị trường.
“6 tháng cuối năm có tình trạng là rất nhiều các đơn hàng không xác nhận ngay và có xác nhận thì yêu cầu giá xuống rất thấp, ngành dệt may mà không có đơn hàng thì cũng sẽ đối mặt với vấn đề công nhân phải dừng việc. Điều này tạo cho ngành dệt may những khó khăn, nhất là ngành dệt may có lao động rất đông. Các doanh nghiệp mong muốn làm thế nào đó hỗ trợ vốn để cho doanh nghiệp có thể có tiền để trả lương cho người lao động trong thời gian tới” - ông Nguyễn Xuân Dương đề nghị.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang dự báo, nửa cuối năm nay thị trường thế giới sẽ có biến động khó lường, đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp toàn ngành dệt may. Trong bối cảnh khó dự báo về tình hình kinh tế thế giới như hiện nay, các doanh nghiệp cần thực hiện nhiều giải pháp để chủ động nguyên liệu sản xuất, vừa đảm bảo đáp ứng đủ về đơn hàng. Đồng thời, phải bám sát về thông tin và diễn biến thị trường, nắm vững yêu cầu về thị trường nước nhập khẩu hàng hóa để có những điều chỉnh phù hợp.
“Chúng ta đang có những Hiệp định thương mại là một động lực, đây cũng là giải pháp về giảm dòng thuế quan và đủ năng lực hấp dẫn cho các giải pháp về đầu tư vào ngành dệt may của Việt Nam. Thứ hai, chúng ta cũng đã chủ động được một số nguyên liệu đầu vào cho nên khó khăn sẽ giảm đi, duy trì được sức mua trong sản phẩm dệt may toàn cầu. Chúng ta cũng có giải pháp về thích nghi với một số dòng sản phẩm cao cấp và sản phẩm khó, những sản phẩm có sự khác biệt, sản phẩm có tính đặc biệt, điều này có tác động đến việc thúc đẩy đổi mới trang thiết bị công nghệ thích ứng với các dòng sản phẩm mới” - ông Vũ Đức Giang nói.
Diễn biến khó lường của thị trường, giá cả nguyên phụ liệu liên tục tăng cao là những thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp dệt may. Do vậy, các doanh nghiệp phải xây dựng những giải pháp linh hoạt nhằm đối phó, thích ứng kịp thời với các tín hiệu của thị trường để từ đó chủ động, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng và hoàn thành các mục tiêu đề ra./.