|
Dây chuyền may xuất khẩu của doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: CTV |
Đại diện Hội May thêu đan TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, thị trường tiêu dùng thời trang Việt Nam được một đơn vị nghiên cứu nước ngoài định giá 5 tỷ USD. Tuy nhiên, tại thị trường nội địa này, sản phẩm của doanh nghiệp trong nước đang cạnh tranh rất khốc liệt với nhiều thương hiệu thời trang lớn của nước ngoài.
Theo bà Trần Hoàng Phú Xuân - Phó Chủ tịch Hội May thêu đan TP. Hồ Chí Minh, doanh nghiệp dệt may hiện nay đang gặp khó khăn do giá nguyên vật liệu tăng cao. Trong đó, giá sợi cotton nhập khẩu trong 2 năm qua tăng 70%, nguyên phụ liệu trong nước sau dịch bệnh tăng 40%. Nguyên vật liệu ngành dệt may với tỷ lệ nội địa chỉ chiếm 40 - 50% nên doanh nghiệp chưa được hưởng lợi nhiều từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, khó cạnh tranh về giá thành ở thị trường nước ngoài.
Các doanh nghiệp đề nghị TP. Hồ Chí Minh xây dựng chuỗi cung ứng và kết nối với các trường đại học, viện nghiên cứu để đưa những nguyên liệu mới vào ứng dụng, đồng thời có giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ở thị trường nội địa, trong đó có việc thành lập trung tâm thời trang.
“Thành phố cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp để định vị thương hiệu dệt may Việt Nam trong chuỗi. Đặc biệt là ở thị trường nội địa, những sản phẩm có tính công nghệ cao, có tính thời trang có thể đối trọng với sản phẩm thời trang của những thương hiệu rất mạnh của nước ngoài họ đang mở rộng chuỗi cung ứng. Do vậy, thành phố cần hỗ trợ hiệp hội và doanh nghiệp thành lập Trung tâm thời trang tại TP. Hồ Chí Minh để định vị thương hiệu dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng”- bà Xuân kiến nghị ./.