Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), trong 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt gần 11 tỉ đô la Mỹ, tăng trưởng gần 21% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, các thị trường lớn của hàng dệt may Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… đều ghi nhận tăng trưởng dương.
Điểm đáng chú ý là tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu khá ổn định. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký của Vitas, cho biết tình hình đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp hội viên ổn định và có chiều hướng tăng trưởng tốt. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu để làm việc kéo dài đến hết quí 3. Tuy nhiên, hiện nay khó khăn đối với các doanh nghiệp là không tuyển thêm được lao động để thực hiện đơn hàng gia tăng.
Tương tự, theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM (Agtex), hiện hầu hết các doanh nghiệp hội viên đã có đơn hàng để làm việc đến hết quí 3, và một số doanh nghiệp có đơn hàng với kế hoạch sản xuất kéo dài đến cuối năm nay.
Thị trường ngành may được nhận định tương đối khả quan do các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam đều được các đối tác quay trở lại, đơn hàng dài, số lượng lớn. Xu hướng hiện nay các khách hàng đều muốn giảm bớt trung gian để làm trực tiếp với các đơn vị sản xuất nhằm giảm bớt chi phí.
Với tình hình đơn hàng dồi dào hiện nay, ông Hồng dự báo khả năng cao khi kết thúc năm là sẽ vượt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của ngành đề ra là 42-43 tỉ đô la.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý theo ông Hồng là tình trạng doanh nghiệp trong ngành trên địa bàn thành phố khó tuyển thêm lao động cho đơn hàng gia tăng. “Một số doanh nghiệp nhận thấy việc tuyển thêm lao động quá khó khăn nên đã không dám nhận thêm đơn hàng mới của nhà nhập khẩu”, ông Hồng chia sẻ, và nói: “Thậm chí có doanh nghiệp tìm đối tác trong nước khác để thực hiện gia công lại nhưng cũng rất khó khăn”.
Trên thực tế, ngành may mặc những năm trước khi xảy ra dịch bệnh vốn dĩ đã bị ảnh hưởng về nguồn cung lao động do phải cạnh tranh với các ngành khác từ dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhất là ở các thành phố lớn như TPHCM và các tỉnh phía Nam thì tình hình người lao động trong ngành này chuyển sang làm việc ở các lĩnh vực khác được thể hiện rõ hơn.
Tình hình dịch bệnh vừa qua một bộ phận người lao động làm việc trong ngành may mặc về quê không trở lại hoặc làm việc tại các nhà xưởng ở quê nhà do các doanh nghiệp may mặc chuyển đến cũng khiến các doanh nghiệp may mặc ở TPHCM thêm khó khăn, ông Hồng phân tích.
Đồng thời, với chính sách Zero Covid của Trung Quốc thời gian qua, nhiều doanh nghiệp cũng lo ngại thiếu hụt nguyên vật liệu sản xuất nên cũng không dám nhận thêm đơn hàng mới. “Nếu chuyển sang tìm nguồn cung nguyên vật liệu ở những thị trường khác thì sẽ đội giá lên cao”, ông Hồng nói.
Do đó, theo ông Hồng dù đơn hàng xuất khẩu đang tăng cao nhưng trong bối cảnh khó khăn nhân công và chi phí sản xuất, nguyên vật liệu tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng e ngại để có thể tăng công suất và nhận thêm đơn hàng mới.
Nhận định về thời gian tới, lãnh đạo Vitas cũng như các doanh nghiệp đánh giá ngành dệt may Việt Nam đứng trước cơ hội rất lớn từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Đặc biệt là Hiệp định RCEP vừa có hiệu lực từ đầu năm 2022 là cơ hội rất lớn.
Tuy nhiên, muốn tận dụng tốt các cơ hội xuất khẩu, nhiều chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần phải tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu, đáp ứng yêu cầu của các hiệp định thương mại thế hệ mới.
Theo dự báo của các chuyên gia, do nhu cầu tiêu dùng toàn cầu đang có xu hướng tăng cao, giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam nhiều khả năng sẽ đạt khoảng 45 tỉ đô la vào cuối năm và tăng 2-3 tỉ đô la so mục tiêu đề ra.
Nguồn:Thesaigontime.vn