Báo cáo cho thấy, theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2022, Việt Nam nhập khẩu bông đạt 127,7 nghìn tấn, trị giá 315,5 triệu USD, tương đương tăng 3,8% về lượng và 60,7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Lượng xơ sợi nhập về Việt Nam là 93,4 nghìn tấn, trị giá 232,3 triệu USD, tương đương giảm 16,5% về lượng và tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, nhập khẩu vải các loại 1.392,1 triệu USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may da giày tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước tương đương trị giá 563,9 triệu USD.
Tháng đầu năm 2022, lượng xơ, sợi dệt các loại Việt Nam xuất khẩu đạt 144,2 nghìn tấn, trị giá 473,7 triệu USD, tương đương giảm 12,3% về lượng nhưng tăng 20,1% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu vải đạt trị giá 251,4 triệu USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm trước; nguyên phụ liệu dệt may da giày với giá trị 200,4 triệu USD, tăng 17,7%; xuất khẩu vải kỹ thuật tăng 45,3% tương đương trị giá 74,5 triệu USD.
Xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 1/2022 đạt 3,57 tỷ USD, giảm 1,2% so với tháng trước, nhưng tăng 34,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Năm 2021, giá nhập khẩu bông nguyên liệu tăng 24,5%
Cũng theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu bông nguyên liệu về Việt Nam trong tháng 12/2021 đạt 109,63 nghìn tấn, trị giá 243,33 triệu USD, giảm 14,5% về lượng và giảm 13,4% về trị giá so với tháng 11/2021, giảm 14,4% về lượng nhưng tăng 20,9% về trị giá so với tháng 12/2020.
Tính chung năm 2021, lượng bông nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam đạt 1,67 triệu tấn, trị giá 3,23 tỷ USD, tăng 14,5% về lượng và tăng 41,6% về trị giá so với năm 2020.
Năm 2021, có 11 thị trường cung cấp bông nguyên liệu cho Việt Nam, ổn định so với năm 2020.
Trong đó, nhập khẩu bông từ thị trường Mỹ vào Việt Nam đạt 605 nghìn tấn, trị giá 1,17 tỷ USD, giảm 27,7% về lượng và giảm 11,4% về trị giá so với năm 2020, chiếm 39,2% tổng lượng bông nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam.
Đứng thứ hai là thị trường Brazil, đạt 376 nghìn tấn, trị giá 704 triệu USD, tăng 11,2% về lượng và tăng 30,4% về trị giá so với năm 2020.
Ngoài ra, nhập khẩu bông từ một số thị trường khác tăng mạnh so với năm 2020 như: từ Ấn Độ tăng 62%; từ Australia tăng 899%; từ Bờ Biển Ngà tăng tới 104% về lượng so với năm 2020.
Về giá, theo xu hướng tăng của giá bông thế giới, giá bông nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam cũng tăng trong năm 2020. Trong đó, giá bông nhập khẩu trung bình vào Việt Nam trong tháng 12/2021 ở mức 2.219 USD/tấn, giá tăng 27 USD/tấn so với tháng 11/2021 và tăng 656 USD/tấn so với tháng 12/2020 (tăng 1,2% so với tháng 11/2021 và tăng 41,9% so với tháng 12/2020). Năm 2021, giá bông nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam đạt trung bình 1.927 USD/tấn, tăng 24,5% so với năm 2020.
Giá bông nhập khẩu trung bình từ các thị trường trong năm 2021 hầu hết tăng so với năm 2020. Trong đó, giá bông nguyên liệu nhập khẩu từ Indonesia đạt mức thấp nhất là 1.230 USD/tấn; tiếp đến là từ Ấn Độ đạt 1.655 USD/tấn và giá bông nguyên liệu nhập khẩu từ thị trường Australia đạt mức cao nhất, với mức giá 2.197 USD/tấn. Giá bông thế giới được dự báo sẽ vẫn tăng trong thời gian tới, do đó, giá nhập khẩu bông của Việt Nam cũng sẽ tăng trong những tháng đầu năm 2022.
