Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2022, ngành công nghiệp chủ lực đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Việt Nam là hàng dệt may và giày dép.
Trong đó, xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ và EU lần đầu tiên lập đỉnh kể từ 10 năm trở lại đây. Tổng kim ngạch xuất khẩu 2 ngành đạt hơn 19 tỷ USD, trong đó hàng dệt may gần 11,9 tỷ USD, tăng 22,5%, giày dép đạt 7,32 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Mỹ vẫn là thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam đạt 6 tỷ USD, tăng 27%, xếp thứ 2 là EU đạt 1,3 tỷ USD, tăng 35%. Ngoài ra, xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 1 tỷ USD, tăng 8,7%. Thị trường Đông Nam Á tăng 32%, đạt 662 triệu USD, Canada tăng 57% đạt 393 triệu USD....
Bên cạnh đó, ngành da giày cũng đón nhiều đơn hàng lớn đi Mỹ, EU và các thị trường mới có FTA với Việt Nam trong CPTPP như Canada, Mexico. Trong số rất nhiều thị trường xuất khẩu giày dép, thì Mỹ đạt kim ngạch lớn nhất 3,16 tỷ USD, chiếm 43% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Thị trường EU đứng thứ 2 về kim ngạch nhập khẩu da giày Việt Nam, đạt trên 1,77 tỷ USD, chiếm 24,3%, tăng 19%, trong đó riêng Bỉ chiếm 7,4% trong tổng kim ngạch, đạt 543,91 triệu USD, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu sang Canada tăng 37%, đạt 168 triệu USD, Mexico 117 triệu USD, tăng 11,5%. Hai thị trường ghi nhận mức giảm mạnh là Trung Quốc giảm 22% và Nga giảm 32%.
Đánh giá tình hình xuất khẩu của Việt Nam, Công ty CTCK ACB (ACBS) cho rằng, ngành dệt may Việt Nam không chỉ là trụ cột quan trọng trong xuất khẩu của cả nước mà còn là nhà xuất khẩu dệt may lớn trên thế giới. Bởi Việt Nam được xem là một trong những địa điểm sản xuất hấp dẫn với chi phí lao động thấp và lực lượng lao động lớn.
Còn đối với ngành giày dép, Bộ Công thương đánh giá cao sự tận dụng tốt ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới của ngành, nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam - EU (EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu.
Năm qua, giày dép có tỷ lệ sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi theo FTA trong năm 2021 khá cao, chiếm 95,92% với kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA với Việt Nam là 9,25 tỷ USD, giảm nhẹ 2,78% so với năm 2020. Thậm chí, đối với một số thị trường, tỷ lệ này đạt 100%, tức là 100% các lô hàng xuất khẩu đều sử dụng C/O ưu đãi.
Ngoài ra, các doanh nghiệp dệt may và da giày cũng nhận định tương đối khả quan về tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường chủ lực như Mỹ, EU trong thời gian tới. Đây là nhóm mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam, đều được các đối tác quay trở lại, đơn hàng dài, số lượng lớn để phục vụ nhu cầu tăng lên do tiêu dùng phục hồi mạnh.
Mặt khác, xu hướng hiện nay các khách hàng, nhà nhập khẩu đều muốn giảm bớt khâu trung gian và làm trực tiếp với các đơn vị sản xuất nhằm giảm bớt chi phí.
Về mục tiêu của năm 2022, trong khi dệt may ngắm mốc 42,5-43 tỷ USD cho cả năm thì toàn ngành da giày cũng đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu đạt 23-25 tỷ USD, tăng 10-15% so với năm 2021, trong khi dệt may ngắm mốc 42,5-43 tỷ USD.
Nguồn:Mekongasean.vn