Do phát thải khí CO2 trong quá trình sản xuất, ngành thời trang toàn cầu là một trong những nguyên nhân tác động đến biến đổi khí hậu, nhưng đồng thời cũng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, các cam kết toàn cầu và yêu cầu pháp luật của châu Âu, trong đó có Luật Thẩm định doanh nghiệp Đức có hiệu lực vào năm 2023, đang gia tăng áp lực lên các nhãn hàng và công ty đa quốc gia do yêu cầu phải nhận diện, ngăn chặn, giảm nhẹ và chịu trách nhiệm các rủi ro môi trường và xã hội trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Đây là lý do tại sao nhiều thương hiệu thời trang và nhà sản xuất dệt may nổi tiếng đã đặt ra các mục tiêu liên quan đến khí hậu và môi trường.
|
Chuyển dịch năng lượng giúp các doanh nghiệp dệt may giảm phát thải
|
Để hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may Việt Nam giảm phát thải thông qua sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, năng lượng và quản lý hóa chất, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ và Công ty Decathlon đã ký biên bản ghi nhớ, cam kết cải thiện hiệu suất môi trường chuỗi cung ứng dệt may tại Việt Nam. Theo đó, cùng với dự án sinh học (BEM) thì dự án trong ngành dệt may (FABRIC) của GIZ sẽ hợp tác với Decathlon để thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực về thích ứng với biến đối khí hậu, sử dụng hiệu quả nước, năng lượng và quản lý hóa chất tại các nhà máy trong chuỗi cung ứng ngành thời trang trong năm 2022.
Cụ thể, dự án FABRIC sẽ tổ chức các khóa học “Hành động vì khí hậu” và “e-REMC - Quản lý Hóa chất” trên nền tảng e-learning www.atingi.org, kết hợp đào tạo và tư vấn, nhằm thúc đẩy cải thiện năng lực tại các nhà máy. Khóa “Hành động vì khí hậu” cung cấp kiến thức cơ bản và chuyên biệt cho ngành thời trang về biến đổi khí hậu, các giải pháp tính toán và giảm thiểu khí nhà kính; các biện pháp hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo. Nội dung khóa học được phát triển trên cơ sở hợp tác với UNFCC và 13 nhãn hàng, trong đó có Decathlon. Trong khi đó, khóa “e-REMC-Quản lý Hóa chất” thúc đẩy các nhà máy hoàn thiện và thực hiện hệ thống quản lý hóa chất bền vững.
Ông Marc Beckman – Giám đốc dự án FABRIC nhấn mạnh, ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi sự hợp tác với các nhãn hàng quốc tế nhằm cải thiện năng lực của các nhà máy trong chuỗi cung ứng - nơi tác động đến môi trường và gây phát thải nhiều nhất. Sự hợp tác này là rất quan trọng và cấp thiết. Những tiếp cận sáng tạo này sẽ nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho nhà máy, giúp họ tăng năng lực cạnh tranh tổng thể trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các thành công từ việc hợp tác sẽ mang lại lợi ích cho khu vực và toàn cầu. “Dự án FABRIC sẽ chia sẻ các thành công với các nhà hoạch định chính sách để nhân rộng bài học ra các nước khác, trong khi đó, người học được tiếp cận nền tảng đào tạo trực tuyến miễn phí”- ông Marc Beckman cho biết.
Decathlon sẽ cung cấp cho hơn 100 nhà máy của các nhãn hàng các khóa đào tạo về tăng cường sử dụng năng lượng sinh học và nguồn năng lượng tái tạo khác; đồng thời hỗ trợ các nghiên cứu về chuỗi cung ứng sinh khối.
Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, có tiềm năng lớn về năng lượng sinh khối, hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu tìm kiếm nguồn năng lượng tái tạo thay thế nhiên liệu hóa thạch. |
Thu Hường
Nguồn:Congthuong.vn