Triển vọng sáng
Cuối năm 2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành luật cấm nhập khẩu bông nguyên liệu sản xuất tại Tân Cương - Trung Quốc vào Mỹ. Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ ước tính khoảng 9 tỷ USD sản phẩm bông đã được nhập khẩu vào Mỹ từ Trung Quốc trong năm 2021.
Đây có thể xem là cơ hội lớn đối với các DN sợi bông lớn đang niêm yết như: CTCP Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VGT), CTCP Damsan (ADS), Tổng CTCP Phong Phú (PPH). Các DN này được hưởng lợi từ việc Mỹ từ chối mua các sản phẩm bông từ Trung Quốc khi họ có xu hướng chuyển sang mua vải và sợi từ Việt Nam.
Tương tự như tại châu Âu trong tháng 3-2021, sau khi hàng loạt thương hiệu thời trang quốc tế lớn như Nike, H&M, Uniqlo, Zara tuyên bố ngừng sử dụng nguyên liệu cotton từ Tân Cương. Thị phần xuất khẩu vải và sợi của Trung Quốc sang châu Âu đã giảm từ 52,4% vào năm 2020 xuống 44,7% vào năm 2021.
Trong khi đó, với việc trở thành nhà cung cấp dệt may ngoài khu vực lớn thứ 6 của EU vào năm 2021 (chiếm 3% về giá trị), Việt Nam sẽ tận dụng được lợi thế từ thị trường EU và Mỹ từ năm 2022.
Theo Liên đoàn Dệt may châu Âu (Euratex), ngành dệt may EU tiếp tục chứng kiến sự phục hồi sau Covid-19. Cụ thể, giá trị sản lượng dệt may đã tăng trở lại mức trước đại dịch vào cuối tháng 11-2021.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu đạt 4,9% vào năm 2022, và nhu cầu dệt may thế giới trong năm 2022 sẽ quay trở lại mức 2019, đạt khoảng 740 tỷ USD.
Sự phục hồi của ngành dệt may thế giới cũng giúp cho kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam có thể hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm 2022 là 43 tỷ USD (tăng 4 tỷ USD so với con số 39 tỷ USD năm 2021). Thực tế, các công ty dệt may lớn như: Tổng CTCP May 10 (M10), CTCP Sợi Thế Kỷ (STK), CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) đều đã đủ đơn đặt hàng đến quý II và quý III năm nay.
Phân hóa lợi nhuận giữa vùng miền
Dù gặp nhiều khó khăn trong quý III do chính sách siết chặt giãn cách để phòng chống Covid-19, nhưng năm 2021 lại là năm thành công đối với các DN dệt may.
Theo ước tính của CTCK VNDirect (VND), tổng doanh thu quý IV-2021 của các công ty dệt may niêm yết tăng 24,1% nhờ sự phục hồi từ các công ty dệt may phía Nam. Sau khi kết thúc đợt giãn cách, hầu hết các công ty phía Nam đều chạy ở mức 85-90% công suất, so với 50-60% công suất trong quý III.
Nhờ kết quả quý IV, tổng doanh thu năm 2021 của các công ty dệt may niêm yết tăng nhẹ 7,6% trong khi lợi nhuận ròng tăng đến 57,4%. Các công ty ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng trong 2021 phải kể đến ADS (tăng 303%), VGT (tăng 161,4%) và STK (tăng 93%).
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh 2021 lại có sự phân hóa vùng miền giữa các doanh nghiệp. Cụ thể, các công ty may mặc phía Bắc như CTCP May Sông Hồng (MSH), CTCP Đầu tư và Thương mại (TNG) có mức tăng trưởng lợi nhuận cao trong 2021 với mức tăng 90,8%.
Nguyên nhân là các DN này tăng trưởng dựa trên mức nền thấp trong 2020, cải thiện danh mục sản phẩm (tăng đơn hàng FOB) và tận dụng lợi thế từ việc chuyển đơn đặt hàng từ các công ty dệt may miền Nam.
Ngược lại, các công ty may mặc phía Nam có mức tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn do các nhà máy chỉ hoạt động 50-60% công suất trong thời gian xã hội giãn cách.
Trong đó, TCM và Tổng CTCP May Việt Tiến (VGG) là 2 DN niêm yết ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận âm trong năm 2021, giảm lần lượt là 48% và 41%.
Những yếu tố cần lưu ý
Tăng trưởng lợi nhuận âm cũng là nguyên nhân khiến cho TCM và VGG đi ngược với xu hướng tăng dựng đứng của các DN dệt may. Theo thống kê, nhóm CP dệt may đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng kể từ đầu năm 2021 đến nay, đạt từ 48-291%. Đơn cử VGT (tăng 153%), MSH (tăng 126%), STK (tăng 178%), TNG (tăng 116%), ADS (tăng 291%). Sóng tăng của nhóm CP dệt may cao hơn mức tăng của VN Index giúp cho NĐT “cứ mua là thắng” trong vòng 1 năm trở lại đây.
Cũng chính vì lý do này, giới phân tích khuyến cáo NĐT thận trọng khi đầu tư vào nhóm CP dệt may ở thời điểm hiện tại. Theo VND, mặc dù ngành dệt may được kỳ vọng là có triển vọng tươi sáng trong năm 2022, nhưng NĐT cần đầu tư có chọn lọc vì hầu hết định giá các CP của ngành đều không còn rẻ. NĐT chỉ nên ưu tiên các DN đầu ngành và có kế hoạch mở rộng công suất nhà máy trong 2022-2025.
Đặc biệt là các DN có khả năng mở rộng công suất để đạt được tốc độ tăng trưởng dài hạn. Chẳng hạn, các DN dệt may như ADS, TCM, TNG đã mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực bất động sản và bất động sản khu công nghiệp. Kỳ vọng mảng kinh doanh mới sẽ hỗ trợ các DN duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong giai đoạn 2022-2025.
Ngoài yếu tố trên, NĐT cần chú ý đến yếu tố tăng giá nguyên liệu đầu vào nếu muốn đầu tư vào CP dệt may. Đây là nguyên nhân gây áp lực lên kết quả kinh doanh của các công ty may mặc trong năm 2022. Hiện giá bông đạt mức cao nhất trong 10 năm, phản ánh sự cải thiện dần dần trong triển vọng tiêu dùng toàn cầu.
Theo Trading Economic, giá bông dự kiến sẽ đạt 107,4USD/pound (tăng 15%) vào năm 2022 do thu hoạch mùa vụ kém ở Mỹ và Ấn Độ.
Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sản lượng bông của quốc gia này đạt 17,6 triệu kiện (giảm 3,2%), trong khi khối lượng sản xuất bông của Ấn Độ trong 2 vụ 2021 và 2022 được dự báo sẽ giảm 4% do cây trồng ở các bang sản xuất chính bị thiệt hại do mưa lớn vào mùa thu hoạch.
Theo VND, giá bông cao sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp của các công ty may mặc sử dụng sợi bông cho quá trình sản xuất như MSH, TNG, TCM. Dự báo, tăng trưởng lợi nhuận của các công ty may mặc sẽ giảm xuống 20-25% trong năm 2022 từ mức 40% trong năm 2021.
KIM GIANG
Nguồn:Saigondautu.com.vn