Trong đó, các thị trường lớn của hàng dệt may Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… đều ghi nhận tăng trưởng dương. Bên cạnh đó là cơ hội từ các giải pháp đầu tư để phát triển chuỗi cung ứng nội địa, giảm bớt nhập khẩu. Hiện các địa phương đều đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư này.
Đáng chú ý, xuất khẩu dệt may sang Trung Quốc đang tăng trưởng mạnh. Hiện tại, đây là thị trường lớn thứ hai của dệt may Việt Nam, chỉ sau thị trường Mỹ. Các mặt hàng Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam gồm có sợi các loại, quần áo jacket, sơ mi, quần áo trẻ em…
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang nhận định, các FTA tạo thêm cơ hội cho ngành mở rộng xuất khẩu nhưng mỗi đơn vị cần đầu tư chiều sâu, tận dụng ưu đãi, khai thác tốt thị trường...; đơn cử như nhập khẩu nguồn nguyên liệu với giá ưu đãi phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu. Ngành Dệt may đặt mục tiêu năm 2022 đạt kim ngạch xuất khẩu 42,5-43 tỷ USD một phần dựa vào các lợi thế đến từ các FTA.
Để đạt được kế hoạch này, một số giải pháp ngắn hạn đã được các đơn vị áp dụng như chuyển đổi chỉ số sợi, thay đổi mặt hàng, sản xuất các loại sợi pha mới để giảm nguyên liệu bông đầu vào.
Về dài hạn, doanh nghiệp dệt may sẽ phải xây dựng hệ thống có tiêu chuẩn chung, giảm thiểu những rủi ro.