EU tuyên chiến với ‘fast fashion’

Liên minh châu Âu (EU) đang tuyên chiến với fast fashion (thời trang nhanh – thuật ngữ chỉ loại áo quần giá rẻ, có vòng đời ngắn), để loại bỏ văn hóa vứt bỏ đồ cũ nhanh chóng đang thống trị ngành công nghiệp may mặc trong thế kỷ 21. Động thái này sẽ thúc đẩy cuộc chuyển đổi toàn diện ở chuỗi cung ứng dệt may của châu Á, trung tâm sản xuất quần áo gia công của thế giới.

Ngành công nghiệp may mặc toàn cầu thải ra 92 triệu tấn áo quần, giày dép và các sản phẩm dệt may khác đã qua sử dụng mỗi năm. EU hy vọng các quy định mới sẽ tăng cường khả năng tái chế, sửa chữa và bán lẻ áo quần cũ. Ảnh: AFP / Jiji

Đánh dấu sự kết thúc của “thời trang nhanh”

Các quy tắc mà ​​Liên minh châu Âu (EU) đề xuất gần đây sẽ buộc các hãng thời trang cải tổ các kiểu thiết kế quần áo của họ để đáp ứng danh sách các tiêu chí bền vững chi phối mọi khía cạnh từ thời gian sử dụng của quần áo, đến tỷ lệ sợi tái chế của chúng.

Mục đích là tăng độ bền của quần áo, giúp giảm tác động môi trường của ngành công nghiệp thời trang. Các quy tắc này sẽ đánh dấu sự kết thúc của các loại sợi tổng hợp chất lượng thấp, quy trình may kém chất lượng và các biện pháp rút ngắn sản xuất áo quần khác cũng như quần áo dễ hư hỏng trong quá trình giặt. Nói cách khác, điều đó sẽ dẫn đến sự thoái trào của quần áo sản xuất hàng loạt, nhanh chóng với chi phí rẻ.

Trong những năm gần đây, EU đã cố gắng tận dụng lợi thế quy mô thị trường rộng lớn của khu vực này để thực hiện nhiều mục tiêu xanh, từ thuế carbon đến mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất đối với rác thải điện tử và rác thải nhựa. Chiến lược dệt may mà Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU, trình ra trước một ủy ban của Nghị viện châu Âu là bước đi mới nhất trong nỗ lực đó.

Trong tài liệu về chiến lược này, EC cho biết họ sẽ đưa ra các quy tắc để chống lại việc “sản xuất quá mức và tiêu thụ quá nhiều quần áo”. Chiến lược mới nhằm chấn chỉnh một ngành công nghiệp vốn hứng nhiều chỉ trích vì gây ô nhiễm môi trường do khí nhà kính thải ra trong quá trình sản xuất quần áo và sử dụng sợi tổng hợp.

EU là nhà nhập khẩu quần áo lớn nhất thế giới, với năm nguồn hàng lớn nhất đến từ Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Ấn Độ, theo Eurostat.

Thời trang nhanh là ngành công nghiệp được xây dựng dựa trên thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi nhanh chóng. Nó được cổ xúy bởi những tín đồ thời trang, những người sẵn sàng mua trang phục và chỉ sử dụng một vài lần cũng như các nhà sản xuất dựa vào nguyên liệu và nhân công giá rẻ để quay vòng nhanh chóng trước khi xu hướng thời trang tiếp theo bắt đầu thịnh hành.

Trong hai thập niên qua, giá cả quần áo đi vào xu hướng giảm khi các hãng thời trang chuyển sang sử dụng các loại vải tổng hợp làm từ nhiên liệu hóa thạch, có chi phí thấp hơn sợi làm từ bông vải (cotton) và gia công sản xuất ở châu Á, nơi xuất khẩu quần áo hàng đầu sang châu Âu và phần còn lại của thế giới.

Ngành dệt may châu Á phải thay đổi để tuân thủ quy định mới

Các thương hiệu thời trang như Decathlon, Uniqlo và H&M cho biết họ đang làm việc với các nhà sản xuất gia công ở châu Á từ Trung Quốc đến Ấn Độ để chuẩn bị đáp ứng các quy định mới của EU, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng thay đổi.

“Các quy định mới này có thể gây ra sự lúng túng. Hoạt động sản xuất hiện nay đều nhắm đến áo quần có chi phí rẻ và có thể hoàn thiện nhanh chóng”, một nhà cung ứng ở Quảng Châu (Trung Quốc), chuyên cung cấp hàng cho các thương hiệu bán lẻ thời trang hàng đầu ở châu Âu cho biết.

Những người ủng hộ trong ngành công nghiệp nói rằng kế hoạch của EC sẽ tạo ra một sân chơi công bằng bằng cách chuyển toàn bộ ngành sang xu hướng hàng may mặc bền lâu.