Giá bông nhập khẩu được dự báo tiếp tục tăng trong những tháng đầu năm 2022
Trong khi đó, năm 2021, Việt Nam nhập khẩu xơ nguyên liệu từ 29 thị trường, giảm 2 thị trường so với năm 2020.
Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam nhận định, nhìn chung trong năm 2021, nhập khẩu xơ nguyên liệu từ các thị trường chính vào Việt Nam giảm ở nhiều thị trường, trừ thị trường Trung Quốc tăng. Trung Quốc là thị trường cung cấp xơ nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam, đạt 176,29 nghìn tấn, trị giá 209,84 triệu USD, tăng 3,7% về lượng và tăng 20,5% về trị giá so với năm 2020. Nhập khẩu xơ nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc chiếm 44,1% tổng lượng xơ nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam trong năm 2021.
Đứng thứ hai là thị trường Đài Loan (Trung Quốc), đạt 57,84 nghìn tấn trong năm 2021, trị giá 64,81 triệu USD, giảm 8,2% về lượng, nhưng tăng 9,4% về trị giá so với năm 2020. Lượng xơ nguyên liệu nhập khẩu từ thị trường Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 14,5% tổng lượng nhập khẩu xơ nguyên liệu của Việt Nam trong năm 2021. Trong khi đó, nhập khẩu xơ nguyên liệu từ một số thị trường khác tăng rất mạnh trong năm 2021 như Ấn Độ, Hồng Kông, Campuchia.
Về giá, tháng 12/2021, giá xơ nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam đạt trung bình 1.315 USD/tấn, tăng 3,3% so với tháng 11/2021 và tăng 17,3% so với tháng 12/2020. Trong đó, giá xơ nguyên liệu nhập khẩu từ thị trường Ấn Độ ở mức thấp nhất, đạt 1.123 USD/tấn; tiếp đến là từ Malaysia đạt 1.249 USD/tấn. Giá xơ nguyên liệu nhập khẩu từ thị trường Singapore ở mức cao nhất, đạt 2.883 USD/tấn.
Nhìn chung trong năm 2021, nhập khẩu xơ nguyên liệu từ các thị trường chính vào Việt Nam giảm ở nhiều thị trường, trừ thị trường Trung Quốc tăng
Đối với sợi nguyên liệu, tháng 12/2021 Việt Nam nhập khẩu 63,22 nghìn tấn, trị giá 193,58 triệu USD, giảm 2% về lượng nhưng tăng 6% về trị giá so với tháng 11/2021, giảm 4,8% về lượng nhưng tăng 31,3% về trị giá so với tháng 12/2020.
Tính chung năm 2021, lượng sợi nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam đạt 721 nghìn tấn, trị giá 2,03 tỷ USD, tăng 10,4% về lượng và tăng 35,2% về trị giá so với năm 2020.
Trung Quốc là thị trường cung cấp sợi nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam, với lượng nhập khẩu tháng 12/2021 đạt 40,44 nghìn tấn, trị giá đạt 113,59 triệu USD, giảm 2,5% về lượng nhưng tăng 4,9% về trị giá so với tháng 11/2021; tăng 2,9% về lượng và tăng 55,9% về trị giá so với tháng 12/2020. Tính chung năm 2021, lượng sợi nguyên liệu nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc vào Việt Nam đạt 442,29 nghìn tấn, trị giá đạt 1,14 tỷ USD, chiếm 61,3% tổng lượng nhập khẩu, tăng 11,3% về lượng và tăng 46,4% về trị giá so với năm 2020.
Tháng 12/2021, nhập khẩu sợi nguyên liệu từ thị trường Đài Loan (Trung Quốc) đạt 7,84 nghìn tấn, trị giá đạt 23,09 triệu USD, tăng 6% về lượng và tăng 18% về trị giá so với tháng 11/2021; giảm 8,9% về lượng nhưng tăng 9,3% về trị giá so với tháng 12/2020. Tính chung năm 2021, lượng sợi nguyên liệu nhập khẩu từ thị trường Đài Loan (Trung Quốc) vào Việt Nam đạt 98,65 nghìn tấn, trị giá đạt 255,87 triệu USD, chiếm 13,7% tổng lượng nhập khẩu sợi nguyên liệu của Việt Nam, tăng 23% về lượng và tăng 29,3% về trị giá so với năm 2020. Nhìn chung trong năm 2021, nhập khẩu sợi nguyên liệu từ các thị trường cung cấp chính cho Việt Nam đều tăng, trừ thị trường Nhật Bản giảm 76,7%, Malaysia giảm 36,7%.
