Theo Bộ Công Thương Việt Nam, “xanh hóa” ngành dệt may là xu thế toàn cầu mà doanh nghiệp cần để đạt mục tiêu phát triển bền vững và gia tăng xuất khẩu vào các thị trường lớn đã ký FTA. Do vậy, Bộ này cho rằng câu chuyện “xanh hóa” ngành dệt may sẽ là thách thức dài hạn của doanh nghiệp Việt, đồng thời cũng là cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng thị phần ở thị trường lớn.
Từ đó, với nhu cầu cần cải tiến trong tương lai, nhiều doanh nghiệp, công ty dệt may đã xây dựng riêng cho mình phòng Lab để nghiên cứu về nguyên liệu xanh và ứng dụng vào các sản phẩm thời trang xanh một cách hiệu quả nhất.
Điển hình như Công ty Dệt may Thành Công (TCM) đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu và phát triển kinh doanh (R&BD), có sự tham gia của chuyên gia Hàn Quốc để phụ trách trung tâm R&BD với các sinh viên xuất sắc học tại ngành thời trang làm việc tại đây.
Việc thành lập trung tâm này giúp TCM có 3 dòng sản phẩm chính, gồm dòng sản phẩm thân thiện với môi trường (tái chế từ chai nhựa, mía, bắp, quần áo cũ…), dòng sản phẩm tính năng theo mùa và dòng sản phẩm tiện dụng cho cuộc sống.
Trước đó, trong năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát nặng nề, nhà nhập khẩu hủy đơn hàng thời trang nhưng lại đặt các đơn hàng về khẩu trang kháng khuẩn. Nhờ vào việc đầu tư cho công nghệ R&D, TCM kịp thời chuyển hướng sản xuất khẩu trang kháng khuẩn xuất khẩu, góp phần quan trọng vào doanh thu, lợi nhuận của công ty.
Một nhà cung cấp nguyên liệu xanh tiên phong đón đầu xu hướng từ năm 2008 đến nay là Faslink, với các xưởng sản xuất có tổng diện tích hơn 10.000m2 cùng hơn 300 trang thiết bị hiện đại và bộ rập cải tiến, cũng như hợp tác R&D với nhiều trung tâm nghiên cứu sản xuất nguyên liệu công nghệ nổi tiếng trên thế giới.
Các nguyên liệu xanh của Faslink hướng đến yếu tố nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường sống, an toàn cho sức khỏe người dùng, dễ dàng chế tác trong may mặc và có thể tự phân hủy theo thời gian.
Cam kết chuyển đổi xanh không chỉ tập trung vào nguyên liệu xanh, Faslink còn hướng tới xanh hoá các hoạt động sản xuất, vận hành và chiến lược kinh doanh, hướng tới một loại hình công nghiệp mới, khởi nguồn từ nguyên liệu xanh, nguyên liệu công nghệ.
Với "sợi vải xanh" từ 5 loại sợi tự nhiên bao gồm sợi cà phê, sợi sen, sợi vỏ sò, sợi dừa, sợi bạc hà được xử lý bằng công nghệ hiện đại, Faslink khẳng định doanh nghiệp sẽ mang lại đặc tính vượt trội về độ mềm mịn, bền đẹp và thời trang cho các sản phẩm của mình.
|
Sợi polyester tái chế là loại sợi được sử dụng rộng rãi nhất trong ngành công nghiệp may mặc toàn cầu do lượng khí thải carbon thấp hơn đáng kể so với sợi thông thường (Ảnh minh hoạ)
|
Đối với Tổng Công ty May 10, hiện toàn bộ hệ thống nhà máy của May 10 về xuất khẩu đều đảm bảo được yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, với một số chứng chỉ mới, May 10 cũng đang còn phải phấn đấu để đáp ứng yêu cầu.
Mục tiêu mà doanh nghiệp đang triển khai là hướng đến sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, nguyên liệu tái chế để không khai thác nhiều nguồn tài nguyên và sau khi sử dụng xong chỉ 5 - 10 năm tự phân huỷ.
Theo dự báo của Vitas, kim ngạch xuất khẩu của dệt may năm 2022 có thể đạt 42,5- 43,5 tỷ USD. Tuy nhiên, câu chuyện "xanh hóa" sẽ là thách thức dài hạn không thể bỏ qua. Bởi trong chiến lược phát triển đến năm 2025, Trung Quốc đặt mục tiêu không giữ 39% thị phần dệt may của thế giới như hiện nay mà giảm xuống 30%.
Nguyên nhân, nước này quyết định đi theo hướng tập trung vào khu vực có biên lợi nhuận cao nhất như nguyên liệu tái chế, ví dụ như vải polyeste tái chế. Hay như một đối thủ khác của Việt Nam là Bangladesh cũng đi theo hướng đầu tư hiện đại hóa. Năm 2021, Bangladesh có đến 9 trong 10 nhà máy “may mặc xanh” đạt tiêu chuẩn cao nhất được Hội đồng Xây dựng xanh Mỹ cấp chứng nhận.
Nguồn: https://mekongasean.vn/khi-cau-chuyen-xanh-hoa-trong-cac-cong-ty-det-may-khong-con-la-ly-thuyet-post6269.html