Hàng Việt thích ứng tiêu chuẩn xanh

Xu hướng tiêu dùng xanh được dự báo sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Điều này đặt ra yêu cầu doanh nghiệp sản xuất phải nhanh chóng thay đổi sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, giúp nắm bắt cơ hội không chỉ ở thị trường xuất khẩu mà ngay ở thị trường nội địa.

Thời gian gần đây, thị trường EU liên tục đặt ra những quy định mới về tiêu chuẩn hàng hóa xanh. Cụ thể, Ủy ban châu Âu (EC) vừa đề xuất áp dụng một số quy định sinh thái mới đối với hàng dệt may tiêu thụ tại thị trường này. 

Yêu cầu về môi trường ngày càng khắt khe

Quy định mới của EU yêu cầu hàng dệt may vào thị trường này phải có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng và sửa chữa được. Để đạt được tiêu chuẩn đó, nhà sản xuất phải sử dụng sợi tái chế, không chứa chất độc hại, thân thiện với môi trường...

det-may-phai-gan-voi-bao-ve-mo-8683-3588

Hàng dệt may vào EU phải có tuổi thọ cao, tái chế được. 

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trên thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường EU, đa số doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn đã tiếp nhận những yêu cầu “xanh hóa” trong sản xuất, như thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm phát thải…

Với các sản phẩm thực phẩm, nông sản, dù chưa thay đổi quy định, tuy nhiên một số dự báo cho rằng thị trường này sẽ sớm yêu cầu đáp ứng các tiêu chuẩn mới về sức khỏe và môi trường theo hướng thắt chặt hơn.

Trên thực tế, những thay đổi quy định gần đây cũng cho thấy thị trường EU càng ngày càng khắt khe với các tiêu chuẩn chất lượng. Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, từ ngày 3/5 tới, dư lượng thủy ngân cho phép có trong thủy sản khi xuất khẩu vào EU dao động từ 0,3 đến 1μg/kg (tùy loại sản phẩm). Trong khi đó, dư lượng thủy ngân trong muối tối đa là 0,1μg/kg. Đối với các sản phẩm đã có mặt trên thị trường thì được tiêu thụ đến hết hạn sử dụng của sản phẩm...

Đồng thời, dịch COVID-19 kéo dài trong 2 năm qua cũng là quãng thời gian mà người tiêu dùng thế giới đã thay đổi thói quen tiêu dùng theo hướng xanh, sạch gắn với bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, việc đón đầu xu hướng tiêu dùng mới đang là nhiệm vụ cho bất cứ doanh nghiệp nào.

Ông Nguyễn Tiến Phương, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất hàng thể thao Tân Đệ chia sẻ, doanh nghiệp này có 8 nhà máy đang hoạt động với 10 nghìn công nhân. Kết quả kinh doanh năm 2021 rất tốt, đơn hàng năm 2022 nhiều. Nói chung thị trường tốt, không có gì phải lo lắng nhiều.

Đang làm ăn kinh doanh khá thuận lợi, song ông Đệ cho biết doanh nghiệp này vẫn đẩy mạnh chuyển hướng sang phát triển xanh. "Tôi xây nhà máy không chỉ để sản xuất một cách đơn thuần, mà phải gắn với phát triển xanh. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp cạnh tranh với đối thủ ở nước ngoài. Chúng tôi không cạnh tranh bằng chi phí lao động giá rẻ, mà bằng các tiêu chuẩn gắn với bảo vệ môi trường", ông Đệ chia sẻ. Điều này được khách hàng đánh giá cao và doanh nghiệp nhận được đơn hàng gia công cho các thương hiệu lớn.

Với các mặt hàng nông sản, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT công ty Vinamit đưa ra quan điểm mới về phát triển nông nghiệp. Theo đó, trồng rau, trồng cây ăn quả không chỉ cho người tiêu dùng ăn, mà những giá trị của sản phẩm đó phải giúp tiết chế bệnh tật, nâng cao sức khỏe của người tiêu dùng, giúp sự sống bền vững hơn cho con người.

Doanh nghiệp tìm cách thích ứng

"Ngày nào mọi người thay đổi suy nghĩ ăn không phải chỉ để sống, ăn không phải chỉ để ngon, ăn không phải để sướng, mà ăn để có sức khỏe, ngày đó nông nghiệp hữu cơ sẽ bùng nổ", ông Viên kỳ vọng.

"Và những người đi tiên phong phải có trách nhiệm lan tỏa tinh thần đó cho mọi người, không chỉ riêng tôi mà cả thế giới hướng đến. Do đó, khi càng thấy các bạn trẻ bỏ phố về rừng, quan tâm đến nông nghiệp sinh thái, môi trường tự nhiên thì đó là tác động của tinh thần nông nghiệp bền vững", Chủ tịch Vinamit nói.

Theo ông Viên, sau khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, người ta càng quan tâm đến nông nghiệp hữu cơ vì mục đích cuối cùng cũng là sức khỏe, sống để có bầu không khí hít thở, thực phẩm sạch để ăn, nâng cao miễn dịch để kháng bệnhh. Sự bùng nổ này sẽ diễn ra ở Mỹ, châu Âu và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam thì những doanh nghiệp tiên phong như Vinamit phải biết để chuẩn bị cho đội ngũ của mình am hiểu sâu và kỹ để định hướng đường đi, đón chờ bùng nổ đó.

Đáng chú ý, ông Viên cảnh báo, trước xu hướng tiêu dùng xanh bùng nổ, nếu chúng ta không chuẩn bị sẽ có cuộc đổ bộ của các công ty nước ngoài vào Việt Nam, lấy đi "miếng bánh" béo bở của ngành hàng nông nghiệp hữu cơ. Sau này, nông nghiệp hữu cơ sẽ không còn là trào lưu mà trở thành xu hướng, đó là tất yếu của ngành nông nghiệp và chế biến thực phẩm.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng từng nhiều lần nhấn mạnh tới việc ngành nông nghiệp đang đứng trước 3 chữ biến: biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới. Ngày nào đó, nông sản không chỉ phải đạt kiểm dịch an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mà còn phải dán nhãn sinh thái vào sản phẩm, đây mới là khó khăn. Nông sản không chỉ ăn ngon, sạch mà phải được sản xuất không gây biến đổi khí hậu, ảnh hưởng xấu tới môi trường tự nhiên.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, đây là vấn đề mới xuất hiện nhưng xu thế tiêu dùng quyết định cách sản xuất. Đây là câu chuyện nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, góp phần hướng nền nông nghiệp Việt Nam đi theo con đường nông nghiệp xanh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, ông ấn tượng với câu nói của bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam về việc "cái giá phải trả khi chúng ta không làm gì. Tôi cũng nghĩ đến việc chúng ta cứ cân nhắc về cái giá phải trả, mà không lo nghĩ đến việc chúng ta nên làm gì để không phải trả giá". Xanh hóa nền nông nghiệp không phải gánh nặng mà là cơ hội, cần xác định tâm thế này để thay đổi. Đây còn là trách nhiệm với hàng chục triệu hộ nông dân.

Quan trọng hơn, việc đáp ứng tiêu chuẩn xanh không chỉ diễn ra ở ngành dệt may hay nông sản, mà đó chỉ là những dẫn chứng cụ thể nhất. Một khi đã là xu thế thì bất kỳ ngành hàng, doanh nghiệp nào cũng phải đáp ứng nếu không muốn nằm ngoài "cuộc đua". 

Nhật Linh 

Nguồn:Vnbusiness.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/