Đơn hàng không thiếu, vì sao doanh nghiệp còn cân nhắc?
Đơn hàng xuất khẩu trong quý II và III, thậm chí cho cả năm nay là không hề thiếu, nhưng nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn cân nhắc có nên nhận thêm các đơn hàng mới hay không. Bởi, doanh nghiệp không thể lường hết những rủi ro trước tình hình mới, thiếu vốn để tăng công suất, thiếu hụt lao động, biến động giá nguyên liệu, đội chi phí logistics…
Ở Tổng công ty May Nhà Bè (NBC), đơn hàng mà doanh nghiệp (DN) này có được hiện tại là đến hết quý III/2022. Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn nhân lực ở Tp.HCM, để đáp ứng thời gian giao hàng cho đối tác, thời gian qua, NBC đã đẩy mạnh mở rộng sản xuất ở 10 tỉnh thuộc khu vực miền Tây, miền Trung và Tây Nguyên.
Không vui dù đơn hàng nhiều!
Mặc dù điều này giúp NBC tăng được năng lực sản xuất nhằm hoàn tất các đơn hàng xuất khẩu (XK), thế nhưng việc đội chi phí logistics vẫn là bài toán nan giải. Đặc biệt là giữa bối cảnh giá nhiên liệu còn ở mức cao, trong khi giao thông tại cơ sở sản xuất của DN ở một số địa phương lại chưa thuận lợi, xa cảng, sân bay…
|
Dù đơn hàng XK trong quý II và quý III/2022 là không hề thiếu, nhưng nhiều DN trong nước vẫn còn cân nhắc khi nhận thêm các đơn hàng mới.
|
Cũng như NBC, nhiều DN dệt may đã có đơn hàng đến quý III/2022 nhưng họ vẫn có tâm lý chần chừ vì chưa thể dự đoán được thị trường trong thời gian tới sẽ ra sao, đặc biệt là vấn đề chi phí logistics .
Theo đánh giá hiện nay chi phí logistics đang chiếm tới 9,3% giá thành sản phẩm dệt may. Đặc biệt là chi phí vận tải cao gấp 3 lần so với mức trung bình 5 năm trở lại đây. Không chỉ vậy, tình trạng mất cân đối lao động cũng đang là vấn đề mà nhiều DN dệt may gặp phải. Điển hình như các DN khu vực phía Nam vẫn thiếu hụt lao động, trong khi khu vực này chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch XK của cả ngành dệt may.
Còn ở ngành gỗ, nhiều DN xuất khẩu gỗ mới đây cho biết họ không chỉ kín đơn hàng đến quý III mà còn chốt xong đơn hàng đến hết năm. Tuy nhiên, cùng với dịch Covid-19, những biến động về địa chính trị thế giới đang gây nên xáo trộn đáng kể cho chuỗi cung ứng, nguồn cung nguyên liệu và nhất là chi phí logistics.
Chính điều này khiến cho DN ngành gỗ không vui dù có đơn hàng nhiều. Bởi vì chi phí logistics đang tăng chóng mặt nên giá thành sản phẩm tăng theo, nhiều đơn hàng chốt trước biến động giá nguyên liệu dễ làm DN thua lỗ.
Vào tuần tới, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.HCM (Hawa) sẽ phối hợp Hiệp hội Logisics Việt Nam (VLA) tổ chức hội thảo ở Tp.HCM nhằm bàn về xu hướng logistics trong tình hình mới. Đặc biệt là dự báo xu hướng biến động chi phí logistics, phí cước vận tải trong nước và quốc tế trong hoạt động xuất nhập khẩu nhằm giúp DN ngành gỗ thích ứng với tình hình mới.
Theo giới chuyên gia, với đơn hàng XK nhiều như hiện nay giữa bối cảnh đội chi phí logistics, các DN ngành gỗ nội thất còn đối mặt áp lực biến động giá nguyên liệu đầu vào. Nguyên nhân là nguyên liệu chiếm tỷ trọng rất lớn trong giá thành sản phẩm. Tùy theo loại nguyên liệu sử dụng và dòng sản phẩm nội thất mà tỷ trọng có thể chiếm từ 40% - 70% giá thành của sản phẩm gỗ.
Không lường trước được biến động
Từ vấn đề của ngành dệt may cho đến ngành gỗ, cũng cần tham khảo thêm số liệu mới đây từ Tổng cục Thống kê thông qua kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh của các DN chế biến, chế tạo.
Theo đó, 85,4% DN dự báo số lượng đơn đặt hàng XK mới trong quý II/2022 tăng và giữ nguyên so với quý I/2022 (40,3% dự báo tăng, 45,1% giữ nguyên); chỉ có 14,6% DN dự báo giảm.
Tuy vậy, có 91,5% DN dự báo trong quý II/2022 so với quý I/2022, chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm tăng và giữ nguyên (38,1% tăng, 53,4% giữ nguyên). Chỉ có 8,5% DN dự báo chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm giảm.
Ngoài ra, có 93,4% DN dự báo giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm ở quý II/2022 tăng và giữ nguyên (30,5% tăng, 62,9% giữ nguyên) so với quý I/2022; chỉ có 6,6% DN dự báo giảm.
Từ khảo sát nêu trên, qua ghi nhận của VnBusiness với một số DN sản xuất trong nước phục vụ cho XK, điều họ lo lắng trong lúc này là không lường trước hết được những rủi ro biến động trên thế giới.
Đơn cử như với cuộc xung đột Nga – Ucraina. Theo phản ánh của nhiều DN, họ hoàn toàn bị động từ tác động dây chuyền của tình hình này, dẫn đến phải tiếp tục chịu đựng tình trạng vận tải hàng hóa ách tắc, cước phí tăng cao.
Không chỉ vậy, cuộc xung đột Nga – Ucraina đang là một trong những nguyên nhân chính làm tăng giá trên thị trường một số mặt hàng nhiên liệu, nguyên liệu phục vụ sản xuất, dẫn đến chi phí logistics tăng cao. Và nói một cách ví von như chia sẻ từ phía DN là “trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”.
Bên cạnh đó, sau quãng thời gian 2 năm liên tiếp chống chọi với đại dịch Covid-19 khiến nhiều DN trong nước thiếu vốn để tăng công suất, không thể dự trữ đủ nguyên liệu để đáp ứng các đơn hàng mới.
Chính điều đó làm cho các DN vẫn cân nhắc khi nhận thêm các đơn hàng mới. Đặc biệt là nguy cơ thua lỗ vẫn luôn chực chờ nếu như DN ký các đơn hàng lớn kéo dài trong khi giá nguyên liệu, chi phí logistics vẫn tiếp tục tăng cao.
Trong thời gian tới, để có thể trở nên tự tin hơn với các đơn hàng mới, điều các DN trong nước mong mỏi là các cơ quan quản lý cần tiếp tục có các những giải pháp hữu hiệu nhằm “hạ nhiệt” giá nguyên liệu đầu vào, kéo giảm chi phí logistics. Mặt khác, nên tạo điều kiện tốt hơn nữa cho các nhà XK nội địa tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn thông qua các thủ tục vay vốn ngân hàng thuận lợi, nhanh chóng hơn.
Thế Vinh
Nguồn: Vnbusiness.vn