Về giá, giá nhập khẩu sợi nguyên liệu trong tháng 12/2021 ở mức 3.062 USD/tấn, tăng 230 USD/tấn so với tháng 11/2021 và tăng 843 USD/tấn so với tháng 12/2020. Tính chung năm 2021, giá sợi nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam đạt trung bình 2.821 USD/tấn, tăng 22,8% so với năm 2020.
Trong tổng số các thị trường cung cấp sợi nguyên liệu cho Việt Nam, giá sợi nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc đạt mức thấp nhất là 2.809 USD/tấn; tiếp đến là từ Ấn Độ đạt 2.929 USD/tấn. Giá nhập khẩu từ thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) đạt mức cao nhất là 5.623 USD/tấn.
Nhu cầu sợi toàn cầu sẽ tăng trong năm 2022
Tính chung năm 2021, xuất khẩu mặt hàng xơ, sợi dệt các loại của Việt Nam đạt 5,612 tỷ USD, tăng 50,2% so với năm 2020 và tăng 34,4% so với năm 2019.
Thị trường xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại chủ yếu của Việt Nam trong năm 2021 là Trung Quốc, chiếm 53,49% tổng lượng và chiếm 53,18% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Xuất khẩu xơ, sợi dệt sang thị trường Trung Quốc năm 2021 tăng 5,8% về lượng và tăng 39% về kim ngạch so với năm 2020.
Ngoài ra, xuất khẩu xơ, sợi dệt của Việt Nam sang một số thị trường khác cũng tăng trong năm 2021 như Hàn Quốc, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc). Đặc biệt, xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc) tăng 111,7% về lượng và tăng 248,9% về kim ngạch so với năm 2020.
Giá xuất khẩu trung bình mặt hàng xơ, sợi dệt của Việt Nam trong tháng 12/2021 đạt 4.317 USD/tấn, tăng 32,5% so với tháng 11/2021 và tăng 86,9% so với tháng 12/2020. Tính chung năm 2021, giá xuất khẩu trung bình mặt hàng xơ, sợi dệt của Việt Nam đạt 2.965 USD/tấn, tăng 37,9% so với năm 2020.
"Năm 2021, giá nguyên liệu đầu vào để sản xuất xơ, sợi tăng khiến giá xuất khẩu trung bình mặt hàng này của Việt Nam cũng tăng. Giá xuất khẩu trung bình mặt hàng xơ, sợi dệt của Việt Nam sang các thị trường trong năm 2021 đa phần tăng trưởng ở mức hai con số so với năm 2020", báo cáo của Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam cho hay.
Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu xơ, sợi dệt sang thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) có mức giá cao nhất là 5.493 USD/tấn và giá xuất khẩu sang thị trường Mỹ có thấp nhất, đạt 1.284 USD/tấn. Đáng chú ý, giá xuất khẩu trung bình mặt hàng này sang một số thị trường tăng mạnh như: Thổ Nhĩ Kỳ tăng 103,3%; Pakistan tăng 134,1%.
Tỷ trọng biên lợi nhuận ngành sợi tăng kỷ lục là một trong những yếu tố đóng góp lớn vào mức tăng trưởng cao của toàn Tập đoàn Dệt may Việt Nam năm 2021
Theo Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, có 4 yếu tố lớn sẽ tác động tới sự tăng trưởng ngành sợi Việt Nam trong năm 2022.
Thứ nhất, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến chuỗi giá trị dệt may nói chung và ngành sợi nói riêng.
