Ngành may mặc châu Á chiếm 55% hàng dệt may toàn cầu
Đây là nhận định của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) trong báo cáo đánh giá việc làm, tiền lương và năng suất lao động lĩnh vực may mặc Châu Á giai đoạn 2010 – 2019, công bố cuối tháng 6/2022. Báo cáo nêu bật ngành công nghiệp may mặc châu Á chiếm 55% xuất khẩu hàng dệt may toàn cầu và sử dụng khoảng 60 triệu lao động.
Tuy nhiên, những thách thức như tăng chi phí lao động, tự động hóa quy trình và sản xuất, cũng như áp lực gia tăng chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững hơn, với mức lương và điều kiện làm việc được cải thiện đang tạo ra một tương lai không chắc chắn cho ngành và người lao động. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn do tác động của Covid-19.
Báo cáo chỉ ra sự phát triển của ngành đang theo các quỹ đạo khác nhau. Trong khi một số nước đa dạng hóa và nâng cấp nền kinh tế đã làm giảm tầm quan trọng của ngành, như: Trung Quốc, Thái Lan và Philippines. Thì ở các nước Campuchia và Bangladesh, ngành này vẫn là động lực kinh tế quan trọng.
Hiện nay, một phần đáng kể công nhân của khu vực này vẫn rất dễ bị tổn thương, do tình trạng không chính thức phổ biến và tính chất tạm thời của việc sắp xếp công việc của họ.
Cùng với đó, khoảng cách trả lương theo giới vẫn tồn tại trong lĩnh vực may mặc Châu Á. Lao động nữ chiếm tỷ lệ lớn trong số những người lao động được trả lương thấp của ngành.
Tiền lương tăng tạo ra mối liên hệ thúc đẩy năng suất
Báo cáo ILO chỉ ra một thực tế, trong khi năng suất lao động trong lĩnh vực may mặc của châu Á đã tăng trong những thập kỷ gần đây nhưng vẫn ở mức thấp so với các lĩnh vực sản xuất khác. Rất ít quốc gia sản xuất hàng may mặc thành công trong việc nâng cao chuỗi giá trị, bởi hầu hết các nhà sản xuất vẫn tham gia vào khâu cắt may có tay nghề thấp.
Dữ liệu trong báo cáo cho thấy mối liên hệ tích cực giữa tăng trưởng năng suất lao động và tiền lương trong lĩnh vực này, cho thấy rằng đầu tư vào năng suất lao động đóng vai trò quan trọng trong việc giúp tăng lương cho người lao động.
Theo ILO, thành công trong tương lai của ngành may mặc nói chung và khu vực châu Á nói riêng sẽ phụ thuộc vào các khoản đầu tư củng cố lẫn nhau. Trong đó, đối thoại xã hội, thương lượng tập thể và khuyến khích cụ thể từ các thương hiệu, có thể tạo ra một chu kỳ đạo đức, trong đó mức lương cao hơn sẽ thúc đẩy năng suất cao hơn và ngược lại.
Trong nhiều thập kỷ, ngành may mặc chủ yếu dựa vào chi phí lao động thấp để đảm bảo lợi thế thị trường toàn cầu. Mức lương thực tế trong lĩnh vực này đã tăng ở hầu hết các quốc gia mặc dù điều kiện làm việc nói chung vẫn còn nhiều thách thức, bao gồm thời gian làm việc kéo dài và căng thẳng, an toàn và sức khỏe lao động kém cũng như vi phạm các quyền cơ bản tại nơi làm việc.
Vấn đề này rất quan trọng vì cuộc khủng hoảng Covid-19 không chỉ nhấn mạnh tính dễ bị tổn thương của những người lao động này, mà còn đặt ra những câu hỏi liên quan đến tính bền vững của chuỗi cung ứng hàng may mặc ở dạng hiện tại.
Nguồn: Mekongsean.vn