Pernilla Halldin, Giám đốc quan hệ công chúng của H&M Group, cho biết bắt đầu từ năm 2025, tất cả cả các sản phẩm của H&M sẽ được thiết kế để có thể tái chế và hoan nghênh kế hoạch của EC áp dụng rộng rãi với các mặt hàng dệt may khác, từ giày dép đến thảm.

Kế hoạch của EC, có tên gọi “Chiến lược của EU về dệt may bền vững và tái chế” đặt ra các yêu cầu về thiết kế thân thiện với môi trường và mang tính ràng buộc, nêu ra các vấn đề cụ thể khiến vòng đời của sản phẩm bị rút ngắn như màu sắc mau phai, dây kéo dễ bị đứt, pha trộn sợi tổng hợp và sợi cotton khiến chúng trở nên khó tái chế.

Mức độ cụ thể này cho thấy EC sẽ đưa ra các tiêu chí mang tính chi tiết, ngay cả đối với dây kéo, mà các công ty may mặc sẽ phải đáp ứng để bán cho người tiêu dùng EU. Các tiêu chi chi tiết đó đang chờ xử lý và sẽ cần được sự chấp thuận của Nghị viện châu Âu và các chính phủ thành viên EU trước khi có hiệu lực, điều mà EC dự kiến sẽ xảy ra vào năm 2024.

Các điểm thay đổi quan trọng đang được EC đề xuất. Đầu tiên, tài liệu chiến lược của EC cho biết sẽ có các tiêu chuẩn về “độ bền, khả năng tái sử dụng, khả năng sửa chữa, khả năng tái chế từ sợi thành sợi và hàm lượng sợi tái chế bắt buộc”. Thứ hai, các doanh nghiệp thời trang sẽ phải in các dữ liệu liên quan, chẳng hạn như điểm đánh giá về khả năng sửa chữa, trên nhãn quần áo. Thứ ba, EU có thể cấm các công ty thời trang vứt bỏ hàng hóa không bán được, hoặc yêu cầu họ báo cáo số lượng hàng bị loại bỏ.

Chi phí sản xuất sẽ tăng mạnh

Thương hiệu thời trang Uniqlo (Nhật Bản) cho biết đã tập hợp dữ liệu bao gồm hàm lượng khí thải carbon và truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm quần áo. Nhà sản xuất thời trang Nhật Bản đang theo dõi đề xuất của EC và có kế hoạch làm việc với các nhà cung cấp ở châu Á để thực hiện đề xuất này.

“Như là một phần trong nỗ lực cho phép khách hàng yên tâm mua sản phẩm của Uniqlo, chúng tôi đang nỗ lực củng cố thông tin về việc bảo vệ nhân quyền và đo lường tác động môi trường của các chuỗi cung ứng”, Fast Retailing, công ty mẹ của Uniqlo, cho biết.

Chiến lược dệt may của EC tập trung vào môi trường nhưng cũng sẽ kết hợp với các sáng kiến xã hội. Ví dụ, vào tháng 2, EC cho biết sẽ đưa ra các quy tắc chuỗi cung ứng yêu cầu các doanh nghiệp liên quan loại bỏ “những tác động tiêu cực của hoạt động của họ đối với nhân quyền, chẳng hạn như lao động trẻ em và bóc lột người lao động”.

Các nhà máy châu Á dự kiến sẽ tốn kém thêm chi phí để tuân thủ tăng theo các quy định mới trong chiến lược của EC. Các nhà cung cấp hàng may mặc ở Quảng Châu ước tính chi phí sẽ tăng thêm 50% nếu họ buộc phải chuyển sang sử dụng nguyên liệu có thể tái chế được chứng nhận.

Một số nhà sản xuất lưu ý khó khăn của họ là đường đi của các nguyên liệu đầu vào không rõ ràng và các chứng chỉ dễ bị làm giả. Trong khi đó,  những nhà sản xuất khác nói rằng việc thêm dữ liệu bền vững vào nhãn quần áo sẽ không khó.

“Thái độ của người tiêu dùng đang thay đổi sau đại dịch Covid-19 khi nhiều người chấp nhận cách tiếp cận “ít hơn là nhiều hơn” (“less is more”, ám chỉ đến chủ nghĩa tối giản để tận hưởng cuộc sống nhiều hơn)”, hãng tư vấn quản lý McKinsey cho biết trong báo cáo hàng năm về thời trang. Cuộc khảo sát của McKinsey cho thấy 65% người mua sắm có kế hoạch mua sắm các mặt hàng chất lượng cao, có thể sử dụng lâu dài.

Các doanh nghiệp dệt may từ Việt Nam đến Ấn Độ cho biết động cơ lợi nhuận sẽ buộc họ chuyển đổi để đáp ứng để tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững mới của EU.

Rahul Mehta, thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất quần áo Ấn Độ, nói: “Đó là cách thế giới đang chuyển động, cho dù chúng ta có muốn hay không. Và tôi nghĩ rằng nếu tiếp tục tham gia thị trường, chúng ta phải bám theo nhu cầu của khách hàng”.

Theo Nikkei Asian Review

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/