Hiện nay, các nước phát triển đang ráo riết thực hiện tiêm chủng mở rộng cho toàn dân, đồng thời viện trợ vắc xin cho các nước đang và kém phát triển nhằm nỗ lực đạt được mức độ miễn dịch cộng đồng cao nhất có thể. Vì vậy, có thể kỳ vọng năm 2022 khi hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao thương quốc tế cùng với chuỗi giá trị toàn cầu có thể được kết nối trở lại, tạo động lực cho sự phục hồi của ngành dệt may nói chung, ngành sợi nói riêng.
Thứ hai, nhu cầu sợi toàn cầu dự báo sẽ tăng trong năm 2022 do nhu cầu hàng dệt may tăng trở lại.
Mới đây, các tổ chức kinh tế quốc tế đều đưa ra dự báo lạc quan về sự phục hồi kinh tế của các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia EU. Đây đều là các thị trường tiêu thụ dệt may lớn của Việt Nam. Theo báo cáo vào tháng 10/2021 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (gọi tắt là IMF) tăng trưởng của Mỹ, Trung Quốc, EU lần lượt là 5,2%, 5,6%, 4,3% trong năm 2022. Sự phục hồi kinh tế của các nước lớn là động lực cho cầu dệt may tăng trưởng, kéo theo cầu về sợi cũng tăng cao. Ngược lại, phục hồi kinh tế của các nước đang phát triển, bao gồm nhiều nước sản xuất dệt may sẽ chậm hơn. Như vậy, nhu cầu dệt may có thể sẽ tăng trưởng nhanh hơn nguồn cung dệt may.
Thứ ba, Trung Quốc hiện vẫn là thị trường nhập khẩu xơ, sợi lớn nhất của Việt Nam, chiếm đến 53,2% tổng kim ngạch xuất khẩu xơ, sợi. Ngược lại, Việt Nam cũng là nhà cung ứng sợi lớn nhất cho Trung Quốc, chiếm 37% trị giá nhập khẩu xơ, sợi của Trung Quốc trong năm 2021.
Trong kế hoạch phát triển dệt may 5 năm tới, Trung Quốc sẽ không chú trọng vào “tăng trưởng về lượng” mà tập trung vào “phát triển về chất” để tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn trong chuỗi cung ứng, ưu tiên phát triển “xanh” và “bền vững” bằng cách sử dụng các nguyên liệu tái chế và “organic”, giảm tối đa lượng phát thải ra môi trường. Vì vậy, Trung Quốc sẽ có xu hướng tập trung vào sản xuất các loại sợi cao cấp với chỉ số cao.
Đồng thời, nước này sẽ tăng cường nhập khẩu các loại sợi có chỉ số thấp và trung bình hoặc dịch chuyển việc sản xuất các loại sợi này sang các nước khác. Trong ngắn hạn, việc dịch chuyển sản xuất chưa thể thực hiện ngay, mà khả năng cao hơn là Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu sợi từ các nước khác trong năm 2022.
Thứ tư, diễn biến về mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia cung và cầu dệt may lớn nhất thế giới trong năm 2022.
Ngành sợi Việt Nam với hơn 70% sản lượng dùng để xuất khẩu, trong đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 55 - 70% tuỳ từng giai đoạn. Mặt khác, nguồn nguyên liệu đầu vào chính của ngành sợi là bông lại hoàn toàn nhập khẩu với hơn 50% đến từ Mỹ, còn lại từ các nước khác như Brazil, Ấn Độ, Úc, Tây Phi…
"Điều này cho thấy, ngành sợi Việt Nam dễ bị ảnh hưởng trước các biến động về kinh tế, chính trị, quan hệ thương mại giữa các nước, đặc biệt là quan hệ thương mại giữa hai cường quốc lớn là Mỹ và Trung Quốc", Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam nhấn mạnh.
Năm 2021, Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận Giai đoạn Một, theo đó Trung Quốc đã cam kết mua một lượng lớn bông Mỹ. Vì vậy, rất có thể Thỏa thuận giai đoạn Hai sẽ được ký kết vào cuối năm nay, tạo ra cục diện hòa bình tạm thời, khơi thông dòng chảy thương mại giữa hai nước để tránh tổn thương nền kinh tế. Điều này cũng sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho sự tăng trưởng của dệt may toàn cầu.