Chiều 19/4/2022, ông Lê Tiến Trường- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã tổ chức họp trực tuyến với lãnh đạo các doanh nghiệp ngành Sợi để dự báo tình hình thị trường, hành động ứng xử về chuẩn bị nguyên liệu và thảo luận về định hướng trong 1-2 tháng tới.
Nhiều giải pháp được lãnh đạo Tập đoàn và doanh nghiệp đưa ra tại Hội thảo.
Tại cuộc họp, Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường cho biết, ngày 18/4 giá bông đã lên cao nhất trong 52 tuần qua vào khoảng 146 UScents/pounds. So với mức giá thấp nhất trong 52 tuần qua thì giá bông đã tăng khoảng 85%. Mặc dù giá bông tăng cao nhưng giá Sợi thì lại đang giảm, trong đó có một số chủng loại Sợi giá bán còn thấp hơn so với giá bông. Đây chính là điểm đặc biệt đòi hỏi lãnh đạo các doanh nghiệp cần phải đưa ra phương án để chủ động ứng phó. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành Sợi Việt Nam là Trung Quốc thì đang kiên định chiến lược Zero Covid với khoảng 30% dân số thuộc diện bị phong tỏa. Trong đó, các tỉnh có số ca nhiễm covid trên 6.000 lại nằm tất cả ở bờ Đông là khu vực sản xuất chính của ngành Dệt May Trung Quốc với khoảng 80% sản lượng. Theo lịch, Trung Quốc sẽ đóng cửa hết ngày 25/4 nếu dịch không phát sinh. Tuy nhiên, sau đó Trung Quốc sẽ vào dịp nghỉ lễ ngày 1/5 và 4/5 vì vậy nếu dịch diễn biến xấu khả năng Trung Quốc sẽ cho nghỉ từ ngày 1-4/5. Nếu điều này xảy ra sẽ là tròn 1 tháng thị trường Trung Quốc đóng cửa làm giảm cầu và giá bán Sợi.
Bên cạnh đó, cuộc xung đột Nga -Ukraine được dự báo theo hướng lạc quan nhất là sẽ kết thúc sớm nhất trong tháng 6 nên sự đứt gãy chuỗi cung ứng, khủng hoảng logistics, tiền tệ phức tạp sẽ kéo dài hết quí 2/2022. Trước những bất ổn nói trên, Ngân hàng Thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống còn 3,2%, giảm gần một nửa so với năm trước. “Tất cả những điều này đang đưa chúng ta rơi vào kịch bản xấu nhất đã dự báo hồi giữa tháng 3 của Tập đoàn. Nếu xu thế này kéo dài lan sang ngành May trong thời gian tới, dự báo ngành này cũng sẽ gặp khó khăn”- Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các DN cũng trao đổi về thực trạng và đưa ra các giải pháp để đối phó trước diễn biến xấu của thị trường. Giải pháp trước mắt được các DN Sợi đặt ra để kiểm soát nguồn cung là không chạy tốc độ sản xuất tối đa; tập trung bảo trì, bảo dưỡng thiết bị; giãn sức lao động trong những ngày nghỉ lễ sắp tới; hướng đến sản xuất sản phẩm sợi chi số cao; cân đối mua bông ngắn hạn, đảm bảo cho sản xuất và theo dõi diễn biến thị trường; thực hiện tiết kiệm chi phí sản xuất cũng như tìm kiếm đơn hàng phù hợp trên cơ sở giá bán đảm bảo duy trì dòng vốn…
Chủ tịch Lê Tiến Trường thống nhất với các quan điểm và hướng kiểm soát nguồn cung bông, cầu sợi mà các DN đưa ra. Lãnh đạo Vinatex nhấn mạnh, diễn biến mới của thị trường cho thấy từ giờ đến hết tháng 6 cầu sợi sẽ yếu, số lượng đơn hàng đặt mua giảm, chủ yếu đơn hàng lấp đầy đến 20/5. Trước những khó khăn này, DN cần tính toán mặt bằng giá thành phù hợp để có thể mua bông ngắn hạn nhằm duy trì sản xuất; xem xét khả năng tồn kho sản phẩm sợi để chờ thị trường ổn định với sự hỗ trợ về tài chính… Ban Sợi tính toán, cân nhắc các phương án bình ổn nguyên liệu cho DN trong thời điểm trước mắt.
PV
Nguồn:Vinatex.com.vn